DMagazine

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia "bạo ngôn" và điều tiếc nuối lớn nhất

(Dân trí) - Từ một chuyên viên với kiến thức về kinh tế thị trường "gần như số không", ông Nguyễn Đình Cung trở thành người chắp bút, đưa tinh thần tự do kinh doanh vào các đạo luật về doanh nghiệp của Việt Nam.

Tròn 25 năm trước, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp 1999, xác lập về mặt pháp lý tinh thần người dân, doanh nghiệp được kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm.

Nhân dịp này, báo Dân trí có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguyên thành viên Tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), vị chuyên gia để lại nhiều dấu ấn trong các đạo luật về doanh nghiệp ở Việt Nam và là thành viên chủ chốt của Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999. 

TS Nguyễn Đình Cung và hành trình hơn 30 năm với các đạo luật doanh nghiệp ở Việt Nam (Video: Phạm Tiến - Minh Quang).

Thưa TS Nguyễn Đình Cung, từ góc độ một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận như thế nào về "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

- Tôi cho rằng khu vực kinh tế tư nhân đang rơi vào giai đoạn khó khăn, thể hiện trên mấy điểm như sau:

Thứ nhất là nhìn vào số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trước đây thông thường 4 doanh nghiệp gia nhập thì 1 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhưng thời gian gần đây số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số gia nhập. Bốn tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 86,4 nghìn doanh nghiệp.

Thứ hai, đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng, chiếm 55% - 60% tổng đầu tư xã hội. Những năm trước khu vực này tăng trưởng từ 15-17%/năm, nhưng năm 2023 chỉ đạt khoảng 2,3%. Quý 1 năm nay tăng 4,2% nhưng so với trước đây vẫn thấp hơn đáng kể.

Thứ ba, tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 ở mức thấp, chỉ đạt 0,26%. Các cơ quan điều hành đã đưa ra nhiều giải pháp song vấn đề là doanh nghiệp không hấp thụ được.

Tình hình khó khăn như ông vừa nêu có nhiều nguyên nhân. Theo ông, đâu là nguyên nhân đáng quan tâm nhất hiện nay?

- Kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình thế giới. Nhưng đây không phải lần đầu chúng ta đứng trước những khó khăn như vậy. Việt Nam đã trải qua khủng hoảng tài chính châu Á 1997, rồi suy thoái toàn cầu 2008 - 2009… Vì vậy, tôi quan tâm nhiều hơn đến nguyên nhân nội tại, trong đó quan trọng nhất là môi trường kinh doanh.

Nếu môi trường kinh doanh thuận lợi như yêu cầu, mong muốn của chính chúng ta thì sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài. Nhưng tôi chưa quan sát thấy các yếu tố như vậy. Đầu tư tư nhân trong nước đang mất đà và có tốc độ tăng trưởng thấp trong mấy năm qua.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 2

Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện với ông bằng những câu hỏi về sức khỏe doanh nghiệp, vì mối duyên nợ đặc biệt của ông với hành lang pháp lý về doanh nghiệp trong gần 40 năm qua. Mối duyên này đã bắt đầu như thế nào?

- Năm 1982, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế ngoại thương tại Đại học Kinh tế Praha, Tiệp Khắc (cũ), tôi về nước và được nhận vào làm việc tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Một thời gian sau, lãnh đạo CIEM lúc đó là ông Nguyễn Văn Trân (nguyên Bí thư Trung ương Đảng) cử tôi tham gia nhóm xây dựng Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam. Thời gian làm Luật kéo dài ba năm (1984 - 1987) đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá cho công việc sau này.

Đây cũng là giai đoạn Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế. Muốn cải cách thì đương nhiên phải phát triển khu vực kinh tế tư nhân, và mọi người đi đến một nhận thức rằng chúng ta đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, chấp nhận để tư bản nước ngoài vào đây làm ăn thì không có lý gì lại không tạo điều kiện để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 4

Đến năm 1988, CIEM được giao soạn thảo "cái gì đó về mặt pháp lý" để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Một nhóm nghiên cứu được thành lập. Vì tôi đã có quá trình tham gia làm Luật Đầu tư nước ngoài và dự thảo chương về hướng dẫn đầu tư nước ngoài, nghĩa là cũng "hiểu lõm bõm" về đầu tư, nên được bổ sung vào nhóm nghiên cứu này.

