1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Công nhân thất nghiệp, “chợ người” đông đột biến

(Dân trí) - Chợ người xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long từ cuối năm ngoái bỗng tăng đột biến số người đến “bán” sức lao động. Hầu hết những người mới là công nhân thất nghiệp…

Công nhân thất nghiệp, “chợ người” đông đột biến - 1

Từ tảng sáng, chợ đã rộn rịp người ngồi tán chuyện trong lúc chờ việc.
 
“Độc thị”

 

Đó là biệt danh mà người ta đặt cho khu chợ độc đáo nhất xã Nhơn Phú này. Nếu gọi theo cư dân địa phương thì có tên là “chợ nhân công miệt đồng”. Chợ hình thành từ 25 năm trước do nhu cầu bốc dỡ gạch gốm từ làng gốm nức tiếng này đi khắp ĐBSCL. Người đến chợ chỉ mang theo mỗi một chiếc đòn gỗ để ngồi bệt, cũng là dụng cụ để bưng gạch. Nơi họp chợ là bờ sông, sau lưng chợ Nhơn Phú nhìn ra ngã ba con sông Lưu, nơi những chiếc ghe thuyền có thể neo đậu dễ dàng.

 

“Ngày nào cũng vậy, gà chưa gáy là đã nghe tiếng người í ới”- ông chủ quán nước xập xệ hơn 10 năm mưu sinh bằng việc bán trà đá cho những người lao động nghèo cho biết.

 

3 giờ sáng, đã có hàng trăm người tụ tập chật kín hai quán nước “dã chiến”, người bánh mì, kẻ vắt xôi qua loa lấy sức cho một ngày mệt nhọc. 4 giờ sáng, ghe bắt đầu đi ngang sông Lưu, chủ ghe hô một tiếng: “10 công đi bốc gạch”. Lập tức 1 nhóm đúng 10 người cả nam lẫn nữ đứng dậy, những nhóm khác tuyệt nhiên không động đậy. Thì ra nhóm “động đậy” là nhóm ngày hôm trước chưa có việc nên hôm nay được ưu tiên.

 

“Ở đây đó là luật bất thành văn, anh em đều khổ cả, tranh nhau làm gì”-  anh Dương Văn Dừa, thâm niên 10 năm “bán” sức lao động ở chợ tâm sự. “Bữa trước có chị Ngân bưng gạch gãy tay, anh em tự giác hùn tiền giúp chị ấy chạy chữa nữa, phải biết cưu mang nhau mà sống chứ”, anh Dừa cho biết thêm.

 

Ông Lê Văn Cáo (55 tuổi), một trong những người “bán” sức cố cựu ở chợ này tâm sự: “Chợ này tứ xứ, có người ở xã, có người huyện khác, tỉnh khác đến ngày một đông nhưng trật tự không tranh nhau bao giờ”.

 

Ông Cáo cho biết chợ họp từ tờ mờ sáng đến trưa thì tan dần, khoảng 12 giờ thì không còn ghe mướn nữa, người lao động coi như kết thúc một ngày làm việc. Công việc được chia đều cho từng người, từng nhóm, ai chưa có việc thì hôm sau được ưu tiên. “Nhiều khi ngồi chờ cả buổi mà không có việc nhưng anh em cũng không buồn, không nản. Nghề này vất vả nhưng không bạc bẽo đâu chú ạ, chịu khó thì vẫn đủ sống” - ông nói thêm.

 

Hút công nhân thất nghiệp

 

Nhiều người có thâm niên ở chợ người này cho biết, trước đây chợ không đông như bây giờ, thường thì chỉ có vài chục người nhàn rỗi hoặc không ruộng đất. Nay chợ thường trực 200 người đủ mọi thành phần. Đặc biệt từ khi công nhân thất nghiệp nhiều, cơ số người đến chợ mỗi ngày có khi tăng lên gấp đôi.

 

Anh Bùi Văn Dư quê ở tận Long Hồ, cách chợ người trên 10 cây số hàng ngày cũng cùng vài chục người khác đạp xe đến đây kiếm việc. Trước đây anh làm công nhân chế biến thuỷ sản ở bên Cần Thơ, lương bị trừ tới trừ lui còn khoảng 1 triệu đồng/tháng, phải chi tiền nhà trọ, ăn uống chẳng dư được đồng nào. Nghe tiếng có chợ này nên cùng bạn bè rủ nhau về làm.

 
Công nhân thất nghiệp, “chợ người” đông đột biến - 2
 
Nhiều công nhân thất nghiệp tìm đến đây và không muốn trở lại nghề cũ.
 

“Ngày nào cũng phải dậy sớm nhưng dù sao vẫn sướng hơn làm công nhân, được tự do mà thu nhập cũng đủ sống” - anh Dư nói. Ở quê anh có hàng trăm công nhân mất việc trở về chấp nhận đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Ít người quay lại làm công nhân dù nhiều nhà máy xí nghiệp có tuyển dụng vì lương thấp mà công việc cũng độc hại, vất vả. 

 

Còn chị Trần Thị Tuyết, 39 tuổi quê ở tận Bến Tre, mỗi ngày chị Tuyết mất nửa tiếng qua phà mới đến được chợ này. Chị kể, nhà có miếng ruộng làm lúa nhưng giá lúa thấp quá, chị chuyển sang đi may nhưng cũng chẳng ăn thua. “Làm công nhân lương ba đồng ba cọc là tăng ca mệt lắm. Làm ở đây không bị sức ép, ngày nào mệt thì nghỉ”. Từ khi nhà máy không có việc, chị nghỉ hẳn rồi tìm đến đây. Ngày khá chị kiếm được 50 ngàn đồng, ngày ít cũng được 30 ngàn đồng, tương đương hoặc cao hơn làm công nhân.

 

Chị Phan Thị Thu ở ấp Đỉnh Thới B xã An Phước (Mang Thít, Vĩnh Long) 32 tuổi, cũng là công nhân may mất việc từ cuối năm trước. Để nuôi 3 đứa con, vợ chồng chị phải đi gặt lúa mướn. Nay qua vụ không có người mướn nữa nên chị tìm đến chợ người này. Lúc đầu nghe nói chị tìm đến cũng vì tò mò chứ không nhiều hy vọng, dần dà rồi quen.

 

Chị Thu tâm sự ở chợ mỗi ngày ít nhất chị cũng kiếm được 40 nghìn, đủ lo cho gia đình. “Mần lúa hay mần gạch dù vất vả một chút nhưng cũng đỡ hơn nghề may chú ạ. Chị sẽ gắn bó với chợ người này, không làm công nhân may nữa”, chị Thu quả quyết.

 

Những người ngồi xung quanh chị cười tươi gật đầu, họ cũng trẻ, đều là công nhân thất nghiệp tìm đến chợ. Và hình như họ đều có chung quan điểm như chị.

 

Nhật Trường