1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những bài học từ Việt Nam

12-5-1975, chưa đầy hai tuần sau ngày Sài Gòn được giải phóng, bộ trưởng ngoại giao - trợ lý tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia Henry Kissinger đã gửi cho tổng thống Mỹ Gerald Ford một bản ghi nhớ (memorandum), do Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ soạn thảo, tổng kết tạm thời về “những bài học từ VN”.

Văn bản này được lưu trong thư viện của tổng thống Ford và đã được giải mật vào tháng 4-2000 cùng với 40.000 trang hồ sơ của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Mật bản ghi nhớ gửi: Tổng thống G.Ford

Người gửi: Henry A.Kissinger

Chủ đề Những bài học từ VN

Theo yêu cầu của tổng thống, tôi đã chuẩn bị một số ý kiến về “những bài học từ VN” để ngài xem xét và làm cơ sở trả lời những câu hỏi của báo chí về vấn đề này.

... VN là trường hợp cực kỳ cá biệt về các mặt địa lý, dân tộc, chính trị và cả quân sự, ngoại giao. Và thật sự không có nhiều bài học lắm từ kinh nghiệm ở VN để có thể áp dụng một cách hữu ích cho các nơi khác trên thế giới. Có lẽ chúng ta phải thừa nhận và bằng lòng với điều này thay vì cố vận dụng nó một cách rộng rãi như đã từng làm với “những bài học Munich”.

... Một bài học hiển nhiên được rút ra là tính khách quan và trung thực tuyệt đối trong các tường trình của chính phủ cũng như báo chí là cực kỳ quan trọng. Trong một thời gian dài, những báo cáo chính thức của nhà nước Mỹ có khuynh hướng lạc quan quá đáng và hậu quả là đã không làm cho người dân Mỹ thật sự hiểu được những khó khăn của cuộc chiến.

Những phản ánh bi quan của báo chí đã chiếm được lòng tin ngày càng lớn vì diễn biến của thực tế không minh chứng được cho những đánh giá lạc quan của Washington. Và đến một lúc nào đó, những tuyên bố của chính phủ đều bị xem là thiếu khách quan, không chỉ bởi những người đối lập mà còn bởi sự hoài nghi của công chúng ngày càng lan rộng.

...Một bài học khác là sự quan trọng tuyệt đối của việc hướng sự chú ý của chúng ta và sự tranh luận chung vào những vấn đề thật sự thiết yếu - ngay cả khi những vấn đề này không được thể hiện trên các chương trình truyền hình hằng đêm. Chúng ta đã mất sức quá nhiều vào những chuyện vặt như “chuồng cọp Côn Đảo”, vụ Mỹ Lai, chiến dịch Phượng Hoàng… Và quan trọng không kém là chúng ta đã thiếu sự kiên định đối với những mục tiêu ban đầu, dù rằng chúng ta đã đổ không biết bao nhiêu sức người, sức của vào ván bài VN.

…Về chiến thuật quân sự, chúng ta không thể kết luận rằng những lực lượng vũ trang của chúng ta không phù hợp với loại chiến tranh này. Ngay cả những lực lượng đặc biệt được thành lập riêng cho cuộc chiến cũng vẫn không thể làm gì hơn được. Nguyên nhân một phần là do bản chất của cuộc xung đột. Nó vừa có tính chất của loại chiến tranh nổi dậy với những cuộc cận chiến trong đêm tối ở xóm làng, lại vừa là cuộc chiến của lực lượng chính qui mà vấn đề kỹ thuật là cực kỳ quan trọng.

Nhưng chúng ta và chính quyền Sài Gòn lại có nhiều khó khăn hơn phía bên kia. Một rắc rối nữa: khi chúng ta xem đó là “cuộc chiến của chúng ta”, chúng ta đã không thúc đẩy được quân đội Sài Gòn chiến đấu thật sự; đến khi chúng ta xem đó là “cuộc chiến của họ” (sau VN hóa chiến tranh), chúng ta lại không giúp đỡ họ đúng mức.

…Trong quá trình đó nền ngoại giao của chúng ta cũng bị thương tổn nghiêm trọng. Chúng ta thường nhận thấy nước Mỹ khó có thể kiên trì một lập trường ngoại giao quá vài tuần lễ. Chúng ta liên tục đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác trong khi Hà Nội không thay đổi những mục tiêu và lập trường ngoại giao của họ.

Chỉ trong đàm phán bí mật chúng ta mới đạt được ít nhiều cuộc đối thoại thật sự và rồi họ lại luôn đặt chúng ta dưới một sức ép liên tục của công luận. Điều này đã ám ảnh chúng ta, gây khó khăn cho sự kiên trì một lập trường ngoại giao, trước một  kẻ địch kiên quyết và không phải chịu đựng những chống đối từ trong nước.

...Nhưng chúng ta có đạt được lợi ích gì không từ cuộc chiến tranh ở VN? Tôi tin rằng có rất nhiều đấy. Tôi cho rằng quyết định đưa quân chúng ta vào VN năm 1965 đã giúp Indonesia không rơi vào tay cộng sản và duy trì được sự hiện diện của Mỹ ở châu Á, cả về quân sự lẫn kinh tế cùng với ảnh hưởng về chính trị. Và nhờ đó, những đồng minh của chúng ta - gồm cả Nhật Bản - sẽ không cần phải dồn sức thêm cho nỗ lực quốc phòng.

...Vì thế, trong những tuyên bố công khai, chúng ta cần tránh tự lên án và sẽ không mô tả vai trò của chúng ta trong cuộc xung đột như là một thảm họa nhục nhã. Tôi tin rằng những nỗ lực vừa qua của chúng ta về quân sự, chính trị và ngoại giao đã không vô nghĩa...

Theo Tuổi trẻ