Chuyện của 5 cô Hà

Cô Hà, mới hai nhăm xuân son, xinh gái, người Hà Nội, là sinh viên sắp tốt nghiệp tại Đức. Một dịp, có thanh niên Đức hơn cô 5 tuổi, sau dăm tháng anh chủ động làm quen, ga-lăng hết xẩy, cô đã bện lấy anh chẳng dứt.

HÀ 1

 

Cô Hà, mới hai nhăm xuân son, xinh gái, người Hà Nội, là sinh viên sắp tốt nghiệp tại Đức. Một dịp, có thanh niên Đức hơn cô năm tuổi, sau dăm tháng anh chủ động làm quen, ga-lăng hết xẩy, cô đã bện lấy anh chẳng dứt.

 

Mẹ cô ở Hà Nội không đồng ý. “Ai lại lấy thằng Tây mũi lõ”. Cũng đắn đo hờn dỗi, tan, hợp, mấy bận do vài nguyên do đâu đâu, đỏng đảnh, nhưng chủ yếu là cô ngại những lá thư khuyên nhủ của mẹ, nhất là của ông cậu ruột.

 

Cuối cùng ba năm sau, họ tổ chức tiệc cưới nhỏ tại Đức và tiệc to ở Việt Nam. Cô sinh cho chàng Tây một bé trai mắt xanh tóc hung bụ bẫm. Cô Hà nay làm ở một Công ty bán vé máy bay cho người Việt, cô giao dịch với đồng hương rất chỉn chu nên công ty lắm khách. Anh chồng trẻ đẹp giai, lương thợ bậc cao, kinh tế vì thế mà không đến nỗi nào.

 

Lấy nhau tới sáu, bảy năm mà mỗi khi đi picnic, ra vùng ngoại ô chơi, họ vẫn ríu ra ríu rít như uyên ương. Lấy chồng Đức như thế - rõ sướng!

 

HÀ 2

 

Cũng cô Hà, mà tôi hay gọi đùa là Hà già, diện rổ rá cạp lại. Chị học ở Đức rồi quay lại Đức, diện Thợ khách. Ly dị chồng cũ ở Việt Nam sau bao năm tháng buồn, chị đón con sang Đức học.

 

Thế nào trời run rủi lại gặp anh bạn Đức già hơn chị chục tuổi trên tầu điện ngầm, cùng cảnh mất vợ. Chuyện trò tầm phào cho hết đường dài, không ngờ tay người Đức trao các-vi-dít cho Hà già và những cuộc hẹn café trên con đường Bồ đề rợp bóng. Hà cũng băn khoăn lắm bởi tin đồn bỏ chồng Việt lấy giai tây. Cũng có người nhà viết thư sang phản đối, nhưng rồi hai năm sau họ lấy nhau. Cũng chẳng cưới xin linh đình gì, chỉ là một bữa cơm ra mắt nho nhỏ.

 

Vừa rồi tôi chứng kiến chị Hà già về Việt Nam và anh chồng nom đã sập sệ tiễn vợ ra sân bay. Người chồng trước khi chia tay, để vợ về quê, dịu dàng ôm chặt vai vợ. Họ không hôn nhau trước mặt tôi, như những cặp vợ chồng thuần Đức, tạm xa nhau, nhưng rõ ràng, họ vẫn là đôi uyên ương (tuy già) lắm lắm.

 

Thế cũng sướng, tuy là chồng về hưu rồi và Hà già cũng không thể sinh một mụn con cho anh ta. Hạnh phúc đôi khi không cần đầy đủ lệ bộ vợ chồng như ai. Hạnh phúc là điều bằng lòng, ngay cả trong thiếu hụt, với sự cụ thể của hoàn cảnh.

 

Ở hai trường hợp này sự ngăn cách về văn hóa không phải là đã đạp bằng, nhưng vì tiếng Đức của hai dâu Việt thạo như tiếng mẹ đẻ nên cái hố thăm thẳm về văn hóa hai dân tộc đã lấp đi phần nào. Giữa họ, có mối đồng cảm và tạo nên cuộc sống khá ổn định. Cứ xem ra, bao lần cho Hà già về quê một mình, biền biệt nửa tháng, là hiểu được anh bạn Đức kia thông cảm với vợ thế nào. Ai trên đời này muốn xa vợ, khi mà Hà già đảm đang lắm. Thiếu chị, lão kia tất nhiên phải cơm nước một mình. Quạnh hiu xem tivi và uống café trên ban công, mắt cô độc ngắm đường phố Fiderichschein tràn ngập người đi, đầy cảnh vợ chồng già dắt tay nhau băng qua con lộ, ăm ắp xe cộ qua lại.

 

Hà già tâm sự với tôi: “Gái lấy giai Tây bên này phải tự lực hết. Thằng chồng có tốt tới mấy, nó cũng ghét õng ẹo và dựa dẫm. Có khi phải chín bỏ làm mười, tìm hiểu thói quen, văn hóa, phong tục của cả quê chồng, thì tình cảm mới bền được. Mà mình hiểu họ, sẽ làm cho họ thương mình, hiểu mình, nên em có bỏ lão hai tháng lão vẫn chẳng ca thán gì. Nhưng em chưa khi nào bỏ lão quá thời gian hai mươi ngày cả. Phần vì công việc, song phần chính vì em nghĩ, mình sợ cô đơn thế nào, thì lão cũng sợ như thế!”.

 

Tôi nghĩ, chả có gì dễ thông cảm hơn lời nói nho nhỏ của hai vợ chồng, khi nằm bên nhau. Nhưng muốn biểu đạt cho hết cái cần nói thì phải có ngôn ngữ thành thạo, tri thức, vốn sống nhất định mới làm như Hà già, Hà trẻ được.

