1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Làng Đông Hồ giàu lên nhờ... vàng mã

(Dân trí) - Nói đến làng Đông Hồ người ta thường nghĩ ngay tới “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong”. Nhưng giờ đây làng tranh Đông Hồ gần như đã chuyển hẳn sang làm... vàng mã và giàu lên cũng nhờ nghề này.

Làng Đông Hồ giàu lên nhờ... vàng mã - 1

Một cụ già tranh thủ giúp con cháu sản xuất vàng mã chuẩn bị cho ngày rằm tháng 7. (Ảnh: T.Xuân)
 
Bước chân tới đầu làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có thể thấy ngay những tấm biển quảng cáo treo đầy các ngõ xóm với những dòng quảng cáo: “Hàng mã - bán buôn, bán lẻ”, “Nhận đặt đồ mã”, “Vàng mã Lan Phương”, “Vàng mã Ngân Long”…

Dù người dân làng Đông Hồ vẫn mỗi khẩu một sào ruộng nhưng từ lâu người dân Đông Hồ không mấy ai sống nhờ vào mảnh ruộng đó mà chủ yếu sống bằng nghề làm vàng mã. Cứ các dịp như ngày Rằm tháng 7 hay Tết Nguyên đán… người dân Đông Hồ lại mướt mồ hôi cũng không đáp ứng đủ những đơn đặt hàng.

Trong các nhà dân, nhà nào nhà nấy chất ngất các nguyên vật liệu làm mã như giấy bìa, màu, phẩm, các khung hình mây, tre, nứa để từ đây làm ra đủ loại đồ mã, từ ngựa, voi, ti vi, tủ lạnh, máy bay, xe hơi, nhà lầu… Đồ mã cũng đủ loại, trần sao âm vậy, không thiếu một thứ gì, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. 
 
Làng Đông Hồ giàu lên nhờ... vàng mã - 2

Một chuyến hàng mã làng Đông Hồ chuẩn bị "xuất xưởng". (Ảnh: T.Xuân)
 
Các sản phẩm mã Đông Hồ được tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái… thậm chí vào cả trong Nam do những người làm nghề làng Đông Hồ di cư vào Nam hành nghề.
 
Giáp mùa xá tội vong nhân, không khí sản xuất, bán mua ở làng Đông Hồ nhộn nhịp như phố hội. Một cụ già trong làng cho biết, 90% người dân làng Đông Hồ đã bỏ nghề làm tranh chuyển sang làm vàng mã. Không chỉ những lao động chính mà cả người già, trẻ em, cứ có thời gian rỗi là miệt mài, cặm cụi cắt dán, pha hồ...
 
Làng Đông Hồ giàu lên nhờ... vàng mã - 3

Làng Đông Hồ khá lên nhờ làm mã (Ảnh: T.Xuân)

Nghề làm mã yêu cầu tính cần cù, tỉ mẩn. Trung bình mỗi người làm việc chăm chỉ một ngày cũng kiếm được từ 40 đến 50 nghìn đồng. “Ngày công thu được cũng tuỳ thuộc vào là nguời làm hàng cao cấp hay hàng chợ. Nếu làm hàng cao cấp như voi, ngựa, ô tô, máy bay… thì ngày công có thể lên tới 70 nghìn/ngày nhưng nếu chỉ làm những mặt hàng đơn thuần như giầy dép, mũ áo thì chỉ được 20 nghìn đến 30 nghìn/ngày. Đa số người dân ở đây sống được nhờ vào nghề làm vàng mã. Nhất là vào những dịp như Rằm tháng 7 này, hàng làm ra không đủ để bán” - ông Nguyễn Đăng Thiệu, Trưởng thôn làng Đông Hồ, cho biết.

Sản phẩm mã của làng Đông Hồ khá được lòng thị trường, nhiều người từ Hà Nội cũng lặn lội về đây lấy mã trong những dịp cúng lễ quan trọng. “Năm nào cũng vậy, cứ tới Rằm tháng 7 và dịp cuối năm là tôi lại về Đông Hồ sắm mã, vì hàng ở đây vừa đẹp lại vừa rẻ chứ mua ở trên phố vừa đắt mà chưa chắc có hàng chọn” - chị Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.

Xưa kia, làng tranh Đông Hồ gọi là làng Mái, vì cả làng toàn là mái gianh, đếm trên đầu ngón tay mới có một, hai nhà nhà ngói. Nay làng Đông Hồ đã đổi mới nhờ vào sự phát triển của tranh Đông Hồ. Thời kỳ hậu tranh Đông Hồ, làng chuyển hướng sang làm nghề vàng mã, đời sống người dân lại được nâng cao hơn nữa. Khắp làng đã là những ngôi nhà tầng khang trang.

Thanh Xuân