Nỗi đau thầm lặng những năm cuối đời của Hoa hậu Mỹ trước khi tự tử tuổi 30

Viên Minh

(Dân trí) - Trong hồi ký, Hoa hậu Mỹ 2019 Cheslie Kryst viết về nỗi đau trong những năm cuối đời. Mẹ của cô đã hoàn thiện cuốn sách, kể khoảnh khắc đau lòng khi biết con gái qua đời.

Cuốn hồi ký của Hoa hậu Mỹ 2019 Cheslie Kryst mang tên By the Time You Read This (The Space Between Cheslie's Smile And Mental Illness) (tạm dịch: Thời điểm bạn đọc điều này - Khoảng cách giữa nụ cười của Cheslie và bệnh tâm thần) được xuất bản vào ngày 23/4.

Số tiền thu được từ cuốn sách sẽ được chuyển đến quỹ Cheslie C. Kryst, hỗ trợ các chương trình sức khỏe tâm thần cho thanh, thiếu niên.

Nỗi đau thầm lặng những năm cuối đời của Hoa hậu Mỹ trước khi tự tử tuổi 30 - 1

Bìa sách "By the Time You Read This" (Ảnh: Forefront Books).

Cheslie Kryst sinh ngày 28/4/1991 tại Michigan, là luật sư, phóng viên truyền hình, người mẫu và nữ hoàng sắc đẹp Mỹ.

Ở tuổi 30, Cheslie Kryst đã có bằng cử nhân luật và bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh), giành vương miện Hoa hậu Mỹ, được đề cử giải Emmy (giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực truyền hình của Mỹ) cho chương trình giải trí ExtraTV.

Trước máy quay và trên mạng xã hội, Kryst rạng rỡ và sôi nổi. Khi cô tự tử vào ngày 30/1/2022, 3 tháng trước sinh nhật lần thứ 31 của mình, đó là một cú sốc không thể giải thích được đối với công chúng. 

Nhưng những người thân thiết nhất với cô, như mẹ - bà April Simpkins, 56 tuổi - lại biết một Kryst khác, một người mắc chứng trầm cảm và lo sợ rằng mình "không bao giờ có thể đủ tốt".

Ngay trước khi qua đời, Kryst đã để lại cho mẹ một bức thư yêu cầu bà thực hiện ước nguyện cuối cùng: xuất bản cuốn hồi ký cô đang viết. 

Trong cuốn sách của mình, Kryst tiết lộ cô mang trong mình một "cảm giác không thể lay chuyển rằng tôi không thuộc về" và chiến đấu với "tiếng nói nội tâm liên tục lặp đi lặp lại "không bao giờ đủ"".

Cô viết về những áp lực đi kèm với thành công, cảm thấy "phải trở nên hoàn hảo vì tôi phải đại diện cho tất cả thanh niên, phụ nữ và người da đen - họ đều là những người từng bị xã hội từ chối".

Bà Simpkins đã thực hiện yêu cầu cuối cùng của con gái với hy vọng tiếp cận được những người khác đang vật lộn với bệnh tâm thần.

Bà đã thêm giọng nói của chính mình vào cuối cuốn sách, chia sẻ khoảnh khắc đau lòng khi biết Kryst đã ra đi và những bài học mà con gái phải trải qua. 

"Tôi biết việc chia sẻ điều này là quan trọng", bà Simpkins nói với People. "Tôi biết có những người khác cũng cảm nhận được những gì tôi đang cảm thấy và có thể đồng cảm".

Nỗi đau thầm lặng những năm cuối đời của Hoa hậu Mỹ trước khi tự tử tuổi 30 - 2

Cheslie Kryst đăng quang Hoa hậu Mỹ tháng 5/2019 (Ảnh: Miss Universe Organization).

Trong cuốn sách, Kryst tiết lộ nỗi đau riêng tư mà cô phải đối mặt.

Tháng 5/2019, Kryst đăng quang Hoa hậu Mỹ ở tuổi 28, là người lớn tuổi nhất từng nhận danh hiệu này. Ngay sau chiến thắng của mình, cô đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội trên mạng xã hội. 

