Trung Quốc và trò khẩu chiến thực hiện âm mưu độc bá Biển Đông

Những động thái đang diễn ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Mỹ đang thực sự khiến dư luận trong và ngoài khu vực quan ngại.

Nhất là khi nhiều người Trung Quốc tổ chức biểu tình phản đối Nhật Bản nhằm khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cũng như những hoạt động bất thường của một số đại sứ Nhật Bản, Philippines.

Thay Đại sứ Philippines tại Trung Quốc?

Ngày 25/8, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã tới Trung Quốc để thăm Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Sonia Brady mới bị đột quỵ tại nhà riêng ở Bắc Kinh (hiện đang trong tình trạng ổn định, nhưng vẫn tiếp tục phải theo dõi). Sau khi thăm bà Sonia Brady, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì về các vấn đề song phương, nhất là tranh chấp tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Trước đó (23/8), khi trả lời các phóng viên tại buổi lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, Ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết, Philippines sẽ điều tàu trở lại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham ngay khi điều kiện thời tiết cho phép.

Tháng 6, Tổng thống Benigno Aquino III đã ra lệnh rút 2 tàu Philippines ra khỏi khu vực Scarborough/Hoàng Nham nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng bùng phát từ hôm 10/4 với Trung Quốc. Ngoại trưởng Albert del Rosario cũng sẽ công du tới một số nước ASEAN để giải thích lập trường của Philippines trước khi ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên ở Campuchia vào tháng 11/2012.

Theo tờ The Philippines Inquirer, Ngoại trưởng Albert del Rosario đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Mỹ ngày 24/9. Tuy là nhà ngoại giao kỳ cựu, nhưng do tình hình sức khỏe nên bà Sonia Brady, 71 tuổi, người mới được bổ nhiệm (tháng 5/2012) để giúp xoa dịu những căng thẳng về lãnh thổ trên biển với Trung Quốc có thể sẽ bị thay thế cho dù mới nhậm chức chưa đầy 3 tháng. Trước đó (2006-2010), bà Sonia Brady từng là Đại sứ Philippines ở Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và ông Thái Anh Đỉnh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và ông Thái Anh Đỉnh

Tối 22/8, Câu lạc bộ Phóng viên Quốc tế tại Thái Lan (FCCT) đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề Biển Đông với sự tham gia của đại diện Việt Nam, Philippines và Thái Lan cùng gần 100 nhà báo. Đây là lần đầu tiên hội thảo về chủ đề này được tổ chức tại Thái Lan và thông qua buổi tọa đàm kể trên, giới truyền thông quốc tế có thêm cơ hội hiểu về tranh chấp ở Biển Đông từ các bên liên quan cũng như mong muốn của Việt Nam và Philippines xung quanh vấn đề này. Theo đó, các bên liên quan tới tranh chấp cần làm rõ về chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); đồng thời các bên cần giải quyết, đàm phán hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên tinh thần xây dựng và hợp tác, vì hòa bình, ổn định của khu vực. Sau buổi tọa đàm kể trên, giới truyền thông cho rằng, căng thẳng ở Biển Đông sẽ khó có thể giải quyết nếu không có sự tham gia tích cực của ASEAN và sớm có Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Ngày 20/8, học giả Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc, người đã viết nhiều bài phê phán những quan điểm sai trái của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đã đăng trên mạng xã hội Weibo và diễn đàn mạng Sina.com, bài viết phê phán một số người trong giới quân sự Trung Quốc có nhận thức mơ hồ và sai trái về biên giới biển. Trước đó (16 và 18/8), ông Lý Lệnh Hoa còn cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng cách làm cũ rích để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông và tờ Thời báo Hoàn Cầu đang làm loạn đất nước khi đăng tải những bài khích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Ngày 13/8, học giả Lý Lệnh Hoa thậm chí còn cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ thành kẻ thù chung của thế giới nếu tiếp tục những hành vi sai trái, ngang ngược, vô lý trong lập trường, chủ trương, yêu sách về Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cũng khuyến cáo, Trung Quốc sẽ bị cô lập nếu bất hợp tác về biển Đông.

