Bình Dương:

Người lao động gác nỗi nhớ nhà để đón Tết nơi đất khách

Trung Kiên

(Dân trí) - Dù nhớ nhà da diết nhưng vì dịch bệnh Covid-19, hàng trăm nghìn lao động tại Bình Dương đành phải đón Tết xa quê.

Người lao động gác nỗi nhớ nhà để đón Tết nơi đất khách - 1

Đến nay, có khoảng 500.000 công nhân lao động ở lại Bình Dương ăn Tết, trong đó đa số người lao động ở trọ, đời sống còn khó khăn.

Chia sẻ về việc không về quê ăn Tết, chị Nguyễn Thị Liên (quê Hà Nội, công nhân tại Bình Dương) cho biết: "Công đoàn công ty vận động công nhân không về quê để ngăn ngừa rủi ro dịch bệnh chứ chẳng ai cấm cả. Ở đây đang có dịch, tôi đã quyết định năm nay không về quê ăn Tết. Trong hoàn cảnh này, ai ở đâu cứ ở yên chỗ đó là cách tốt nhất để phòng dịch, bảo vệ bản thân và gia đình".

Người lao động gác nỗi nhớ nhà để đón Tết nơi đất khách - 2

Chị Lê Thị Diệp (công nhân may) tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn lại nghe tin dịch bệnh bùng phát nhiều nơi, tôi thật sự rất buồn. Phải ở lại Bình Dương ăn Tết, tôi rất nhớ nhà. Mấy năm chưa về quê, tôi đang định về quê thì có dịch".

Thu nhập eo hẹp khiến vợ chồng anh Bùi Văn Biện (34 tuổi, quê Hòa Bình) làm việc ở Bình Dương nhiều năm không thể về quê. Đã vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng khiến giờ làm bị cắt bớt, thu nhập giảm sút nên năm nay vợ chồng anh lại lỗi hẹn đưa con cháu về quê ăn Tết cùng ông bà.

Cũng gặp khó do Covid-19, gia đình chị Hương (quê Thanh Hóa) cùng chồng vào Bình Dương làm công nhân được hơn 4 năm. Do kinh tế chưa ổn định nên mấy năm trước vợ chồng chị không thể về quê, năm nay tích cóp đủ điều kiện thì dịch bệnh xảy ra.

"Tưởng Tết năm được về với gia đình, thăm các con nhưng lại lỗi hẹn. Buồn là vậy, nhưng em vẫn mong muốn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người. Tết ở đây chắc cũng đơn giản như ngày thường thôi, chúng em ở trọ nên cũng không sắm sửa gì", chị Hương trải lòng.

Người lao động gác nỗi nhớ nhà để đón Tết nơi đất khách - 3

Nhiều công nhân lao động làm việc tại Bình Dương "hy sinh" Tết năm nay để đón những Tết sau an lành, hạnh phúc.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Bình (29 tuổi, quê Hà Tĩnh, công nhân tại Bình Dương) là một trong số những cặp vợ chồng đã mua vé xe nhưng phải ở lại Bình Dương. Do ở gần trường Đại học Thủ Dầu Một, nơi ở di chuyển của ca bệnh 1843 nên cũng bị phong tỏa.

"Vợ chồng đang đi làm với hy vọng sớm về quê ăn Tết thăm con, nhưng dịch bệnh ập đến bất ngờ, nhà trọ bị cách ly đột ngột, hai vợ chồng phải ở lại, mấy ngày Tết chắc nhớ con lắm. Đành phải chờ 1 năm nữa mới về thăm con được. Ở lại thì ăn Tết đơn giản thôi, cũng không có ai qua lại cả, chỉ mong sao dịch bệnh nhanh hết", chị Bình tâm sự.

Trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân mỗi dịp Tết đến xuân về, không ít công nhân, người lao động xã quê đã bật khóc trước câu hỏi "Tết có về quê không?".

Người lao động gác nỗi nhớ nhà để đón Tết nơi đất khách - 4

Nhiều công nhân, lao động làm việc tại Bình Dương tâm tư dịp Tết đến xuân về mà không thể về sum họp với gia đình.

Theo bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, ngoài hơn 14.000 phần quà của UBND tỉnh dành cho người lao động thông qua tổ chức công đoàn, đơn vị này đã vận động thêm các doanh nghiệp hỗ trợ để chăm lo Tết cho người lao động ở lại địa phương ăn Tết.

Những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn không được về quê trên "Chuyến xe Xuân nghĩa tình" được hỗ trợ 500.000 đồng/người.

Liên quan tới tình hình công nhân đón Tết, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết: "UBND tỉnh đã đề nghị phía Liên đoàn lao động vận động công nhân không về quê. Địa phương đang vận động doanh nghiệp, chủ nhà trọ hỗ trợ công nhân ở lại, đồng thời cân đối ngân sách để hỗ trợ trên tinh thần không để ai không có Tết".

Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, gần 1,2 triệu lao động đang làm việc trê địa bàn tỉnh, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 80%. Ban đầu dự tính chỉ khoảng 250.000 công nhân, lao động không về quê. Tuy nhiên, ngày 30 - 31/1, địa phương này xuất hiện 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Từ đó, ngoài việc hủy tổ chức "Chuyến xe Xuân nghĩa tình" cho công nhân lao động, Bình Dương còn vận động họ ở lại đón Tết nơi đất khách.

Đến nay, có khoảng 500.000 công nhân lao động ở lại Bình Dương ăn Tết, trong đó đa số người lao động ở trọ, đời sống còn khó khăn. Nhiều người gần chục năm chưa được về quê, năm nay dù đã mua vé xe, vé tàu nhưng vẫn quyết định trả vé, cùng ở lại để chung tay phòng, chống dịch bệnh.