DNews

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chỉ còn 15 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già. Đây là khoảng thời gian phải đẩy nhanh tốc độ mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, để thêm hàng triệu người già có lương hưu.

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu

Nguy cơ già trước khi giàu...

Theo các chuyên gia, dân số Việt Nam đang già hóa nhanh trong khi hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đủ lớn, dẫn đến nguy cơ mất ổn định an sinh xã hội trong tương lai.

Phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật BHXH sửa đổi, tiến sĩ Trịnh Thu Nga (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số, chuyển tiếp từ giai đoạn dân số vàng sang giai đoạn dân số già.

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 1

Giai đoạn dân số vàng của Việt Nam bắt đầu từ năm 2009 và có thể kết thúc vào năm 2039. Đây là giai đoạn Việt Nam có lực lượng lao động lớn nhất, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Tức là, Việt Nam chỉ còn hơn 15 năm có thể tận dụng điều kiện thuận lợi của giai đoạn dân số vàng.

Giai đoạn già hóa dân số của Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với chỉ số già hóa 31,5%; tới năm 2022 thì chỉ số già hóa đã là 35,88%. Đặc trưng của giai đoạn già hóa là tuổi thọ bình quân của người dân tăng cao và mức sinh giảm mạnh, làm cho tỷ lệ dân số trẻ giảm dần. Tốc độ già hóa dân số nhanh chóng khiến TS Trịnh Thu Nga lo lắng Việt Nam có thể rơi vào tình trạng "già trước khi giàu".

Theo TS Trịnh Thu Nga, già hóa dân số làm cho Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động và suy giảm năng suất lao động, thách thức lớn cho quá trình phát triển kinh tế trong tương lai.

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 2

Nguy cơ thứ 2 không kém phần nghiêm trọng là thách thức cho việc đảm bảo an sinh xã hội của nhà nước. Khi quy mô và tỷ lệ dân số cao tuổi tăng nhanh sẽ tạo sức ép lên hệ thống lương hưu và bảo hiểm, đặc biệt là khi nhiều lao động hiện nay không có ý thức tham gia BHXH.

Theo TS Trịnh Thu Nga, khảo sát năm 2021 cho thấy tỷ lệ người cao tuổi hưởng chế độ hưu trí còn thấp (23%) do tỷ lệ tham gia BHXH trước đây rất thấp. Nguồn thu nhập chính cho người cao tuổi vẫn đến từ hỗ trợ của con cái và nhiều người cao tuổi vẫn phải làm việc kiếm sống.

Khi số người cao tuổi không tham gia BHXH, không có lương hưu và tử tuất ngày càng nhiều, ngân sách phải chi trả trợ cấp xã hội cho nhóm người cao tuổi khó khăn trên càng lớn. Gánh nặng ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi sẽ càng lớn hơn trong tương lai, khi Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già.

Triệu người có thể buộc tham gia BHXH nằm ở đâu?

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là một trong những nội dung thay đổi chính trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi so với Luật BHXH năm 2014, được rất nhiều đơn vị đóng góp ý kiến.

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 3

Sau quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp của các cá nhân, đơn vị, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật BHXH đã hoàn thành đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với 5 nhóm sau.

Thứ nhất là nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

Thứ 2 là người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Thứ 3 là người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).

Thứ 4 là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Thứ 5 là trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương…

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 4

Hiện có 2 nhóm hộ kinh doanh là hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh. Cả nước có trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức là sẽ có thêm gần 2 triệu hộ tham gia.

Tính đến 31/12/2022, cả nước có hơn 400.000 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; trong đó, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là hơn 270.000 người.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm này, tức là sẽ có thêm hơn 270.000 người tham gia.

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 5

Theo ông Nguyễn Duy Cường, đề xuất mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc trên nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương. Khi diện bao phủ của hệ thống BHXH càng mở rộng, khả năng đảm bảo an sinh xã hội sẽ càng bền vững.

Để blogger cũng có lương hưu...

Các chuyên gia lĩnh vực an sinh - xã hội tham gia Hội thảo khu vực phía Nam lấy ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) vừa qua đều đồng tình với đề xuất mở rộng BHXH bắt buộc trong dự thảo luật, nhiều đại biểu còn khẳng định đây là việc phải làm ngay.

Theo đại diện BHXH Việt Nam, trong những năm qua, BHXH bắt buộc tăng bình quân hằng năm khoảng 8%-11%, sau khi trừ đi số người giảm thì tăng khoảng 5%-6%.

Năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 16 triệu người, chiếm 34,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nếu tính thêm cả BHXH tự nguyện thì tổng số người tham gia BHXH là 17,5 triệu người, chiếm hơn 38% lực lượng lao động.

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 6

Theo bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc kiêm Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHXH hiện nay là quá thấp so với mục tiêu đạt 60% vào năm 2030 của Việt Nam.

Tỷ lệ bao phủ BHXH thấp cùng với tiến trình già hóa dân số nhanh sẽ đẩy mạnh nguy cơ mất an ninh an sinh xã hội. Bởi số lượng người già không được hưởng chế độ hưu trí (do không tham gia BHXH) càng lớn thì gánh nặng trợ cấp xã hội của ngân sách nhà nước sẽ càng lớn.

TS Trịnh Thu Nga đề xuất phải mở rộng ngay những nhóm có nhu cầu và có khả năng tham gia BHXH bắt buộc để tăng độ bao phủ BHXH. Thậm chí, bà đề xuất nghiên cứu quy định mở rộng thêm cả nhóm người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (freelancer, blogger - những người sáng tạo nội dung tự do…).

Đồng thời, TS Nga cũng đề nghị phải nghiên cứu, tính toán về mức đóng BHXH bảo đảm hợp lý, tương xứng với từng nhóm người mà dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất tham gia BHXH bắt buộc. Bởi các nhóm trên có những đặc điểm khác với những nhóm đang tham gia BHXH, khó xác định tiền lương hằng tháng để làm căn cứ đóng BHXH…

15 năm chạy đua để thêm hàng triệu người có lương hưu - 7

Ông Carlos Andre da Silva Gama Nogueira, chuyên gia Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, việc mở rộng diện bao phủ hệ thống BHXH bắt buộc là vấn đề đầu tiên mà ILO khuyến nghị Việt Nam phải làm khi sửa luật.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Tùng Nguyên - Hải Long - Ip Thiên