Ban đầu chúng tôi định lấy tên luật là "luật cơ bản về phát triển kinh tế tư nhân", nhưng khi đi vào cụ thể thì không ai biết… hình hài của nó ra sao. Thế rồi căn cứ vào Luật đầu tư nước ngoài, chúng tôi đi đến cách tiếp cận rằng điều quan trọng nhất đối với người kinh doanh là thiết lập cho họ một công cụ để sử dụng, để làm ăn. Công cụ đó chính là các loại hình tổ chức kinh doanh, tức là các loại công ty.

Với cách tiếp cận như vậy, chúng tôi bắt tay vào soạn thảo Luật Công ty, về sau tách ra thành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân, được Quốc hội thông qua vào năm 1990 và có hiệu lực ngày 1/4/1991.

Nghe ông kể về việc xây dựng Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, tôi liên tưởng đến hai chữ "lần mò": "lần mò nghiên cứu", "lần mò tìm hiểu"… Không biết là sự liên tưởng của tôi có đúng không?

- Nói "lần mò" là chính xác. Bởi vì kiến thức về kinh tế thị trường của chúng tôi lúc đó gần như "zero", nghĩa là chưa được học hành gì về kinh tế thị trường, chưa biết gì về cổ phần, cổ phiếu. Hồi đấy những thuật ngữ như là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, rồi công ty đối nhân, công ty đối vốn… hoàn toàn xa lạ. Chúng tôi phải cố mà đọc để hiểu xem nó như thế nào, mà chắc là hồi đấy cũng hiểu láng máng, không hiểu hết đâu.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 6

Tôi được nghe kể vào năm 1987, ông đã có nhiều tuần lễ lên thư viện của Viện Kinh tế TPHCM để lục tìm lại các tư liệu cũ liên quan đến doanh nghiệp tư nhân trước ngày thống nhất đất nước. Có lẽ đây chính là những ngày người chuyên viên trẻ Nguyễn Đình Cung "cố mà đọc" và "cố mà hiểu" về kinh tế thị trường?

- Hồi đó miền Bắc không có nhiều tài liệu, chúng tôi phải vào miền Nam tìm hiểu và được sự giúp đỡ, hướng dẫn của các chuyên gia trong đó như anh Huỳnh Bửu Sơn, anh Phan Chánh Dưỡng và một số người khác. Các vị này chỉ cho chúng tôi những tài liệu nên đọc. Thư viện của Viện kinh tế TPHCM có lưu trữ một số luật kinh tế ban hành trước năm 1975 cần cho công việc nghiên cứu của chúng tôi, ví dụ như Luật Thương mại, trong luật này có một số chương nói về các loại hình công ty…

Cảm xúc của một người "zero" về kinh tế thị trường khi đọc những tài liệu đó như thế nào?

- Thời đó chưa có máy photocopy, chúng tôi lên thư viện nghiền ngẫm tài liệu, rồi chi ghép, cố gắng đọc hiểu và nắm bắt được những kiến thức cần thiết phục vụ công việc. Đọc ngày, đọc đêm. Có thể nói đây chính là những bài học đầu tiên về kinh tế thị trường với tôi.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 8

Hơn 30 năm nhìn lại Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, theo ông đâu là giá trị lớn nhất của hai đạo luật này?

- Hai đạo luật này là thừa nhận đầu tiên về mặt pháp lý đối với sự tồn tại, phát triển và hoạt động hợp pháp của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Từng có một thời hoạt động doanh nghiệp tư nhân là bất hợp pháp; kinh tế tư bản tư nhân là thành phần nằm trong diện "cải tạo", xóa bỏ. Vai trò lịch sử của Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 là như vậy, và nếu không có hai đạo luật này thì sẽ không có Luật Doanh nghiệp 1999.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 10

Khi bắt tay vào soạn thảo Luật doanh nghiệp 1999, kiến thức của ông về kinh tế thị trường, về công ty, chắc hẳn đã có bước tiến rất xa so với giai đoạn làm Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990?

- Năm 1992, Chính phủ cử nhóm 27 công chức từ nhiều bộ, ngành khác nhau đi học ở Vương quốc Anh. Đây là nhóm công chức đầu tiên của Việt Nam đến một nước phương Tây học tập kể từ sau ngày thống nhất đất nước. Tôi là một trong 27 thành viên của nhóm này. 

