1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Dự án 600 tỷ đồng sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Yên Bái

Thế Kha

(Dân trí) - Dự án Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời Create Capital Việt Nam có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng ở Yên Bái có dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu của châu Âu và Trung Quốc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời Create Capital Việt Nam (Khu công nghiệp Minh Quân, tỉnh Yên Bái) để tham vấn cộng đồng.

"Phát triển điện mặt trời đang là xu hướng của thế giới nhờ ưu thế về giá và đảm bảo môi trường. Việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin là một quyết định đúng đắn góp phần cung cấp thêm nguồn pin năng lượng mặt trời đáp ứng nhu cầu thị trường", báo cáo ĐTM đánh giá.

Tổng công suất của dự án là 800 MW/năm tương ứng với khối lượng tương ứng là 800.000 kWh/năm. Sản xuất, gia công tấm cell pin (tấm pin con) dùng để sản xuất pin năng lượng mặt trời với công suất 500 MW/năm tương đương với 100.000.000 sản phẩm/năm.

Dự án 600 tỷ đồng sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Yên Bái - 1

Khu công nghiệp Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái (Ảnh: Guland).

Khu đất thực hiện dự án có diện tích trên 80.234m2 tại Khu công nghiệp Minh Quân. Theo báo cáo ĐTM, dự án sử dụng dây truyền công nghệ hiện đại, thân thiện với mội trường.

Sản phẩm tạo ra là các tấm pin năng lượng mặt trời góp phần cung cấp điện năng để phát triển các ngành công nghiệp cũng như phục vụ cho sinh hoạt.

"Dây chuyền sản xuất pin năng lượng mặt trời với công nghệ tiên tiến của Châu Âu (Italia) được tư vấn và giám sát công nghệ từ Tập đoàn Jinko solar, dây chuyền máy móc thiết bị nhập khẩu của Châu Âu và Trung Quốc", báo cáo ĐTM thông tin.

"Dự án cách khu dân cư gần nhất khoảng 30m về phía Bắc, phía Tây Nam. Trong phạm vi bán kính 500m tính từ dự án không có khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường", ĐTM khẳng định.

Nói về khả năng tác động xấu đến môi trường trong giai đoạn vận hành, báo cáo ĐTM phản ánh, chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình hoạt động ước tính khoảng 25.000 kg/năm.

Thành phần chính gồm chất hấp thụ, vật liệu lọc, giẻ lau, vải bảo vệ thải bị nhiễm các thành phần nguy hại; bóng đèn huỳnh quang và các loại thủy tinh hoạt tính thải; mực in thải có các thành phần nguy hại; hộp chứa mực in thải; dầu động cơ, hộp số và bôi trơn tổng hợp thải.

Ngoài ra còn có bao bì kim loại cứng thải; bao bì nhựa cứng thải; các linh kiện, sản phẩm lỗi hỏng có thành phần nguy hại; dung dịch nước tẩy rửa thải có các thành phần nguy hại; than hoạt tính đã qua sử dụng từ quá trình xử lý khí thải; chất kết dính và chất bịt kín có dung môi hữu cơ hoặc các thành phần nguy hại khác…

Toàn bộ lượng chất thải rắn sẽ được chủ đầu tư phân loại để xử lý tái chế hoặc được đơn vị xử lý rác thải do chủ đầu tư ký hợp đồng thu gom vận chuyển xử lý.

Các loại chất thải công nghiệp thông thường sẽ được lưu giữ tại kho rác có diện tích 200m2 và được đơn vị có chức năng vận chuyển đem xử lý.

Dự án 600 tỷ đồng sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Yên Bái - 2

Pin năng lượng mặt trời (Ảnh minh họa: Lê Anh).

"Trường hợp khí thải vượt quy chuẩn đầu ra cho phép, tạm dừng hoạt động để tiến hành kiểm tra, khắc phục sự cố. Sau khi khắc phục xong, tiếp tục hoạt động đảm bảo khí thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường", báo cáo ĐTM nhận định.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 600 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 428 tỷ đồng.

Dự kiến, năm 2024 sẽ khởi công xây dựng nhà xưởng, các công trình phụ trợ, lắp đặt thiết bị, máy móc và quý II/2025 đưa dự án vào hoạt động.

Bùng nổ dự án điện mặt trời

Báo cáo ĐTM dẫn chứng, từ đầu năm 2017 đến nay, các dự án điện mặt trời bùng nổ tại Việt Nam.

Trong đó, dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất của tỉnh Bình Thuận nằm ở xã Sông Bình (huyện Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282ha, do EVN làm chủ đầu tư.

Toàn bộ vùng tiềm năng điện mặt trời của tỉnh Bình Thuận trên 8.400 ha, với công suất được quy hoạch 5.000 MW. Ngoài 37 nhà đầu tư đã được tỉnh này cho phép nghiên cứu, khảo sát và chấp thuận đầu tư, hiện vẫn có khá nhiều nhà đầu tư đang đề nghị được cho nghiên cứu, đo nắng và lập dự án.

Tỉnh Ninh Thuận có 8 dự án đã được chấp thuận đầu tư; khoảng 40 nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Trung Quốc đang nộp hồ sơ dự án với quy mô 30-100 MW.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xúc tiến các dự án điện mặt trời công suất từ 20-300 MW tại các tỉnh như Tây Ninh, Hậu Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...