Công nhân 10 năm chưa về quê: "Tết có bố mẹ sẽ vui hơn"

Phạm Diện

(Dân trí) - Do không có điều kiện, không ít công nhân sống tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi (Bình Dương) đành đón Tết xa nhà.

Đi vào hoạt động từ năm 2015, khu nhà ở xã hội Hòa Lợi có trên 5.000 căn hộ với diện tích từ 30-60m2/căn, đây là chung cư dành cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Hầu hết, những hộ dân đang sống ở đây là công nhân, người lao động làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy trong các khu công nghiệp ở TP Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát (Bình Dương).

Công nhân 10 năm chưa về quê: Tết có bố mẹ sẽ vui hơn - 1

Người lao động cùng nhau sơn sửa lại căn hộ để chuẩn bị đón Tết tại nhà ở xã hội (Ảnh: Phạm Diện).

Nhiều người đã mua được căn hộ với giá 100-150 triệu đồng/căn, một số khác thì vẫn đang phải thuê lại căn hộ với giá 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí những ngày cuối năm, nhiều cư dân sống tại khu nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đang tất bật dọn dẹp, tu sửa lại tổ ấm của gia đình để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Mỗi người một tay, họ cùng nhau sơn lại bức tường đã đổi màu, chà thật sạch các vết ố ở hành lang. Không chỉ đàn ông, những phụ nữ sống tại đây cũng làm việc thuần thục như những người thợ xây. Nhờ vậy, nỗi buồn xa quê của những lao động tha phương cũng vơi đi ít nhiều. 

Theo các cư dân, dù đón Tết xa nhà nhưng lễ cúng Giao thừa vẫn được các gia đình chuẩn bị như ở quê.

Công nhân 10 năm chưa về quê: Tết có bố mẹ sẽ vui hơn - 2

Chị Tuyết cùng chị Xuân đang sơn sửa lại bức tường của khu nhà ở xã hội Hòa Lợi (Ảnh: Phạm Diện).

Chị Lê Thị Xuân (42 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, do kinh tế eo hẹp, một mình chị nuôi con nhỏ nên 10 năm qua chị chưa được về quê đón Tết cùng gia đình.

"Tôi làm công nhân cho một công ty giày da, 10 năm rồi tôi chưa được về quê đón Tết, dự định năm nay sẽ về quê nhưng đành gác lại. Hè năm sau tôi sẽ cố gắng cho con về thăm gia đình mấy ngày", chị Xuân chia sẻ.

Theo chị Xuân, đón Tết ở quê sẽ vui hơn vì có bố mẹ, người thân nhưng không có điều kiện nên đành chịu.

"Cả năm công ty không có tăng ca nên chi tiêu cho hai mẹ con cũng phải tiết kiệm tối đa. Về quê dịp Tết sẽ tốn kém lắm nên tôi đành phải ở lại", chị Xuân nói.

Công nhân 10 năm chưa về quê: Tết có bố mẹ sẽ vui hơn - 3

Một trong những gian hàng bày bán hoa phục vụ Tết cho bà con sống tại chung cư (Ảnh: Phạm Diện).

Chị Lý (35 tuổi, quê huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết, chị ở nhà làm nội trợ, chăm 3 con, chồng đi làm công nhân nhà máy giấy. Năm nay, do ảnh hưởng của kinh tế nên công việc của chồng chị cũng bấp bênh.

"Cuộc sống cũng khó khăn lắm nhưng liệu cơm gắp mắm. Đảo Lý Sơn xa lắm, từ khi bùng phát dịch đến giờ tôi và gia đình chưa về quê đón Tết. Năm nay sẽ tiếp tục đón Tết tại căn nhà nhỏ này", chị Lý nói.

Theo chị Lý, gia đình chị có 5 người nên nếu về quê đón Tết sẽ rất tốn kém. Chị hy vọng năm 2024 kinh tế sẽ ổn định để có thể đưa 3 người con về thăm ông bà, thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên vào thời khắc Giao thừa. 

Hơn 302 tỷ đồng chăm lo Tết cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động
Theo Liên đoàn Lao động Bình Dương, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, dự kiến có khoảng 800.000 đoàn viên công đoàn, công nhân lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền trên 302 tỷ đồng.

Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương và các huyện thị, thành phố dự kiến chi hỗ trợ cho 44.400 lao động với tổng số tiền lên đến hơn 44 tỷ đồng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động Bình Dương hỗ trợ 1.450 vé tàu hỏa cho các đoàn viên, người lao động đến ga Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội.

Hỗ trợ 3.500 vé xe cho đoàn viên công đoàn, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về quê đón Tết.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp cùng với các cấp trong tỉnh tặng quà, đồng thời thực hiện nhiều chương trình khác phục vụ cho công nhân, người lao động dịp Tết.