Chuyện mẹ chồng chăm con dâu đẻ

Dù có sống cùng nhà hay không, mẫu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu thường “bùng nổ” nhiều nhất vào lúc đứa cháu nội ra đời.

 
Chuyện mẹ chồng chăm con dâu đẻ - 1


Chỉ cần con, không cần mẹ

 

Sinh con xong được mẹ chồng lên chăm sóc nhưng Tâm (Đống Đa, Hà Nội) lại bảo “có khi để hai mẹ con ôm nhau tự phục vụ lấy còn đỡ ấm ức hơn”. Tâm không có sữa cho con bú nên em bé phải ăn sữa ngoài. Vì thế, mẹ chồng cô chỉ quan tâm đến cháu nội, còn con dâu thì… kệ xác.

 

Mang gà từ quê lên cho con dâu đẻ mà lúc vào bữa, bà dành hết những miếng ngon bỏ vào bát con trai, còn lại xương xẩu phần cho… nàng dâu. Bà lý sự rằng “không có sữa cho con bú thì cần gì tẩm bổ, chồng lo đi làm kiếm tiền nuôi con mới cần”. Bà chỉ chăm cháu mà chẳng thèm để ý gì đến cô con dâu vừa đẻ xong còn đang yếu ớt, đau đớn. Có hôm mẹ chồng còn quên cả mua đồ ăn sáng cho Tâm. Chồng Tâm xót vợ, góp ý với mẹ nhưng cũng chẳng thể lay chuyển được bà. Bà thậm chí còn bảo thẳng với Tâm là… ăn ít đi cho khỏi béo.

 

Tâm bảo cô chẳng giành ăn với chồng nhưng bức xúc ở cách đối xử của mẹ chồng quá vô tình khiến cô rất tủi thân. “Nhiều khi chui vào chăn mà khóc, nghĩ mình cứ như một đứa đẻ thuê vì bà chỉ cần cháu mà chả thèm đếm xỉa gì đến mình”.

 

Không đến nỗi bị mẹ chồng phân biệt đối xử như thế nhưng việc có một bà mẹ chồng quá “vô tư” cũng khiến Tú (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều phen rơi nước mắt. Bà San mẹ chồng Tú hiện đại, thoáng, không hay xét nét gì con dâu. Vì thế ai cũng bảo Tú sướng. Nhưng đến lúc sinh con, Tú mới choáng vì cái sự vô tư quá đà của mẹ chồng.

 

Tú đau đẻ đúng ngày chồng đi công tác, gọi điện cho mẹ chồng thông báo là phải vào viện thì nhận được câu trả lời tưng tửng: “Con chịu khó bắt taxi vào trước đi, mẹ đang dở ván cầu lông, chút mẹ vào sau”. Tú đành bắt xe vào bệnh viện một mình, may mà sau đó gọi được cho cô bạn thân nhờ giúp. Đến tận lúc Tú mẹ tròn con vuông, bà San mới “xong ván cầu lông”, vào bệnh viện với cháu. Bà vô tư cười nói giữa phòng: “Sao cái Tú đẻ đứa đầu mà dễ đẻ thế? Tôi cứ nghĩ chắc phải mai mới đẻ cơ nên cứ thong thả ở nhà”.

 

Đêm đó mẹ đẻ Tú ở quê chưa xuống kịp, bà San buộc phải ngủ lại bệnh viện với con dâu. Thấy mẹ chồng thuê chiếc giường gấp mang vào, Tú nghĩ đương nhiên bà sẽ nằm ở đó. Rồi cô choáng nặng khi nghe bà bảo: “Con xuống giường gấp nằm chứ mẹ đau lưng, nằm giường gấp không quen”. Rồi bà trèo tót lên chiếc giường dành cho sản phụ, nằm cạnh em bé ngủ. Được một lúc, bà lại chuyển nốt cả em bé xuống cho Tú vì “sợ mẹ ngủ quên đè vào nó”.

 

“Em không hiểu có ai đi chăm con dâu đẻ như mẹ chồng em không nữa. Bà coi cháu bé như chả liên quan gì đến bà vậy. Em kể chuyện về mẹ chồng mà ai cũng bảo cứ như chuyện đùa”, Tú nói.

 

Sướng quá hóa… khổ!