 

HÀ 3

  

Có cô Hà nữa ở gần nơi tôi ở, lấy chồng Tây thì cực chán. Hà này gầy gò, nom như que đóm, nên chẳng thấy giai Việt nào tới tán. Năm ấy, Đông Đức tan, đội Việt Nam bấn loạn, kẻ đi, người ở. Nhìn cô như cái bóng lả lướt, đêm đêm vật vờ trong Wohnheim buôn buôn, bán bán mấy tút thuốc lá lậu mà tôi ái ngại. Thế rồi, bỗng có anh Đức, trông vạm vỡ như hộ pháp, đồng nghiệp cùng phân xưởng, cứ xun xoe quanh cô, mua thuốc lá của cô hàng tuần đều đều như đến bữa phải ăn cơm. Họ cưới nhau.

 

Hai năm sau, anh chồng thất nghiệp trước vợ một năm. Rơi vào cảnh đáng sợ nhất của xã hội mới, anh chồng Đức cáu bẳn, say sưa bét nhè ngày đêm. Chị em Việt thì vốn chẳng hiểu gì quyền làm vợ, lại giỏi nhẫn nhục, nên cứ câm nín mãi. Nhưng con giun xéo mãi cũng đau. Hà chán đời. Tài khoản của cô còn những chục ngàn DM mà cô treo cổ, vĩnh biệt thế giới, khi mà ở quê tưởng cô bấy giờ đang sống cõi thần tiên; Tận chót mũi Nam Bộ, mẹ cô vẫn ngong ngóng trông thằng con rể Tây, mũi lõ da trắng hứa sẽ về thăm mẹ vợ.

 

HÀ 4

 

Gần thành phố tôi ở, bên kia con sông đào là thị trấn Kleimachno, có gã kiến trúc sư tài ba người Đức từ Bonn về. Nghe nói tài sản hắn ngày xưa có tới dăm triệu DM. Rồi hắn lập công ty và phá sản. Đông Đức mới nhập, hắn đã già nhưng còn chí phục thù, nên mò từ Tây sang Đông, quyết lập lại cơ đồ. Bàn tay trắng, nhưng quắp theo người vợ hờ Việt Nam.

 

Song nghe tin, người vợ cũ của hắn quyết không ly dị. Hắn đành vợ chồng không hôn thú với cô gái Việt. Hai chục năm làm vợ không giá thú, cô được bảo đảm bằng một tài khoản luôn luôn rót tiền hàng tháng, đều như vắt chanh, giống như hưởng lương một người làm ở công ty chồng hờ.

  

Xem ra, cuộc sống của cô chẳng tới nỗi nào. Cô khoe, hắn thích ăn nem rán, chả lá lốt và cơm rang. Còn cô, tôi cũng chưa bao giờ thấy vẻ buồn trên mặt. Người ta càng về già càng muốn yên thân. Đôi khi cô về Việt Nam, chủ yếu là cô đi du ngoạn khắp thế giới với tiền kiếm được từ bản vẽ những công trình vài triệu euro của chồng, nên tươm lắm. Xe hắn chạy đưa đón cô đi chợ và đi chơi là loại Mẹc chấm 5.

 

Nói với tôi về cuộc đời chồng vợ, cô bảo, ban đầu thì cấn cá đấy, song xét cho cùng, tây hay ta, đen hay trắng, Pháp hay Đức, có giấy hôn thú hay không... chẳng có giá trị gì, nếu chồng coi mình là sở hữu. Đằng này, hai mươi năm, nó cưng em như cục vàng. Cũng nói thêm là, nước Đức buộc tất cả những ai muốn định cư lâu dài, đi học hai ba khóa tiếng Đức. Nên dẫu không được như hai Hà kia, cô cũng hòm hòm vốn tiếng để nói với chồng hờ và tự động giao dịch, chợ búa, cơm nước hay tới sở ngoại kiều mỗi khi có việc.

 

HÀ 5

 

Hà 5 từ Nga sang tị nạn cùng chồng. Chồng Việt trẻ hơn năm sáu tuổi nên chắc chẳng ra chồng. Nó đánh bạc. Đem tiền bán bánh của vợ từ Nga sang chơi bời. Một trận đánh cô thâm tím mặt mày, tay tây da đen cùng trại lập tức phẫn nộ lên tiếng. Rồi tay chồng Việt cuỗm hết tiền của cô bỏ về nước. Duyên mới bùng lên, sau gần chục năm chia sẻ. Khốn nạn, tục huyền bộ tộc gã, người Sri Lanka không cho gã lấy vợ nước người. Thế mà họ bền thắm với nhau 21 năm qua, khi Hà đầy bệnh tật.

 

Gã đen ngòm như than còn sung mãn lắm, nhưng quyết không lấy ai: “Em ở với Hà tới chết. Nhiều khi nó ốm, em tưởng nó là em gái em.” Gã tâm sự như vậy. Đã bao lần gã về Việt Nam với cô. Qua thư từ, gia đình Hà Nội gốc, họ hàng hang hốc của cô cũng hoảng khi có tin thằng ấy da đen như châu Phi, sống với con gái mình như vợ chồng mà chẳng cưới treo gì. Thế mà qua ba lần về, biết con gái bệnh tật dầm dề, lại cắt mất dạ con mà tình yêu anh da đen không hề thuyên giảm, bà mẹ hơn tám chục tuổi nói với tôi, nhà mình còn phúc lớn anh ạ.

 

Theo Vĩ Thanh

Đẹp

(Tên các nhân vật đã được đổi)