Khẩu chiến giữa Trung - Hàn - Nhật

Ngày 25/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ sự bất bình trước việc Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda công khai phát biểu những lời phương hại tới chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Người phát ngôn Hồng Lỗi nói, đảo Senkaku/Điếu Ngư và các hòn đảo xung quanh từ xưa đến nay đều là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, một trong những sử sách ghi chép sớm nhất về đảo Senkaku/Điếu Ngư và các hòn đảo xung quanh là cuốn “Thuận phong tương tống” xuất bản năm đầu tiên Vĩnh Lạc đời Minh năm 1403. Điều này chứng minh các hòn đảo đó tối thiểu trong đời Minh đã nằm trong phạm vi cai quản của Trung Quốc. Mãi tới chiến tranh Giáp Ngọ năm 1895 Nhật Bản mới đưa ra yêu sách chủ quyền đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư, do đó chủ trương về cái gọi là đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc lãnh thổ vốn có của Nhật Bản hoàn toàn không thể đứng vững được.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Người phát ngôn Hồng Lỗi đưa ra những tuyên bố kể trên sau tuyên bố mạnh mẽ tối 24/8 của Thủ tướng Yoshihiko Noda: Trung Quốc chỉ thực sự tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1970, thời điểm phát hiện các vỉa dầu mỏ tiềm tàng trên biển Hoa Đông. Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản không có gì phải nghi ngờ, xét cả về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế và hiện nay Tokyo đang kiểm soát hiệu quả quần đảo này. Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng tuyên bố, sẽ giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc với quyết tâm không mệt mỏi và Tokyo sẽ tăng cường tuần tra các vùng biển xung quanh. Ông Yoshihiko Noda là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ kể trên khi đề cập tới những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc kể từ khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền năm 2009. Thủ tướng Yoshihiko Noda đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ này sau khi Hạ viện Nhật Bản thông qua (24/8) nghị quyết chỉ trích các nhà hoạt động Trung Quốc lên đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cũng trong ngày 24/8, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara cho biết, ông sẽ thăm đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 10 - tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Trung Quốc và động thái này có thể thổi bùng tranh cãi ngoại giao gay gắt.

Dư luận trong khu vực thực sự quan ngại sau thông tin vừa được Hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đăng tải hôm 25/8: Quân đội Hàn Quốc sẽ diễn tập quân sự thường xuyên tại vùng biển gần quần đảo Dokdo/Takeshima từ đầu tháng 9, nhưng có thể bị hoãn do căng thẳng gia tăng liên quan đến tuyên bố chủ quyền gần đây của Nhật Bản. Dự kiến, kế hoạch diễn tập bảo vệ Dokdo/Takeshima diễn ra trong 4 ngày (từ 9/9) sẽ được quyết định tại cuộc họp thảo luận chính sách an ninh và ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc trong tuần tới. Cuộc diễn tập một năm hai lần được hoạch định giữa lúc căng thẳng ngoại giao giữa Seoul và Tokyo gia tăng sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến Dokdo/Takeshima hôm 10/8 cho dù Hàn Quốc coi cuộc diễn tập này được xúc tiến nhằm thể hiện ý chí mạnh mẽ của nước này trong việc bảo vệ Dokdo/Takeshima.

Cho tới nay Hàn Quốc vẫn duy trì một biệt đội cảnh sát trên quần đảo này và kiểm soát Dokdo/Takeshima trên thực tế. Nhưng Thủ tướng Yoshihiko Noda lại khẳng định, đảo Takeshima/Dokdo là lãnh thổ của Nhật Bản xét cả về khía cạnh lịch sử lẫn luật pháp quốc tế và việc Tokyo đưa vấn đề Takeshima/Dokdo ra Tòa án Công lý Quốc tế là đúng đắn, dựa trên luật pháp và công lý của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Yoshihiko Noda đưa ra tuyên bố mạnh mẽ kể trên sau khi Hạ viện Nhật Bản thông qua (24/8) nghị quyết phản đối Tổng thống Lee Myung-bak đặt chân lên đảo Takeshima/Dokdo. Trước đó, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã gửi thư cho Tổng thống Lee Myung-bak thông báo, Tokyo sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp đảo một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, đồng thời hối thúc Seoul hành động vì lợi ích song phương. Nhưng ngày 23/8 Hàn Quốc đã trả lại thưcùng quyết định: sẽ không bao giờ trao đổi thư tín với Nhật Bản nữa.

