Bạn đọc viết:

Chuyện buồn vui của sinh viên đi làm thêm

(Dân trí) - Trong thời kỳ giá cả leo thang không phải ai cũng được gia đình chu cấp đầy đủ, mà nhiều bạn phải chạy vạy tìm kiếm việc làm thêm. Trong đó có nhiều câu chuyện thật vui, nhưng cũng không ít trường hợp phải cười ra nước mắt…

Chuyện buồn vui của sinh viên đi làm thêm - 1
Sinh viên đi làm thêm nghề "chân dài"
 không tránh khỏi bị ảnh hưởng đến học tập
 
Sinh viên đi làm thêm với nhiều mục đích khác nhau, như để lấp bớt quỹ thời gian trống rỗng, có bạn thì muốn đi làm để được trải nghiệm cuộc sống hơn, nhưng đa phần là vì hoàn cảnh khó khăn các bạn muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình lo việc học hành.

Có nhiều niềm vui

Trong cơn quay cuồng của giá cả, từ sự tăng nhanh chóng mặt của các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả cho đến giá tiền điện, tiền phòng trọ…khiến cho cuộc sống của sinh viên bị chao đảo theo đồng tiền. Để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình họ chỉ còn cách là kiếm thêm việc làm ở các hàng quán hàng, làm gia sư, hoặc bất cứ một công việc gì mà có thể tạo ra thu nhập.

Không phải ai đi tìm việc và cũng có việc làm tốt, tuy nhiên có nhiều bạn thật may vì đã tìm “trúng tủ” được những công việc hợp với thời gian và có thu nhập ổn định. Trong những trường hợp ấy phải kể đến bạn Lê Thị Kiều sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Luật Hà Nội, bạn tâm sự “tôi thật may vì tìm được công việc hợp lý, đi bán hàng tạp hoá thời gian từ 18h chiều đến 21h30 đêm, thu nhập được hơn 1triệu/tháng”. Làm việc với thời gian ngoài giờ học luôn là điều các bạn sinh viên muốn, với bạn Kiều đó quả là một thời gian hợp lý cho mỗi bạn sinh viên. Bạn chia sẻ thêm “mình thấy thời gian đó hợp lý nhất, vừa bán hàng mình vừa có thể đọc sách, phụ giúp được gia đình một nửa mình rất vui”.

Cũng như bạn Kiều, gặp bạn Lê Thị Thu Trang sinh viên năm thứ hai của trường Học viện báo chí và Tuyên truyền với khuôn mặt hứng khởi bạn chia sẻ: “mình mới đi làm thu ngân được ba tháng ở nhà hàng, mình làm ca đêm từ 18h – 22h, thu nhập trên 2triệu/ tháng, nói chung ít khi mình cần xin tiền bố mẹ”. Cũng có những bạn sinh viên năng nổ tự nuôi sống được bản thân mình, như Kiều Trang chẳng hạn ngoài giờ học chính một buổi trên lớp và một buổi ở nhà tự học, làm bài tập tối lại bạn có thể đi làm và có thu nhập ổn định. Nhưng trong tương lai Trang tâm sự “có lẽ mình cũng chỉ làm vài tháng nữa, còn để thời gian đi viết bài thực hành nghề nữa chứ…”

Đối với tâm tư của mỗi bạn sinh viên, nhất là sinh viên ở các tỉnh lẻ gia đình còn khó khăn, đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp gia đình luôn là điều ẩn chứa trong thâm tâm của mỗi người. Như bạn Liêm sinh viên năm thứ ba ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân hay bạn Trang ở trường Đại học  Sư phạm, các bạn tâm sự: “Mình xuất thân từ một gia đình nghèo khó, đi học phải cố gắng đi làm gia sư để kiếm thêm được đồng nào đóng tiền học phí hay trả tiền phòng trọ, tiền mua thức ăn, chứ cái gì cũng đợi ở gia đình thì chẳng bao giờ đủ cả”.

Và cả những nỗi buồn

Trên thực tế hiện nay có nhan nhản những tờ rơi để quảng bá những trung tâm tìm kiếm giới thiệu việc làm thêm cho sinh viên, cũng có những loại hình tuyển đi làm trực tiếp và đã không ít những bạn sinh viên bị mắc bẫy việc làm thì chẳng được mà lại mất thêm tiền.

Đi dọc theo khắp các tuyến đường ở Hà Nội đâu đâu chúng ta cũng thấy các tờ rơi tuyển gấp sinh viên đi làm thêm thu nhập cao, nhưng đa phần số đó là tuyển các em sinh viên 9x, sinh viên năm thứ nhất. Có lẽ nhằm để lợi dụng sự ngây thơ, bỡ ngỡ khi mới lên thành phố của các bạn sinh viên, đánh vào tâm lý muốn có việc làm thêm của các bạn để thực hiện các hành vi lửa đảo.

Và trên thực tế đã có nhiều bạn sinh viên mắc phải những cạm bẫy ấy. Gặp lại bạn Bùi Thị Thành và Ngô Thị Cảnh trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với vẻ mặt buồn rượi, bạn chia sẻ: “Chúng tôi thấy ngoài cổng trưưòng có tờ rơi bảo đi phát sản phẩm mẫu, làm theo ca mỗi ca khoảng 2 tiếng thu nhập lại cao những 250nghìn/ca nên hai đứa rủ nhau đi đến trung tâm để liên hệ làm việc, ngờ đâu thực ra mình đã bị lừa…”.

Đúng vậy, không phải tìm kiếm việc làm thì bạn nào cũng được may mắn. Khi đến trung tâm ở đường Trường Chinh, ban đầu các bạn phải đóng 80 nghìn đồng tiền lệ phí, sau đó phải đóng thêm 250 nghìn đồng nếu muốn đi làm luôn. Nhưng khi đóng xong ở trung tâm lại bảo các bạn phải đợi khi nào có việc làm thì họ sẽ gọi. Biết mình đã bị lừa, không biết kêu ai hai bạn đành lặng lẽ ra về với một công việc là bị mất tiền.

Cảnh chia sẻ “các bạn sinh viên đừng nên hấp tấp thấy lợi ích lớn quá mà vội tìm trung tâm việc làm đăng ký, phải tìm hiểu kỹ không lại bị mắc lừa như bọn mình thì khổ”.

Thực trạng trên đã tồn tại và hiện nay vẫn đang hoạt động nhiều nhưng chưa thấy cơ quan chức năng giải quyết nặng tay một trường hợp nào. Bạn Thành tâm sự thêm: “Không biết tại sao các trung tâm đấy hoạt động công khai như vậy mà vẫn không bị dẹp bỏ. Nếu tình trạng này cứ diễn ra chắc chắn còn nhiều bạn sinh viên sẽ tiếp tục “dính” bẫy của các trò lừa đảo trên”.

Văn Kiệm
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)