Cử tri TPHCM đề nghị xác minh tài sản của tất cả cán bộ, công chức

Thế Kha

(Dân trí) - Cử tri TPHCM cho rằng việc xác minh tài sản, thu nhập hàng năm nên tiến hành với tất cả cán bộ, công chức, chứ không bốc thăm ngẫu nhiên, để đảm bảo sự trung thực, tạo được lòng tin cho nhân dân.

Trong văn bản vừa ký trả lời kiến nghị nêu trên của cử tri TPHCM, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định cụ thể nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 390/2022 phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Cử tri TPHCM đề nghị xác minh tài sản của tất cả cán bộ, công chức - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Phương Hiếu).

"Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định 56/2022 của Bộ Chính trị về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập", ông Phong cho hay.

Hàng năm, Thanh tra Chính phủ xây dựng định hướng xác minh tài sản, thu nhập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thanh tra ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo cơ quan thanh tra xây dựng, triển khai kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm. Nơi không có cơ quan thanh tra thì chỉ đạo đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ thực hiện.

Thanh tra Chính phủ đã tổng hợp kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập, trong đó có việc tổ chức bốc thăm hoặc dùng phần mềm máy tính lựa chọn cán bộ được xác minh tài sản theo Nghị định 130.

Dự kiến trong quý IV/2023, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

54 người bị xử lý, có kỷ luật cảnh cáo và cách chức

Thông tin về việc kê khai tài sản, thu nhập cuối năm 2022, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong khẳng định các cấp, ngành đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Đã có gần 60.500 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; hơn 545.500 người kê khai tài sản, thu nhập hàng năm; hơn 44.000 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung.

Ngoài ra, có gần 162.000 người kê khai tài sản, thu nhập phục vụ công tác cán bộ; gần 655.300 người đã được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Cử tri TPHCM đề nghị xác minh tài sản của tất cả cán bộ, công chức - 2

Phó chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Vũ Văn Đoàn bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 của Bộ này (Ảnh: Thu Nga).

Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 (tính từ 8/2/2022 đến 30/4/2023) cho thấy, số người đã được tiến hành xác minh là gần 13.100 người.

"Có 54 người bị xử lý do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức,…)", ông Đoàn Hồng Phong trả lời cử tri.

Người đứng đầu Thanh tra Chính phủ khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tham mưu và triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.