Nguy cơ mất 17 tỉ USD do biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Đến năm 2100, Việt Nam có thể bị mất ít nhất 12,2% diện tích đất, nơi cư trú của 23% dân số; lương thực sẽ bị thiệt hại 5 - 15%, nhiều khu vực sẽ bị ngập trong nhiều tháng, thiệt hại kinh tế có thể lên tới 17 tỉ USD.

Đó là những thông báo được Tổ chức Hành động viện trợ (ActionAid) tính toán và đưa ra tại buổi Công bố báo cáo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp và an ninh lương thực, tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.

Thực tế, trong những năm qua, nhiều hiện tượng thay đổi bất thường khí hậu ở Việt Nam đã được ghi nhận như nhiệt độ tăng, lượng mưa tăng và thất thường, mực nước biển dâng, các đợt không khí lạnh giảm, số lượng bão có cường độ mạnh lên...

Xu hướng biến đổi khí hậu ở Việt Nam là nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 30 C vào năm 2100; lượng mưa có xu thế biến đổi không đều giữa các vùng, có thể tăng (từ 0% đến 10%) vào mùa mưa và giảm (từ 0% đến 5%) vào mùa khô; mực nước biển trung bình trên toàn dải bờ biển Việt Nam có thể dâng lên 1m vào năm 2100.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thu thập dữ liệu khoa học về mực nước biển dâng, GS. Nguyễn Trọng Hiệu đưa ra báo cáo mực nước biển dâng được theo dõi theo tính tiêu biểu lựa chọn theo vùng Bắc, Trung Nam.

Theo đó, tại Hải Phòng, từ năm 1965 - 2006 mực nước biển dâng 2,05mm/năm; tại Sơn trà, Đà Nẵng từ năm 1978 - 2006 mực nước biển dâng 2,6mm/năm; còn tại Vũng Tàu theo dõi từ năm 1981 - 2006 thì lại có mức tăng cao nhất với 3,98mm/năm, tương đương với 99,5mm (gần10cm) trong 25 năm qua.

P. Thanh