"Chỉ vài giờ sau chiến thắng, tôi đã phải xóa nhiều biểu tượng cảm xúc và các bình luận trên Instagram. Vài người đã nhắn tin bảo tôi hãy tự sát. Tất cả những điều này chỉ làm tăng thêm sự bất an bấy lâu nay của tôi - cảm giác những người xung quanh biết nhiều và giỏi hơn mình. 

Tôi không xứng đáng với danh hiệu này. Mọi người sẽ sớm phát hiện ra tôi là kẻ lừa đảo. Tôi cảm thấy mình như một kẻ mạo danh, không chỉ trong các cuộc thi sắc đẹp", trích nội dung sách. 

Kryst viết, trong vài tuần tiếp theo, các phương tiện truyền thông vẫn tiếp tục đưa tin. Cô hầu như luôn kìm nén những suy nghĩ hoảng loạn và cảm giác hụt hẫng trong các cuộc phỏng vấn.

Sau đó, cô cảm thấy mình như một kẻ thất bại khi tỉ mỉ chọn lọc từng câu trả lời và tự trách bản thân vì đã không dùng từ hay hơn hoặc nói một cụm từ sâu sắc hay xen vào sự hài hước hoặc đưa ra một chỉ số hữu ích.

Kryst cố gắng loại bỏ cảm xúc tiêu cực bằng cách áp dụng cơ chế phòng vệ tâm lý, tập trung suy nghĩ về những câu nói tích cực nhưng không hiệu quả.

Nỗi đau thầm lặng những năm cuối đời của Hoa hậu Mỹ trước khi tự tử tuổi 30 - 3

Bà April Simpkins (Ảnh: People).

Sáng 30/1/2022, bà April Simpkins nhận được một tin nhắn đau lòng từ Kryst, bắt đầu bằng dòng chữ: "Đầu tiên, con xin lỗi".

"Khi mẹ nhận được tin nhắn này, con đã không còn sống nữa. Và con càng buồn hơn khi viết điều này vì con biết nó sẽ làm mẹ tổn thương nhất...".

Người mẹ không thể ghi nhớ các từ hiển thị trên màn hình điện thoại. Bà đọc lại từng câu và hét lên từ một nơi nào đó trong tâm hồn. Bà liên tục hít vào, thở ra, cố gắng giữ bình tĩnh.

Trong đám tang của Kryst, bà Simpkins tự dặn mình phải sống, không nên quá đau buồn mà hành động dại dột theo con gái.

"Đó chính là sợi dây mỏng manh đã giữ tôi lại ngày hôm đó... Nếu tôi chết, ai sẽ kể cho cả thế giới biết tất cả những điều đáng kinh ngạc mà tôi biết về con gái bé bỏng của mình?", người mẹ viết. 

Với bà Simpkins, con gái là "một chiến binh" nhưng cô ấy đã ra đi. Mỗi ngày Kryst đều phải chiến đấu với chứng trầm cảm dai dẳng cho đến khi không thể chiến đấu được nữa.

Bất chấp nhiều cách mà chứng trầm cảm cố gắng cướp đi niềm vui của mình, với những cơn đau đầu, cô đơn, tuyệt vọng, buồn bã và cảm giác không xứng đáng, Kryst vẫn tìm ra cách mỉm cười, yêu thương và cho đi.

"Mỗi ngày tôi ở bên con gái thực sự là một món quà từ Chúa. Mỗi ngày con ở đây là một ngày chiến thắng. Kryst cảm thấy đau đớn không thể tưởng tượng được và cần cơn đau đó dừng lại.

Tôi thấy rõ rằng sự ra đi của con không phải là một quyết định tự phát, mang tính cảm xúc. Kryst đã gửi cho tôi tin nhắn cuối cùng để an ủi tôi và giải thích nỗi đau sâu sắc mà con đã phải gánh chịu", bà Simpkins viết trong hồi ký của con gái.