Trung Quốc và Nhật Bản đều muốn tranh thủ Mỹ

Nhật Bản đã bắt đầu sửa đổi các nguyên tắc hợp tác quân sự với Mỹ trong bối cảnh đang xảy ra các vụ tranh cãi ngoại giao căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc. Động thái này diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta đạt được thỏa thuận hồi đầu tháng 8/2012 tại Washington về việc xem xét lại các nguyên tắc hợp tác quốc phòng song phương ký năm 1997. Trước đó (23/8), Tham mưu trưởng Liên quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, ông Shigeru Iwasaki đã có cuộc hội đàm với Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Martin Dempsey tại Lầu Năm Góc. Việc này diễn ra ngay sau khi Phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thái Anh Đỉnh có chuyến thăm Mỹ (từ 20/8) để thảo luận về vấn đề căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Được biết, tại cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở trụ sở Lầu Năm Góc, ông Thái Anh Đỉnh cho biết, Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ để giải quyết một cách có hiệu quả những bất đồng. Thứ trưởng Ashton Carter hy vọng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác lớn của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giới truyền thông và học giả Trung Quốc coi chuyến thăm kể trên của ông Thái Anh Đỉnh có liên hệ chặt chẽ với những căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Shigeru Iwasaki - Martin Dempsey
Shigeru Iwasaki - Martin Dempsey

Được biết, Mỹ và Nhật Bản đang diễn tập (trong 37 ngày từ 21/8) tại khu vực phía tây Thái Bình Dương nhằm tăng cường khả năng bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Mỹ vẫn khẳng định không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết vấn đề này thông qua biện pháp hòa bình. Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tăng cao sau khi Tokyo bắt các nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư hôm 15/8 bất chấp cảnh báo từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Do đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đâm thủng tàu Trung Quốc, phun vòi rồng vào con tàu này và bắt tất cả 14 người đi trên đó.

Ngày 19/8, 150 nhà hoạt động và nghị sĩ Nhật Bản, đi trên 20 chiếc thuyền đổ bộ lên đảo tranh chấp, cắm cờ Nhật Bản. Nhiều người lo ngại về viễn cảnh nổ ra một cuộc chiến trên biển giữa 2 cường quốc châu Á và nếu điều này xảy ra thì hậu quả khôn lường. Trong khi tướng “diều hâu” La Viện của Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh điều 100 tàu đến bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư thì tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 20/8 lớn tiếng cảnh báo: “Nhật Bản sẽ phải trả giá về những hành động của họ và hậu quả sẽ tồi tệ hơn họ dự đoán rất nhiều”.

Nhằm thực hiện tham vọng biển của mình, Trung Quốc đã và đang ráo riết tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và Hàn Quốc tại Hoàng Hải, Đông Hải. Giới chuyên gia cho rằng, cùng với quá trình hiện đại hóa lực lượng hải quân, Trung Quốc đang phấn đấu trở thành một cường quốc biển. Sau hơn 30 năm hiện đại hóa quân sự, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ của 8 nước sở hữu các hạm đội hải quân lớn nhất thế giới, với tổng trọng tải tàu chiến đứng hàng thứ ba thế giới.

Ngày 25/8, giới truyền thông Mỹ đã dẫn lời một số nhà phân tích quân sự cho rằng, Trung Quốc đang có bước tiến xa hơn về phát triển vũ khí mới, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm đa chức năng đột phá cho phép bắn trúng mục tiêu ở Mỹ với độ chính xác cao hơn và có thể lấn át bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào. Công nghệ vũ khí của Trung Quốc có khả năng đặt 10 đầu đạn hạt nhân thật trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Đông Phong 41 tối tân nhất cùng một loạt đầu đạn giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa khác.

Giới quân sự Mỹ cũng quan tâm tới động thái bất thường của Trung Quốc: Chỉ trong vòng 4 tuần, quân đội Trung Quốc đã 3 lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trung Quốc muốn nâng cấp loại tên lửa mang một đầu đạn thành loại có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân bởi Bắc Kinh lo ngại hệ thống phòng thủ tên lửa trong tương lai của Mỹ có thể sẽ vô hiệu hóa tên lửa mang một đầu đạn hạt nhân của họ. Cách đây mấy hôm, Đại sứ Mỹ tại ASEAN David L. Carden cho biết, Washington quan ngại trước các hành động đơn phương trên Biển Đông và mong muốn các nước hữu quan tới tranh chấp tìm cách giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông David L. Carden cũng cho rằng, ASEAN cần thống nhất trong việc nêu lên những quan ngại về vấn đề Biển Đông và phải đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Theo Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012