Tôi qua Anh học một năm và đến năm 1994-1995 quay lại làm thạc sĩ. Lúc đó tôi chọn chương trình đào tạo giai đoạn ngắn để vừa học tập kiến thức mới vừa gắn bó với công việc ở CIEM, không bị mất kết nối với thực tiễn trong nước. Năm 1996, tôi may mắn được giao chủ trì viết dự thảo Luật Doanh nghiệp 1999. Lúc này có thể nói tôi đã có quá trình làm việc tương đối lâu năm, nắm bắt được thực tiễn và cũng đã có những kiến thức cần thiết cho công việc của mình.

Ông nói là may mắn được tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999, nhưng tôi nghĩ lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phải "chọn mặt gửi vàng" với một công việc quan trọng như vậy?

- Viện trưởng lúc đó là TS Lê Đăng Doanh. Thú thực tôi không biết Viện trưởng lựa chọn như thế nào, chỉ biết rằng khi tôi được giao việc thì đã hình thành dự thảo 1 của Luật. Đọc dự thảo này tôi thấy không ổn và về sau gần như thay đổi hết.

Ông thấy không ổn ở vấn đề gì?

- Ở cách tiếp cận. Dự thảo 1 vẫn nặng tư duy "xin - cho", người dân muốn làm gì cũng phải đi xin Nhà nước. Trong khi đó, cần thấy rằng người dân có quyền tự do kinh doanh. Hay nói cách khác người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm. Đây mới là cách tiếp cận đúng.

Bây giờ thì câu nói "người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm" đã trở nên quen thuộc, nhưng vào năm 1995 đây hẳn là một khái niệm còn mới mẻ?

- Mới hoàn toàn! Tôi là người tham gia soạn Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, nên tôi nhớ rõ luật chỉ quy định rằng công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, đủ năng lực hành vi dân sự và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì được quyền kinh doanh. Nhưng trên thực tế người ta thực thi điều này như thế nào? Họ yêu cầu người dân phải xin đủ các loại giấy giờ để chứng minh.

Tôi sửng sốt khi chứng kiến cách thực thi pháp luật như thế. Một khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lúc đó cho thấy, để thành lập công ty thì người dân phải xin ít nhất 35 chữ ký và 32 con dấu với thời gian trung bình khoảng 12 đến 36 tháng. Đó là chưa kể đến tiền "bôi trơn"!

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 12

Vì Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 quy định chủ tịch tỉnh, thành ký quyết định thành lập công ty, nên một mặt có những vị chủ tịch tỉnh hành xử tùy ý "thích thì ký, không thích thì thôi", mặt khác lại có những vị thận trọng quá, triệu tập đủ mọi cấp quản lý liên quan xem xét từng hồ sơ trước khi ký duyệt nên tiến độ rất chậm chạp. Ở Hà Nội, có giai đoạn Chủ tịch thành phố chỉ duyệt được vài ba hồ sơ thành lập doanh nghiệp mỗi tuần.  

Vậy những người soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999 hóa giải cách thực thi pháp luật "xin - cho" nêu trên bằng cách nào?

- Chúng tôi quy định như thế này: Cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ, không chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ đăng ký kinh doanh. Nghĩa là tính chính xác và trung thực của nội dung hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ do người thành lập doanh nghiệp chịu trách nhiệm

Quy định này đưa đến một đổi mới quan trọng là chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", giúp đẩy nhanh quá trình thành lập doanh nghiệp.

Cùng với quy định trên, chúng tôi liệt kê ra 3-4 loại giấy tờ cần thiết trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp và chốt bằng một câu "cơ quan đăng ký kinh doanh không được quyền yêu cầu người đến đăng ký kinh doanh nộp thêm bất cứ loại giấy tờ nào khác ngoài các loại giấy tờ nêu trên".

