Huyện Hòa Bình: Phát huy sức mạnh tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) xác định phát triển chính quyền điện tử là rất quan trọng, góp phần vào hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của huyện.

Lập nhiều tổ công nghệ số cộng đồng

Từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Hòa Bình đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, quy định liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số thuộc nhiều lĩnh vực quản lý như: Thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số huyện Hòa Bình; kế hoạch chuyển đổi số từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; thành lập Tổ công tác triển khai đề án phát triển dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030;…

UBND huyện Hòa Bình đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh Bạc Liêu về chương trình chuyển đổi số, góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số.

Huyện xác định tầm quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Huyện Hòa Bình: Phát huy sức mạnh tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số - 1
Công an huyện Hòa Bình hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số (Ảnh: HB).

UBND huyện đã thành lập 76 Tổ công nghệ số cộng đồng với 542 thành viên. Trong đó, có 1 tổ cấp huyện với 7 thành viên; 8 tổ cấp xã, thị trấn với 77 thành viên; 68 tổ ở ấp với 458 thành viên (đạt tỷ lệ 100%).

Bí thư chi bộ là tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ trưởng dân phố là tổ phó, các thành viên là Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ và Bí thư chi đoàn thanh niên.

Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến,… góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của huyện nhà.

Tiếp tục phát huy tổ công nghệ số cộng đồng

Do mới thành lập, hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức của người dân về chuyển đổi số chưa cao; một số thành viên trong tổ chưa nắm rõ và thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; cơ sở vật chất thực hiện chuyển đổi số chưa đồng bộ, các công cụ liên quan như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân; kinh phí để các tổ công nghệ số hoạt động hầu như không có.

Huyện Hòa Bình: Phát huy sức mạnh tổ công nghệ số cộng đồng trong chuyển đổi số - 2
Học sinh tham gia chuyển đổi số với sự hướng dẫn của lực lượng chức năng huyện Hòa Bình (Ảnh: HB).

Trong năm 2023, UBND huyện Hòa Bình đã ban hành kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức chuyển đổi số và đào tạo phương thức nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công; thanh toán phí, lệ phí điện tử; tra cứu cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư cho cán bộ, công chức, viên chức và Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện.

Đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Bạc Liêu tổ chức tập huấn về chuyển đổi số bằng hình thức trực tiếp cho cán bộ, công chức, viên chức, tổ công nghệ số cộng đồng. Cụ thể, có 1 lớp dành cho lãnh đạo các đơn vị với hơn 160 cán bộ tham dự; 15 lớp dành cho công chức, viên chức, Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 400 công chức, viên chức tham gia.

Chuyển đổi số có thể giúp xóa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn. Nhờ có chuyển đổi số, chính quyền cấp xã gần người dân hơn, góp phần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, để kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm, phản ánh. 

Công tác chuyển đổi số là một nội dung liên tục không có điểm kết thúc, do đó nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng là liên tục học hỏi để kịp thời triển khai tới nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các tiện ích số phục vụ người dân để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.