1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Ông Đặng Hà Việt: "Không thể ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad"

Kim Anh
Asiad 19

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn Việt Nam tại Asiad 19, ông Đặng Hà Việt thừa nhận những hạn chế của thể thao Việt Nam khi ra sân chơi châu lục, dù đang đứng đầu SEA Games.

Tính hết ngày 6/10, đoàn thể thao Việt Nam giành tổng cộng 3 huy chương vàng (HCV) ở các môn bắn súng, cầu mây, karate, 4 huy chương bạc (HCB) và 17 huy chương đồng (HCĐ), xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương Asiad 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc).

Ông Đặng Hà Việt: Không thể ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad - 1

Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - ông Đặng Hà Việt (Ảnh: Quý Lượng).

Dù đã hoàn thành chỉ tiêu từ 2 đến 5 HCV, nhưng đây là kỳ Asiad mà thể thao Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế so với các quốc gia trong châu lục, thậm chí là khu vực, dù chúng ta có hai kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu.

So sánh với Thái Lan, quốc gia này có 10 HCV, lọt vào top 10 Asiad 19. Trong khi đó, Indonesia hay Malaysia cũng đều có trên 5 HCV, Philippines có 4 HCV. Singapore có 3 HCV như Việt Nam, nhưng họ có tấm HCV quý giá ở môn điền kinh nội dung 200m nữ.

Đánh giá về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ở Asiad 19, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, Đặng Hà Việt cho biết: "Vận động viên (VĐV) là nhân tố quyết định, nên không thể đưa ra chỉ tiêu chính xác trước giải.

Ngoài ra bất lợi cho các nước Đông Nam Á là những hạng cân nhỏ như 56kg trong cử tạ bị đưa khỏi Olympic, đua thuyền được đầu tư nhiều, nhưng tại Asiad, chúng ta chỉ có các VĐV thấp bé về thể hình, vì vậy phải sử dụng thuyền nhẹ, khó cạnh tranh được với Nhật Bản hay Trung Quốc.

Ông Đặng Hà Việt: Không thể ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad - 2

Điền kinh là môn thi đấu trọng điểm của Olympic nhưng Việt Nam không thể có huy chương ở Asiad 19 (Ảnh: Quý Lượng).

Đoàn Việt Nam giành được 3 HCV, trên 50% chỉ tiêu tối đa và đạt chỉ tiêu tối thiểu. Chúng ta so với 2 kỳ SEA Games gần nhất đang là thế lực của Đông Nam Á, nhưng ở Asiad còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Điều này cũng được dự đoán từ trước nên chúng ta chỉ đặt mục tiêu 2-5 HCV, bởi nhiều nội dung yêu cầu cao, cũng như có nhiều vấn đề trong thi đấu".

Tại Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam có những điều nuối tiếc khi không giành được huy chương ở xe đạp, boxing, cử tạ, điền kinh… Theo Trưởng đoàn Đặng Hà Việt, trong thi đấu thể thao cần nhiều yếu tố nên khó có thể nói trước. Tuy nhiên, dù kết quả thế nào thì các VĐV cũng đều đã nỗ lực hết khả năng.

"VĐV Nguyễn Huy Hoàng đạt chuẩn A Olympic, đó là nỗ lực lớn, nhưng không phải ngày một ngày hai chúng ta có nhà vô địch Asiad hay Olympic. Với Huy Hoàng, chuyên gia Hoàng Quốc Huy (người Trung Quốc) đã mất, hiện chưa tìm được người có trình độ đưa Huy Hoàng lên đỉnh cao Olympic.

Ông Đặng Hà Việt: Không thể ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad - 3

Nguyễn Huy Hoàng được đánh giá cao khi giành 2 HCĐ môn bơi và giành vé dự Olympic 2024 (Ảnh: Tuấn Bảo).

Chúng ta cần hệ thống bài bản, từ công tác giáo dục thể chất, công tác tuyển chọn trên cả nước, trong các trường học. Nếu làm được sẽ chọn được nhiều VĐV tiềm năng", ông Đặng Hà Việt chia sẻ.

Ngay sau Asiad 19, thể thao Việt Nam sẽ bước vào sân chơi vòng loại Olympic với mục tiêu giành trên 20 suất tới Paris (Pháp) vào năm 2024. Nhiều người quan tâm tới chiến lược dài hơi cho Thể thao Việt Nam tầm nhìn 10 năm tiếp theo ra sao sau Asiad 19, sự chuẩn bị cho Olympic Paris khi chỉ còn một năm chuẩn bị, đặc biệt là định hướng phát triển các môn Olympic.

Về câu hỏi này của Dân trí, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt trao đổi: "Không phải trong ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad, Olympic. Chúng ta cần hệ thống bài bản, từ công tác giáo dục thể chất, hệ thống tuyển chọn trên cả nước, trong các trường học. Nếu làm được sẽ chọn được nhiều VĐV tiềm năng. Vì vậy quá trình đào tạo không thể gọi là đầu tư trọng điểm.

Thể thao cần sự quan tâm từ lãnh đạo nhà nước, mong muốn sự phát triển mạnh của nền kinh tế. Nếu kinh tế mạnh sẽ giải quyết vấn đề đầu tư, tài trợ, giúp VĐV đạt thành tích tốt".

Ông Đặng Hà Việt: Không thể ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad - 4

Việc mới giành 3 HCV ở Asiad 19 khiến thể thao Việt Nam chưa đáp ứng được kỳ vọng (Ảnh: Quý Lượng).

"Để nâng cao công tác tuyển chọn, đào tạo nhân lực là quá trình nhiều năm. Từ một VĐV tiềm năng đến đạt thành tích cao, phải mất 10 năm, tiêu tốn kinh phí lớn. 

Phải đưa khoa học vào huấn luyện, từ vấn đề dinh dưỡng đến tập luyện, thống kê, đòi hỏi nguồn lực lớn. VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh đi nước ngoài thi đấu một mình, không có HLV, chuyên gia hay bác sĩ đi theo, bởi chúng ta không đủ khả năng làm điều đó. Thể thao cần sự quan tâm từ lãnh đạo Nhà nước, mong muốn sự phát triển mạnh của nền kinh tế", ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.

Liên quan tới vụ các VĐV của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam kêu đói và bị HLV cắt xén tiền ăn, ông Đặng Hà Việt cho rằng đây là một bài học lớn.

"Hiện tại, tôi không dám chắc chắn những vụ việc tương tự liệu có còn xảy ra hay không. Đây là một lời cảnh tỉnh dành cho những người quản lý, những người làm công tác huấn luyện nhưng lại không dành sự quan tâm cho các vận động viên, chỉ quan tâm lợi ích cá nhân và bỏ qua những vấn đề khác.

Ông Đặng Hà Việt: Không thể ngày một ngày hai có nhà vô địch Asiad - 5

Ông Đặng Hà Việt đánh giá vụ việc tuyển trẻ bóng bàn quốc gia là bài học lớn cho thể thao Việt Nam (Ảnh: QĐND).

Chúng tôi cũng sẽ coi đây là bài học lớn và tiến hành rà soát thật kỹ lưỡng trong thời gian tới", ông Đặng Hà Việt khẳng định.

Trước mắt, Cục Thể dục Thể thao đã "trảm" toàn bộ ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam, đồng thời rút đội tuyển về Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Nhổn) để có điều kiện ăn, ở, tập luyện tốt hơn.

Dòng sự kiện: Asiad 19