Luật Doanh nghiệp 1999 cũng bãi bỏ quyền quyết định của Chủ tịch tỉnh, thành về thành lập doanh nghiệp, khẳng định công dân có quyền đăng ký thành lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Nhiều văn bản pháp luật hiện nay thường quy định về thời gian giải quyết hồ sơ (3 ngày, 5 ngày, 10 ngày…) "kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ". Nhưng Luật Doanh nghiệp 1999 không quy định như vậy. Cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã nhận hồ sơ của công dân thì hồ sơ đó là hợp lệ. Trách nhiệm của cơ quan này là xem xét hồ sơ và nếu đã tiếp nhận nghĩa là hồ sơ hợp lệ (như thế nào là một hồ sơ hợp lệ đã có quy định rõ ràng). Không có chuyện đến 4h chiều thứ Sáu anh mới gọi người dân lên bảo rằng hồ sơ chưa hợp lệ vì thiếu dấu chấm chỗ này, dấu phẩy chỗ kia… 

Những "kỹ thuật" được đưa vào Luật Doanh nghiệp như vậy đã giúp loại bỏ tính tùy ý và tăng tính dự đoán được của thực thi pháp luật.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 14

Khi đưa những "kỹ thuật" mà thực chất là những cải cách vào Luật Doanh nghiệp 1999, Ban soạn thảo có gặp khó khăn hay phản đối nào không?

- Chúng tôi cứ lặng lẽ mà làm. Những gì thấy cần thiết cho việc mở rộng và bảo vệ quyền kinh doanh của người dân thì đưa vào luật. Chúng tôi không lên truyền thông để nói thật to rằng dự thảo quy định này, quy định kia mới lắm, hay lắm để thu hút sự chú ý và những ý kiến tranh luận.

Tất nhiên trong toàn bộ quá trình soạn thảo và nhất là giai đoạn trình Quốc hội xem xét thì không tránh khỏi các ý kiến ngược xuôi. Điều quan trọng là chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của ông Lê Đăng Doanh (khi đó là Viện trưởng CIEM), ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư), ông Nguyễn Văn Phúc (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), ông Mai Thúc Lân (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội)…

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã "bùng nổ" sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được ban hành. Có thể nói đây chính là "quả ngọt" của những cải cách từ đạo luật này không thưa ông?

- Năm 2000 Luật có hiệu lực thì giai đoạn 2000 - 2007 chính là thời kỳ "bùng nổ" của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Theo tôi đây là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố quan trọng.

Thứ nhất là Luật Doanh nghiệp 1999 tháo bỏ rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân, xác lập rõ ràng quyền tự do kinh doanh của người dân.

Thứ hai là tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn này.

Thứ ba là Hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết vào năm 2001.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 16

Đến nay nhìn lại Luật Doanh nghiệp 1999, có điều gì khiến ông tiếc nuối và nghĩ rằng "giá như có thể làm tốt hơn"?

- Chúng tôi đã nỗ lực hết sức nên giả sử được làm lại thì chắc cũng khó mà làm tốt hơn. Còn nói về tiếc nuối thì vấn đề lớn nhất đến nay chúng ta vẫn chưa làm được, đó là bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, mọi người quen gọi là "giấy phép con".  

Giai đoạn 2000 - 2005, trong đợt rà soát đầu tiên, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp đã phát hiện ra hơn 500 loại giấy phép con, trong đó rất nhiều giấy phép chỉ có hiệu lực ba tháng (đánh máy chữ, vẽ truyền thần, bán báo…), người dân phải xin phép lại sau khi hết hạn.

Trên cơ sở rà soát của Tổ công tác, Thủ tướng Phan Văn Khải họp với các bộ ngành và ký quyết định bãi bỏ 268 giấy phép con. Đợt bỏ giấy phép con đầu tiên này dẫn đến những thay đổi rất lớn. Ví dụ ngày 3/2/2000, Thủ tướng ký quyết định bãi bỏ giấy phép con của ngành Giao thông Vận tải, chỉ ít ngày sau đã không còn người dân nào phải đến chầu chực ở Văn phòng Sở Giao thông Vận tải tại các tỉnh nữa. Trong khi trước đó, ngày nào người dân cũng phải xếp hàng dài trước cửa văn phòng Sở để xin cấp phép. Có thể nói đây là một "cuộc cách mạng"!

Đáng tiếc chúng ta không thiết lập được một cơ chế kiểm soát, ngăn chặn sự "tái phát" của giấy phép con. Chúng tôi đã không làm được điều đó. Những nỗ lực cắt bỏ giấy phép con tiến hành được một thời gian, cải cách chùng xuống thì nó mọc trở lại.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 18

Việc rà soát, đề xuất bãi bỏ giấy phép con đụng chạm đến lợi ích của bộ ngành liên quan. Trong quá trình này, ông có bị "alô" hay "vỗ vai" can thiệp gì không?

