1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Hàng trăm người dân ngăn cản công ty cao su trồng cây

(Dân trí) - Sáng nay 9/7, hàng trăm người dân thôn Tây Phước, xã Bình Khương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã tụ tập tại khu đồi trồng cây cao su của Công ty cao su Quảng Ngãi để ngăn cản công ty cho máy xúc đào hố trồng cây mới.

Hàng trăm người dân ngăn cản công ty cao su trồng cây - 1

Hố đào lên nhưng không thể trồng cây do bị người dân ngăn cản
 
Cho đến gần trưa, khi đại diện phía công ty và chính quyền xã Bình Khương đến can thiệp, giải thích, đám đông đã giải tán song vẫn còn nhiều người lai vãng quanh khu vực này.

 

Được biết, sự việc diễn ra sau khi phía Công ty cao su Quảng Ngãi họp dân trong thôn rồi cho máy xúc đến các khu vực đồi trồng cao su đã được dọn sạch để đào lỗ chuẩn bị trồng mới cây cao su.

 

Theo phản ảnh của người dân, họ bị mất quyền lợi từ việc công ty này lấy đất “theo quyết định thu hồi của tỉnh” bàn giao cho công ty để chuyển giao cây trồng. Theo đó, mỗi hộ dân có trên 3 ha đất nằm trong diện đất trồng cao su của công ty thì được công ty nhận một suất công nhân (với điều kiện người lao động phải còn trong độ tuổi lao động), dưới 3 ha thì không được. Những hộ dù có nhiều đất mà vượt quá tuổi lao động cũng không được nhận việc hay được hưởng quyền lợi gì. Công ty cũng tiết giảm luôn phần việc chăm sóc cây mà trước đây họ vẫn được nhận làm để hưởng công lao động trên chính mảnh đất của mình.

 

Mặt khác, sau bão số 9/2009, hàng loạt hécta cao su đã đến thì cạo mủ bị sạt đổ, công ty sau đó đã tiến hành tự ý chặt cây lấy gỗ mà không thông báo gì với các hộ chăm sóc cây trước đó.

 

Khi được hỏi tại sao Công ty cao su Quảng Ngãi đã tiến hành khai thác đất cách đây 7-8 năm mà bây giờ người dân mới cản trở, đòi quyền lợi về đất đai, anh Nguyễn Chi, một người dân trong thôn, cho biết: Do trước đây khi Công ty cao su về đặt vấn đề trồng cây, bà con thấy hợp lý, lại được công ty ký hợp đồng có thời hạn 7 năm, tỷ lệ ăn chia 4/6 (công ty hưởng lợi 6, người có đất hưởng 4 phần sau khi cây cao su cho sản phẩm). Nhưng đến nay đã 8 năm trôi qua, cây đã đến thì cạo mủ mà công ty không đả động gì đến điều khoản ký trong hợp đồng.

 

Mới đây, khi công ty có quyết định trồng lại cây mới trên diên tích cũ, quyền lợi của người dân lại bị “bóp nghẹt” hơn nữa dù họ chính là những người đã cấp đất cho công ty từ những ngày đầu. Chính vì thế hàng trăm người dân mới tập trung phản đối công ty trồng mới cây.

 

Trọng Huy