1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Từ đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ leo thang quân sự nguy hiểm trên Biển Đông?

(Dân trí) - Một khi đã hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, với những đường băng lớn, Trung Quốc có thể triển khai chiến đấu cơ và tên lửa hiện đại, để giám sát toàn bộ Biển Đông vì mưu đồ riêng, các chuyên gia nhận định.

Tại Diễn đàn an ninh Aspen hồi tuần trước, đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đã lên tiếng cảnh báo về khả năng quân đội Trung Quốc sẽ sử dụng các hòn đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông làm các “tiền đồn tác chiến”.

north-fiery-cross-reef-13-jul-4f411

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa phủ nhận việc sẽ sử dụng các tiền đồn này cho mục đích quân sự, dù đã nhấn mạnh kế hoạch triển khai các hoạt động như tìm kiếm cứu nạn trên biển, ngăn ngừa và giảm trừ thảm họa, quan sát khí tượng.

Nhưng theo cây bút Bonnie Glaser trên tờ Lowy Interpreter  - cố vấn của chính phủ Mỹ về Đông Á, và hội viên cấp cao của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), những hòn đảo nhân tạo này sẽ giúp Trung Quốc có được ưu thế quân sự to lớn.

Đường băng phi pháp - bàn đạp leo thang quân sự

Trước hết, có thể khẳng định hầu như chắc chắn Trung Quốc sẽ triển khai tại các tiền đồn trên quần đảo Trường Sa radar cùng các thiết bị nghe lén điện tử. Những thiết bị này sẽ giúp tăng cường năng lực tình báo, giám sát, do thám trên biển cho Trung Quốc.

Đường băng dài hơn 3km vừa được xây dựng trên bãi đá Chữ Thập đủ khả năng đón hầu như mọi loại máy bay Trung Quốc hiện có, trong khi các nhà chứa máy bay đang được xây dựng dường như được thiết kế để đón các chiến đấu cơ tấn công chiến thuật.

Còn theo phân tích của đô đốc Harris, đường băng dài hơn 3000m này đủ lớn để đón một chiếc B-52, thậm chí gần đủ để tàu con thoi hạ cánh. Trong khi các máy bay thương mại cỡ lớn như Boeing 747 cũng không cần đường băng dài 3000m.

Với đường băng này, Trung Quốc có thể triển khai các máy bay do thám, máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp nhiên liệu và cả chiến đấu cơ. Tùy thuộc vào các hệ thống và hạ tầng được triển khai tới các tiền đồn này, Trung Quốc có thể giám sát hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ Biển Đông 24/7.

Năng lực này sẽ giúp quân đội Trung Quốc có lợi thế lớn so với những nước láng giềng yếu hơn, thậm chí de dọa tới hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, bà Glaser nhận định.

Trung Quốc cũng có thể tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) với một phần hoặc toàn bộ diện tích nằm trong cái gọi là tuyên bố đường 9 đoạn của nước này.

Việc áp đặt ADIZ sẽ cần tới nhiều đường băng tại các vị trí khác nhau trên Biển Đông. Hiện nước này đang mở rộng một đường băng trên đảo Phú Lâm, trong quần đảo Hoàng Sa, từ 2.200m lên hơn 3000m. Trong khi đó, ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây một đường băng khác trên bãi đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa.

Tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Tại thời điểm đó, một trung tướng của quân đội nước này khẳng định, kế hoạch thiết lập ADIZ trên toàn bộ các vùng biển gần Trung Quốc đã có từ lâu, bao gồm Hoa Đông, Hoàng Hải và Biển Đông.

Tên lửa phòng không và căn cứ tàu ngầm trên Biển Đông

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng các tiền đồn tại quần đảo Trường Sa để tăng cường hơn nữa năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực về phía Nam và phía Đông. Các đường băng sẽ giúp hải quân, không quân và lục quân Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động của các máy bay đang đóng trên đảo Hải Nam, lên mức bao phủ toàn bộ Biển Động thậm chí xa hơn.

china-navy-ship-52b9f

Nhờ đó năng lực quan sát và phản ứng của Trung Quốc trước các chiến dịch của quân đội Mỹ trong khu vực sẽ tăng mạnh. Các máy bay Trung Quốc sẽ sẵn sàng ngăn chặn máy bay Mỹ và các nước tiếp cận bờ biển Trung Quốc. Thời gian cần thiết để chiến đấu cơ và tàu chiến nước này xuống tới Eo Malacca trong trường hợp xảy ra xung đột, cũng được rút ngắn đáng kể.

Theo đô đốc Harris, Mỹ vẫn chưa thấy các tên lửa hành trình chống hạm hoặc thiết bị hỗ trợ của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo này, nhưng có khả năng chúng sẽ được triển khai trong tương lai gần, cùng với các tên lửa đất đối không.

Thêm vào đó, cảng tại bãi Chữ Thập phù hợp hơn cho việc neo đậu tàu ngầm, so với các bến cảng nước nông tại đảo Hải Nam. Chỉ cần ra khỏi bờ vài cây số, độ sâu vùng biển quanh bãi Chữ Thập đã lên tới 2000m.

Nếu xảy ra xung đột quân sự, các bãi đá này cũng như các tàu và máy bay hoạt động quanh đó có thể dễ trở thành mục tiêu bị tấn công. Nhưng trong thời bình và khi xảy ra khủng hoảng, chúng vẫn giúp Trung Quốc đủ khả năng đặt các lực lượng Mỹ vào tầm nguy hiểm ở một khoảng cách xa hơn so với năng lực hiện nay của Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế khả năng lực lượng Mỹ tới bảo vệ đảo Đài Loan.

Trong trường hợp Trung Quốc quyết định chiếm vị trí đồn trú của các bên liên quan khác trên Biển Đông, quân đội nước này cũng sẽ có thêm năng lực để triển khai. Các máy bay trực thăng, máy bay đổ bộ lưỡng dụng và các đơn vị pháo cơ động có thể được triển khai để tấn công các địa điểm xung quanh. Hoặc Trung Quốc cũng có thể sử dụng các lực lượng này để gây áp lực khiến các bên tuyên bố chủ quyền khác từ bỏ vị trí.

Một trong những khả năng như vậy đó là lực lượng Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản, làm gián đoạn công tác tiếp tế tới các khu vực hẻo lánh, với năng lực tự vệ yếu, ví dụ như Bãi Cỏ Mây mà lính thủy đánh bộ Philippines đang đồn trú trên một tàu chiến cũ. Đầu năm ngoái, tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc đã hai lần tìm cách chặn các tàu dân sự Philippines tiếp tế cho các binh sỹ tại đây.

Thanh Tùng

Theo The Interpreter