Đã thu hồi được bao nhiêu tài sản trong vụ Vinalines, Huyền Như?

(Dân trí) - Bên cạnh thông tin về việc đang tiến hành xác minh tài sản để thi hành án đối với Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), Tổng cục Thi hành án dân sự còn cung cấp thông tin về tình hình thu hồi tài sản tại các vụ án lớn khác như Vinalines, ALCII, Huỳnh Thị Huyền Như,....

Tổng cục Thi hành án dân sự vừa có tổng hợp kết quả thi hành án đối với 8 vụ án lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước. Theo đó, tổng số tiền phải thi hành theo bản án là 11.215,114 tỷ đồng, đến nay đã thi hành được 196,923 tỷ đồng tiền án phí truy nộp, phạt sung quỹ nhà nước, trong đó 3 vụ đã thi hành xong (vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ Vinashin, vụ Vinalines); đang tiếp tục thi hành 11.018,190 tỷ đồng.

Về thu hồi tài sản cho tổ chức, cá nhân, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết trong tổng số tiền phải thi hành theo bản án là 5.329,714 tỷ đồng, các đương sự đã làm đơn yêu cầu thi hành án số tiền là 4.338,706 tỷ đồng, chưa làm đơn yêu cầu thi hành án số tiền trên 991 tỷ đồng. Kết quả, đã thi hành được 86,634 tỷ đồng, trả đơn yêu cầu 1.022,379 tỷ đồng (vụ Vinashin mà Dân trí đã phản ánh); đang tiếp tục thi hành 3.229,691 tỷ đồng.

Số tiền “khủng” phải thu hồi trong các đại án

Cụ thể, theo Tổng cục Thi hành án dân sự, trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), bản án hình sự sơ thẩm số 479/2013 của TAND TP Hà Nội, bản án hình sự phúc thẩm số 235/2014 của TAND Tối cao tuyên tổng số tiền phải thu hồi là trên 360,257 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước tổng số tiền án phí trên 1,327 tỷ đồng đến nay đã xong.

 

duong-chi-dung-1-a2187-0dc9a
Dương Chí Dũng (Ảnh: Tuấn Hợp).

Ngoài ra, tổng số tiền các đương sự phải bồi thường cho Vinalines trên 358,930 tỷ đồng. Bản án tuyên kê biên 3 căn hộ và nhà đất của Dương Chí Dũng - cựu Chủ tịch Vinalines, để đảm bảo thi hành án; kê biên 1 nhà, đất của Mai Văn Phúc - cựu Tổng giám đốc Vinalines, để đảm bảo thi hành án. Đến nay gia đình các đương sự đã tự nguyện nộp số tiền là 13 tỷ 429 triệu đồng; trong đó, gia đình Dương Chí Dũng đã nộp 5,2 tỷ đồng và gia đình Mai Văn Phúc đã nộp 3,889 tỷ đồng tại Cục Thi hành án dân sự Hà Nội; gia đình Trần Hữu Chiều - cựu Phó tổng giám đốc Vinalines, đã nộp 340 triệu đồng; gia đình Trần Hải Sơn - cựu Tổng giám đốc Vinalines, đã nộp 4 tỷ đồng.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đang tổ chức thi hành 4 bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM với tổng số tiền phải thi hành là trên 621,815 tỷ đồng.

Trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước số tiền trên 983 triệu đồng (án phí, sung công) và đến nay đã thi hành được trên 44 triệu đồng, số tiền còn phải thi hành là trên 939 triệu đồng (!).

Số tiền phải thi hành, thu hồi cho các tổ chức lên tới 620,831 tỷ đồng (bồi thường cho ALC III) nhưng mới thi hành được trên 69,231 tỷ đồng; số tiền còn phải thi hành trên 551,600 tỷ đồng.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết cơ quan thi hành án đang thực hiện thủ tục kê biên, thẩm định giá và bán đấu giá tài sản và xử lý số tiền tạm giữ để thi hành án; đồng thời tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án của các đương sự.

Đối với vụ án xảy ra tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk (VDB), bản án hình sự sơ thẩm số 17/2014 của TAND tỉnh Đắk Nông, bản án hình sự phúc thẩm số 357/2014 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên tổng số tiền các đương sự phải thi hành là trên 962,574 tỷ đồng.

Trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước tổng số tiền trên 20,910 tỷ đồng (án phí, tiền phạt, truy thu, sung công quỹ nhà nước) 1 xe ô tô và 5 căn nhà. Đến nay đã thi hành được trên 4,644 tỷ đồng; sung công quỹ 1 ô tô. Số tiền còn phải thi hành là trên 17,263 tỷ đồng và sung công 5 căn nhà của Vũ Việt Hùng - cựu Giám đốc VDB Đắk Lắk.