 

Một số nàng dâu sau khi vượt cạn được mẹ chồng chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo cũng không phải lúc nào cũng sướng, chuyện nhà Lê (Kim Giang, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vậy. Tốn kém, khó khăn mãi, Lê mới sinh được mụn con đầu lòng nên ông bà nội quý cháu lắm. Ngay từ thời kỳ mang thai, Lê đã được mẹ chồng từ quê lên chăm hết lòng. Ba tháng đầu, ngày nào đi làm về, Lê cũng thấy bà để sẵn trên bàn một bát cháo cá chép to tướng bắt ăn bằng hết. Thời điểm nghén, Lê cứ bưng bát cháo lên là nôn, nhưng mẹ chồng vẫn một mực “nhồi” bằng mọi cách.

 

Em bé ra đời quấy đêm khóc suốt nên đêm Lê không ngủ được mấy. Nhưng giữa mùa đông mà cứ 6h30 sáng, cô đã bị mẹ chồng lay dậy với một tô cơm lèn chặt để đầu giường cùng bốn quả trứng gà luộc để ăn bữa phụ. Bà bảo phải dậy ăn đúng giờ cho khỏe mẹ, khỏe con rồi mới được ngủ tiếp. Vừa ngái ngủ vừa mệt, Lê nuốt không nổi. Ăn xong, dù mắt cay xè, cô cũng chẳng ngủ lại được nữa. Nếu để thừa cơm mẹ chồng sẽ cằn nhằn nên Lê đợi bà ra khỏi phòng rồi lén đổ cơm vào toilet, xả nước. Mẹ chồng thấy con dâu ăn được mà vẫn xanh xao và ít sữa nên càng “tăng tốc” bắt ăn nhiều hơn. Cuối cùng, Lê đành khai thật. Mẹ chồng Lê dỗi vì đã tận tâm tận lực hầu hạ mà con dâu nỡ phụ công bà nên đùng đùng bỏ về quê.

 

Khi nhắc đến chuyện mẹ chồng chăm gái đẻ, không ít nàng dâu như được dịp “cởi tấm lòng”. Ngọc Hoa (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) kể cô vẫn còn nhớ mãi lần sinh cậu con trai lớn cũng được mẹ chồng lên chăm sóc. Tuy nhiên, bà lại quá quý cháu đến mức cô cảm giác như bà tranh mất con của mình. Bà nội suốt ngày ôm khư khư thằng bé, mẹ muốn bế con mà có lần bà còn hất tay ra. Rồi bà còn có “chiêu” lừa Hoa ra ăn cơm hay đi đâu đó để pha sữa ngoài cho cháu ăn. “Thời gian đó mình và mẹ chồng cứ như là hai bà mẹ tranh nhau một đứa trẻ vậy”, Hoa kể.

 

Hãy hiểu tấm lòng mẹ chồng

 

Trên thực tế, những trường hợp vô tâm như bà San, mẹ chồng Tú hay “bỏ rơi” con dâu như mẹ chồng Tâm không nhiều. Còn đa phần các bà khi đến chăm con dâu đẻ đều là ý tốt, vì con vì cháu mà chịu vất vả. Nhưng có thể do mẹ chồng nàng dâu không hiểu ý nhau (mà điều này thì lại rất thường xuyên xảy ra), hai bên lại “giữ ý” không trao đổi thoải mái nên mới gây bất đồng, ấm ức. Như trường hợp của Lê, sau khi thấy mẹ chồng đùng đùng bỏ về quê, cô cũng nhận ra là mình hơi cực đoan. Thấy bà hết lòng chăm sóc, lẽ ra cô phải tâm sự, trao đổi thẳng với bà ngay từ đầu thì có lẽ đã không làm bà giận dỗi. Hai vợ chồng sau đó phải hết lời xin lỗi để bà bỏ qua. “Bây giờ thì đâu vào đấy rồi, mình vẫn được mẹ chồng chăm sóc chu đáo nhưng cũng không đến mức chăm ép như trước nữa nên khá thoải mái”, Lê tâm sự.

 

Khi bàn luận về vấn đề này, chị Thu Thảo (Lạc Long Quân, Tây Hồ, HN) cũng cho rằng, ai có mẹ chồng đến chăm sóc lúc sinh nở là sướng rồi. Có những cặp mới sinh con, cha mẹ hai bên hoặc già yếu, hoặc khuất núi, không biết nhờ vả ai, nhìn những nhà khác trẻ được bà nội chăm nom mà ao ước. Có đủ điều kiện thuê người chăm con thì người ta làm cũng chỉ vì tiền chứ không thể hết lòng. Vì thế, nếu mẹ chồng nàng dâu có những điều không vừa ý nhau thì nếu biết dung hòa, mỗi người nhịn đi một chút thì nhiều phần sẽ tốt đẹp.

Theo Nam Thi

Báo Đất Việt