Cảnh báo bất bình đẳng giới gia tăng vì đại dịch Covid-19

Trí Thành

(Dân trí) - Hai năm qua, dịch Covid-19 khiến tình trạng bất bình đẳng giới gia tăng và phụ nữ, trẻ em phải chịu nhiều bất lợi. Thế giới sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới.

Sáng 12/11, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH chủ trì và phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021.

Với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái", Tháng hành động năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang phải phòng chống đại dịch Covid-19 và khắc phục những hậu quả nặng nề mà nó gây ra.

Lễ phát động diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Kidong Park - Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO); ông Lê Khánh Lương - Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH; bà Gaelle Demolis, Quyền trưởng đại diện cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Việt Nam cùng đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và đại diện ngành LĐ-TB&XH của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Tiến trình bình đẳng giới bị đẩy lùi vì Covid-19

Cảnh báo bất bình đẳng giới gia tăng vì đại dịch Covid-19 - 1
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan khẳng định hành động để đẩy lùi bất bình đẳng giới. Ảnh: Tống Giáp

Theo báo cáo, nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có phụ nữ và trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch Covid-19. Áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng, khoảng cách giới trên một số lĩnh vực ngày càng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến các thành tựu về công tác bình đẳng giới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới…

Hai năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã khiến cho bất bình đẳng gia tăng, theo đó, phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng phải chịu nhiều bất lợi hơn. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, thế giới sẽ mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do Covid-19.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 được ban hành trong thời gian qua, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm Covid-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do Covid-19... Những chính sách hỗ trợ này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.

Hành động để thúc đẩy bình đẳng giới

Tháng hành động năm nay sẽ diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2021, một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Lễ phát động Tháng hành động năm 2021 kêu gọi tất cả các bên liên quan và người dân hưởng ứng và triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới.

Cảnh báo bất bình đẳng giới gia tăng vì đại dịch Covid-19 - 2
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Lễ phát động. Ảnh: Tống Giáp

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. "Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái", bà Hà nói.

Đồng quan điểm với bà Hà, bà Hoàng Tú Anh - Chủ tịch mạng lưới Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới GBVNet tại Việt Nam, cho biết, cần phải có chương trình tiếp cận tới cả nam giới, thay vì chỉ có phụ nữ và trẻ em gái. Trong chiến lược dài hạn, cần phải có các chương trình giáo dục về bình đẳng giới đưa vào giảng dạy trong trường học cho trẻ em.

Theo ông Kidong Park - Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, đã đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới.

Ông Kidong Park đề xuất, ngoài việc thay đổi các chuẩn mực xã hội thông qua việc xây dựng văn hóa tôn trọng, bình đẳng đối với tất cả các giới không chỉ tại nhà, nơi làm việc, trường học, trên môi trường trực tuyến, cần xây dựng các luật, chính sách toàn diện; các chương trình thay đổi các quan niệm xã hội mang tính dài hạn và dựa trên cơ sở bằng chứng; xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực giới đối với các nhóm khác nhau.

"Bên cạnh đó cần có các dịch vụ thiết yếu có nhạy cảm giới, đáng tin cậy, giá cả phải chăng cho người bị bạo lực", ông Kidong Park nhấn mạnh và cho biết Liên hợp quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Sau Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2021 sẽ có hàng ngàn hoạt động hưởng ứng được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên cả nước với các quy mô khác nhau thu hút sự tham gia của hàng triệu người dân trên khắp cả nước.

Qua 5 năm triển khai (2016-2020), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của Tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan Trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.