Đối với việc thi hành án để trả lại tài sản cho tổ chức, cá nhân (Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Nam Á và 3 cá nhân), tổng số tiền phải thi hành là 581,638 tỷ đồng. Kết quả, đã thi hành trên 56,638 tỷ đồng; số tiền còn phải thi hành trên 524 tỷ đồng (tiền vật chứng trả cho Ngân hàng TMCP Phương Đông).

Tổng số tiền phải thi hành thu hồi cho tổ chức, cá nhân trên 360,925 tỷ đồng (trong đó thi hành cho các ngân hàng trên 358,755 tỷ đồng), đến nay do các đương sự chưa làm đơn yêu cầu thi hành án nên cơ quan thi hành án dân sự chưa tổ chức thi hành. Ngân hàng đã có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án dân sự phối hợp rà soát các khoản đương sự phải bồi thường cho Ngân hàng, trên cơ sở đó, sẽ làm văn bản yêu cầu tòa án giải thích bản án.

 

huynh-thi-huyen-nhu-09247
Huỳnh Thị Huyền Như (Ảnh: Trung Kiên)

Đối với đại án của Huỳnh Thị Huyền Như, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết bản án số 02/2015 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải thi hành tổng số tiền là gần 14.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước tổng số tiền tên 11.083,726 tỷ đồng đồng, gồm án phí 3,438 tỷ đồng; sung công quỹ Nhà nước 11.080,287 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay mới thi hành được trên 162,672 tỷ đồng (án phí 3,348 tỷ đồng; sung công quỹ Nhà nước 159,234 tỷ đồng). Số tiền còn phải thi hành trên 10.921 tỷ đồng (án phí 600 nghìn đồng; sung công quỹ Nhà nước 10.921 tỷ, 53 triệu đồng).

Trong tổng số tiền phải thu hồi cho tổ chức, cá nhân (3 ngân hàng, 4 tổ chức, 3 cá nhân) trên 2.907,858 tỷ đồng, đến nay cơ quan thi hành án cho biết đã ra quyết định thi hành án trên 2.668,780 tỷ đồng nhưng mới thi hành được 15 tỷ đồng. Số tiền còn phải thi hành là trên 2.653,780 tỷ đồng.

“Để tiếp tục thi hành số tiền thu hồi cho ngân sách nhà nước và các ngân hàng, tổ chức, cá nhân, cơ quan thi hành án phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục xử lý các tài sản mà tòa án đã tuyên kê biên, tạm giữ để đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật. Đồng thời tiếp tục xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án để có căn cứ tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật”- đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự thông tin với PV Dân trí.

Liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án xảy ra ta tại Tập đoàn Vinashin mà Dân trí nhiều lần phản ánh, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết tổng số tiền phải thu hồi cho tổ chức (6 công ty thuộc Tập đoàn Vinashin) là trên 1.142 tỷ đồng nhưng đến nay mới thi hành được trên 2,4 tỷ đồng (?!).

“Quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền không kê biên tài sản nào của đương sự để bảo đảm thi hành án, vì vậy ngoài tài sản cơ quan thi hành án đã xác minh được và kê biên xử lý, chưa phát hiện tài sản nào khác của đương sự”- đại diện cơ quan này cho biết.

Riêng vụ án xảy ra tại Đại lộ Đông Tây TPHCM liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ - cựu Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, bản án số 548/2011 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên tổng số phải thu hồi tài sản cho ngân sách Nhà nước trên 5,109 tỷ đồng (án phí 200 nghìn đồng; sung công 262 nghìn USD - tương đương 5,109 triệu đồng), đến nay đã thi hành xong.

Tiền phải thi hành lớn nhưng tài sản đảm bảo thì rất nhỏ

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, một số vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản để bảo đảm thi hành án có giá trị rất nhỏ, không đủ bảo đảm thi hành án.

“Cơ chế đăng ký tài sản thiếu hiệu quả, khó kiểm soát được thu nhập, tài sản của tổ chức, cá nhân dẫn đến hạn chế hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước nói riêng, công tác phòng, chống tham nhũng nói chung. Một số việc, bản án mới có hiệu lực thi hành, cơ quan thi hành án mới thụ lý ra quyết định thi hành án, mới đang tiến hành các trình tự, thủ tục bước đầu, chưa thu được kết quả như vụ Huỳnh Thị Huyền Như thụ lý từ tháng 3/2015; vụ Nguyễn Đức Kiên thụ lý tháng 2 và tháng 6/2015”- cơ quan này cho biết.

Từ những khó khăn đang gặp phải, Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự liên quan đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước nói riêng; trong đó phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân theo hướng minh bạch hóa và có biện pháp, chế tài mang tính răn đe, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi tham nhũng, hạn chế tối đa việc tẩu tán, thất thoát tài sản của Nhà nước, nhân dân.

“Cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhất là trong trường hợp áp dụng các biện pháp kê biên, thu giữ, xác minh, xử lý tài sản của người phải thi hành án”- cơ quan này đề nghị.

Thế Kha