- Tôi không bị những áp lực như vậy, nhưng cũng có khi bị kiện vì… quá tích cực cắt bỏ giấy phép. Ví dụ hồi đó theo quy hoạch thì Hà Nội chỉ có 5.000 xe taxi, TPHCM cũng tương tự. Tổ công tác cho rằng để đảm bảo quyền tự do kinh doanh thì không thể cho phép tồn tại những quy định như là đường phố này chỉ có mấy quán phở, thành phố kia chỉ được bao nhiêu taxi. Chúng tôi kiến nghị bãi bỏ rào cản gia nhập thị trường taxi và sau đó dịch vụ taxi ở Hà Nội, ở TPHCM phát triển rất mạnh. Dễ hiểu là các hãng taxi hiện hữu không muốn đối thủ xuất hiện quá nhiều nên làm đơn kiện.

Chúng tôi chẳng cần phải giải trình, cứ ra hội nghị, hội thảo thì chính các đơn vị taxi mới đứng lên chứng minh sự cần thiết của một môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa mới và cũ. Lợi ích của hành khách được đảm bảo ở điều kiện hoạt động taxi, chứ không phải là giới hạn số lượng, ngược lại càng có cạnh tranh thì chất lượng dịch vụ taxi càng nâng lên.

Ông nhìn nhận đâu là nguyên nhân chính của tình trạng "tái phát" giấy phép con bất hợp lý. Phải chăng vì nó gắn với lợi ích của một bộ phận trong cơ quan quản lý nên khó cắt bỏ triệt để?

- Tôi nghĩ lợi ích chỉ là một phần của nguyên nhân. Đây là vấn đề thuộc về tư duy quản lý. Nhiệm kỳ này chúng ta bắt đầu nói đến "thể chế phát triển". Theo tôi hiểu, thể chế phát triển là một thể chế được xây dựng để phục vụ phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển, thúc đẩy phát triển chứ không phải là ban hành văn bản chỉ để quản lý. 

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 20

Khi mục tiêu đầu tiên của anh là quản lý thì anh phải đặt ra công cụ, đặt ra rào cản, tức là giấy phép con, là điều kiện kinh doanh… Trong thực tế nếu như ít rào cản thì ít rủi ro, vì khi người ta phải tuân thủ quá nhiều nghĩa là chi phí cũng quá nhiều, nếu không tuân thủ thì lại vi phạm. Tình thế buộc họ phải lựa chọn và sẽ có doanh nghiệp chọn cách vi phạm. Nếu chúng ta tháo bỏ rào cản và kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, những rủi ro sẽ được loại bỏ và nhiều người dân muốn tham gia kinh doanh hơn.

Bao nhiêu năm nay chúng tôi muốn xóa bỏ triệt để giấy phép con song không làm được là vì mắc ở tư duy quản lý. Tôi không trách các bộ vì sao lại nhiều giấy phép con, vì nếu tôi ở vị trí họ chắc tôi cũng cũng sẽ như vậy. Vấn đề ở đây là phải thay đổi tư duy thì mới thay đổi được hành động.

Theo ông, những vấn đề đặt ra với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có gì khác so với thời ông làm Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990. Phải chăng tiến hành cải cách lúc này khó khăn hơn?

Bây giờ khác trước nhiều. Trước năm 1990 chúng ta gần như chưa có doanh nghiệp tư nhân; đến năm 2000 Việt Nam có khoảng 32.000 doanh nghiệp, sau đấy là giai đoạn bùng nổ và đến nay có khoảng gần một triệu doanh nghiệp.

Trước đây không có doanh nghiệp nào lớn, bây giờ số doanh nghiệp lớn đã lên đến hàng nghìn và tổng số lao động trong khu vực kinh tế tư nhân từ 15-20 triệu người.

