Đắk Lắk:

Ký ức ngày ra trận của người lính suýt bỏ mạng ở chiến trường

(Dân trí) - Gần 40 năm sau ngày hòa bình lặp lại, cựu binh Nguyễn Văn Tiến (61 tuổi, thị trấn Phước An, Krông Pắk, Đắk Lắk) vẫn chưa quên những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên - nơi ông đã bỏ lại một phần cơ thể cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

“Biên thư gửi em” trong ngày ra trận

Chỉ còn đúng 20 ngày là cậu học trò Nguyễn Văn Tiến sẽ tốt nghiệp trung học, thế nhưng vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi chiến tranh đang bước vào giai đoạn quyết định, hàng triệu thanh niên miền Bắc theo tiếng gọi của Tổ quốc hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu, và chàng thanh niên Nguyễn Văn Tiến cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Ngày ấy, Tiến học ở trường cấp 3 Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh), anh nhập ngũ vào tháng 4/1970, thuộc đơn vị đại đội 1, tiểu đoàn 6, đoàn 22, quân khu 4. Sau khi được huấn luyện 6 tháng tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tháng 10/1970, anh lên đường vào chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên.

Cựu binh Nguyễn Văn Tiến, 61 tuổi, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Cựu binh Nguyễn Văn Tiến, 61 tuổi, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Ngày anh lên đường vào Nam, họ hàng, bạn bè… đến tiễn đưa rất đông, trong số đó có một cô bạn gái tên là Xanh học cùng lớp cứ quyến luyến anh mãi, rồi dặn dò: “Anh vào đến nơi nhớ ghi thư cho em nhé!”. Lời dặn của cô bạn gái đã làm Tiến không khỏi bồi hồi, khi xe vận tải đang trên đường băng băng ra trận, mới chỉ cách quê nhà chưa đầy 10km thì Tiến đã cầm bút viết vội một bài thơ như muốn gửi lời nhắn nhủ với bao xúc cảm:

“Anh chưa vào đến nơi

Vẫn ghi thư trả lời

Trên đường anh ra trận

Lại có thầy của em

Và những thầy giáo khác

Đang tạm gác bút nghiêng

Cùng lên đường diệt giặc

Trên đường anh ra trận

Pháo tầm xa tầm gần

Súng lớn và súng nhỏ

Cùng anh cuộc quân hành

Vui lắm rồi em ơi!

Hẹn em ngày gặp lại

Anh sẽ kể em nhiều

Những điều anh nhìn thấy

Trên con đường hôm nay”.

Bài thơ có tự đề: “Biên thư gửi em”, do chính cựu binh Nguyễn Văn Tiến sáng tác khi anh cùng với đồng đội đang còn ngồi trên xe vận tải vào miền Nam chiến đấu cuối năm 1970. Bài thơ cũng thể hiện cảm xúc chứa chan như muốn đáp trả tình cảm nồng nàn mà cô bạn gái học cùng lớp với Tiến dành cho anh.

Bài thơ được Tiến viết vội trên trang nhật ký riêng của mình, mặc dù bài thơ được sáng tác như là cách để “trả lời thư” mà cô bạn gái ở quê nhà đã dặn dò trong ngày tiễn đưa, nhưng có một điều đặc biệt là “bài thơ tình chiến trận” này đã không đến được tay cô bạn năm xưa ở quê Hà Tĩnh, một phần có lẽ cũng vì chiến tranh.

Dù chiến tranh có khốc liệt đến mức nào, nhưng với những người lính trẻ ấy, họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương đất nước, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Chiến trường Tây Nguyên - nơi bỏ lại một phần cơ thể

Dù chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, nhưng cựu binh Nguyễn Văn Tiến vẫn chưa thể nào quên những năm tháng chiến đấu ác liệt ở chiến trường Tây Nguyên - nơi ông đã bỏ lại một phần cơ thể cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trận đánh cuối cùng trong đời lính của cựu binh Tiến là trận đánh vào cao điểm 601B - Tây Bắc thị xã Kon Tum, vào cuối năm 1972 để mở đường cho bộ đội đánh vào thị xã Kon Tum.

Cao điểm 601B - Tây Bắc thị xã Kon Tum, nơi địch có công sự vững chắc, với hệ thống hầm hào được bố trí kiên cố. Cao điểm nằm trên một quả đồi tương đối rộng và cao khoảng 500 mét so với mặt nước biển. Nơi đây quân đội Sài Gòn bố trí một tiểu đoàn với khoảng 500 đến 600 lính để chốt chặn với phương tiện, kỹ thuật chiến tranh hiện đại.

Cùng với đồng đội của mình, cựu binh Tiến khi ấy với vai trò là trung đội trưởng có sự yểm trợ của pháo binh đã tấn công cao điểm, tuy nhiên, địch phản kích điên cuồng. Trong lúc xông lên, Tiến bị đạn của địch điên cuồng bắn ra từ lô-cốt nên trúng vào tay trái, bị thương nặng. Ngay sau đó, Tiến được đồng đội đưa về tuyến sau và được các bác sỹ quân y cắt bỏ 1/3 cánh tay trái ngay dưới chân cao điểm.

Ông kể: “Mới bị thương thì không có cảm giác đau đớn gì cả, sau khoảng 30 phút, thì vết thương đau tê buốt khắp người. Hôm đó đúng trời mưa, áo quần bị bùn đất nhuốm đen, tôi được đồng đội khiêng ra suối để tắm rửa, trước khi được khiêng về đội phẫu để phẫu thuật”.

Sau này ông được đơn vị khen thưởng: có tinh thần chiến đấu dũng cảm, biết chỉ huy đơn vị đánh nhỏ lẻ, đánh hợp đồng tốt, đặc biệt là trong trận bao vây, công kích quân ngụy Sài Gòn ở Tây Bắc Kon Tum, vào cuối năm 1972.

Thương binh Nguyễn Văn Tiến bên tấm Huy chương kháng chiến được Nhà nước khen tặng.
Thương binh Nguyễn Văn Tiến bên tấm Huy chương kháng chiến được Nhà nước khen tặng.

Sau khi ra quân, cuối năm 1975, chàng thanh niên người Hà Tĩnh Nguyễn Văn Tiến dự thi vào chuyên ngành Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường, người lính ấy được Ban Tuyên huấn Trung ương cử đi học tại Trường Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí & Tuyên Truyền), rồi sau đó được giữ lại trường công tác một thời gian vì tốt nghiệp loại ưu.

Cựu binh Nguyễn Văn Tiến có một thời gian công tác tại Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh trước khi đưa vợ con vào Đắk Lắk công tác tại Trường Đảng huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1990, cựu binh Tiến được đề bạt làm Giám đốc Trường Đảng huyện Krông Pắk, trước khi được điều sang làm Phó Ban Tuyên giáo huyện ủy Krông Pắk vào năm 1995.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng hiện ông vẫn mang một cơ thể đầy bệnh. Ngoài thương binh hạng 3/4 (tỷ lệ thương tật 45%) do chiến tranh, hiện nay ông còn mắc nhiều bệnh khác, không những thế ông còn bị hoại tử xương đùi, mới đây buộc phải phẫu thuật lắp xương nhân tạo tại Bệnh viện 108 Hà Nội.

Viết Hảo