Mối quan tâm của tôi là tạo cho người dân môi trường để tự do kinh doanh, an toàn trong hoạt động kinh doanh, giảm rủi ro. "Ông lớn, ông bé" đều cần như thế cả. Tài sản của người dân được bảo vệ và làm sao mà khuyến khích doanh nghiệp không ngừng phát triển, vươn ra quốc tế, đi vào các lĩnh vực công nghệ…

Doanh nghiệp lớn lên như thế nào là quyết định của họ, còn chúng ta phải tạo cơ hội, tạo môi trường. Một doanh nghiệp có đến hàng trăm công nhân thì có lẽ đã trở thành một tài sản xã hội. Bởi vì lúc đó ngoài lợi ích của chủ sở hữu ra thì còn có chủ nợ, có người cấp nguyên liệu, người sản xuất, có người cấp vốn và gia đình của các công nhân. Nếu như doanh nghiệp đó mệnh hệ gì thì rõ ràng là lợi ích của rất nhiều người bị ảnh hưởng. Cho nên thực sự đó là một tài sản xã hội.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 22

Những doanh nghiệp có đến hàng nghìn người thì ông chủ mở mắt ra là phải có nhiều chục tỷ đồng để trả tiền lương. Rõ ràng đây là một áp lực rất lớn đối với đối với họ. Tôi nhìn họ là những người phụng sự sự phát triển. Họ đã đủ tiền để có thể sống đàng hoàng ở bất cứ đâu. Nhưng tại sao họ phải dấn thân như thế? Xã hội cần hỗ trợ, khuyến khích, bảo vệ những doanh nhân chân chính.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 24

Bên cạnh những dấu ấn với Luật Doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung còn được biết đến là một chuyên gia kinh tế "bạo ngôn", thậm chí nói ngược với quan điểm của cấp trên. Phong cách nói thẳng, nói thật đó đã bao giờ gây khó cho chính ông chưa?

- Cuộc đời công tác của tôi chưa bao giờ bị nhắc là nói ít đi, nói nhẹ đi hay nói khác đi. Tôi nghiệm ra rằng có lẽ do mình nói trên cơ sở nghiên cứu, có lý luận, có thực tiễn, nói những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển.

Như các bạn biết là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng đúng là nhiều khi phát biểu của tôi trái với quan điểm chính thức của Bộ. Nói ví dụ như Luật Đầu tư, từ năm 2005, tôi đã nói rằng không có một nước nào làm Luật Đầu tư như chúng ta. Họ chỉ có việc là khuyến khích, bảo hộ, hỗ trợ đầu tư chứ không có luật đề ra các thủ tục đầu tư dài như thế. Đơn giản vì đầu tư là quyền của dân, là việc của doanh nghiệp, đầu tư cái gì, đầu tư bao nhiêu, đầu tư ở đâu là việc của họ chứ không phải việc của nhà nước. Cho nên những thứ như chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân là không hợp lý.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 26

Câu chuyện "dám nói ngược" này đã hình thành ở ông như thế nào?

Thực ra Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có một văn hóa như thế. Trước đây Viện là một cơ quan độc lập, từng là một ban của Đảng, rồi sau này trực thuộc Chính phủ, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, trải qua nhiều thay đổi nhưng chúng tôi vẫn giữ văn hóa đó.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua các đời Bộ trưởng đều tôn trọng văn hóa này. Vấn đề ở chỗ là cán bộ của Viện, lãnh đạo của Viện có dám nói không? Các Bộ trưởng không cấm và không hạn chế.

Ông từng tham gia Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Vậy tinh thần dám nói có được ông mang theo khi phát biểu với tư cách là thành viên của Tổ tư vấn?

- Tôi có làm cộng tác viên cho Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, thời kỳ làm Luật Doanh nghiệp và Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Cung: Vị chuyên gia bạo ngôn và điều tiếc nuối lớn nhất - 28

Đến nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tôi là thành viên Tổ tư vấn kinh tế. Thực ra chuyện phát biểu là cá tính và phong cách. Khi mình phát biểu thì đằng sau mình là cả một đơn vị nghiên cứu chứ không phải chỉ ý kiến cá nhân.

Cách tiếp cận của tôi khi trình bày một vấn đề là phải xác định được quy mô của vấn đề, tính chất của vấn đề, làm sao để hiểu được vấn đề một cách chính xác nhất, đúng nhất thì mới có giải pháp đúng. Với cách tiếp cận đó, tôi không thể nói khác điều mình suy nghĩ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Võ Thành

Ảnh: Thành Đông

Video: Phạm Tiến, Minh Quang

Thiết kế: Tuấn Huy