Dự án Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam, xin đừng vội vã!

Thời gian gần đây, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh dự án “Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam” (tức TT Nghiên cứu, bảo tồn di sản Tiến sĩ VN) của Công ty Medlatec do PGS.TS Nguyễn Văn Huy làm GĐ chuyên môn và GS.VS Phạm Minh Hạc làm Chủ tịch hội đồng cố vấn dự án.

Mặc dù dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn, song dự án đã được xúc tiến triển khai. Đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng đối với nền văn hóa, khoa học của đất nước, thiết nghĩ cần được cân nhắn hết sức cẩn thận trước khi triển khai.         

Còn đó những ngổn ngang và những ý kiến “bàn ra”

Trước hết xin nói sơ qua vài nét về quy mô, mục đích của dự án: đây là một dự án có chức năng nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, ký ức, tư liệu và hiện vật cá nhân của các tiến sĩ, các nhà khoa học. Trung tâm cũng đồng thời đóng vai trò như một bảo tàng trưng bày về cuộc đời cùng những đóng góp, những công trình lao động khoa học của các nhà khoa học Việt Nam.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Quy hoạch công viên Văn Miếu đương đại sẽ gồm các khu tưởng niệm, mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, các tiến sĩ thời cận hiện đại. Công viên Văn Miếu hiện đại với diện tích 20 ha tọa lạc tại xóm Tiếng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Công viên Văn Miếu đương đại sẽ là một công viên để lưu danh, một thư viện để lưu trữ tài liệu, một bảo tàng lưu giữ hiện vật, là khu du lịch danh nhân, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, là nơi nghiên cứu làm việc, viết luận án kết hợp với nghỉ ngơi. 

Đọc những thông tin trên, hẳn ai cũng thấy dự án hướng đến những mục tiêu rộng lớn và tốt đẹp, lại là một dự án của công ty tư nhân, nhà nước không phải mất kinh phí. Thế nhưng, dư luận vẫn băn khoăn, phản đối nhiều hơn là đồng thuận, ủng hộ.

Ngay sau khi biết được thông tin, GS. Trần Hữu Dũng, một trí thức Việt kiều rất tâm huyết với những vấn đề kinh tế-xã hội-văn hóa của đất nước đã lập tức “phản biện”: “Theo tôi, vinh danh những vị tiền bối đã có nhiều đóng góp về học thuật, văn hóa, giáo dục cho nước nhà (và nếu cho thế giới nữa thì càng xứng đáng) là rất nên làm. Nhưng tại sao lại gọi đó là “trung tâm tiến sĩ”? Đâu phải tiến sĩ nào cũng đáng tôn vinh? Mà đâu phải những người đáng vinh danh như thế đều là tiến sĩ? Cũng xin kiến nghị: chỉ tôn vinh những người đã quá vãng. Rất ít người hiện sống đáng được tôn vinh, và những người thực sự đáng tôn vinh thì thường rất khiêm nhường, không muốn được tôn vinh!”. 

Nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức rất thẳng thắn và tâm huyết cũng có bài viết trên Tạp chí Tia sáng, mà chỉ đọc nhan đề cũng đã thấy được nội dung của bài viết “Xin can”. Nhà văn đã chỉ ra cái hạn chế trong tên gọi, tiêu chí của Trung tâm Tiến sĩ là nếu đúng như tên gọi thì chỉ quan tâm đến những người có học vị tiến sĩ, nhưng có rất nhiều nhà khoa học, trí thức lớn, có nhiều đóng góp cho đất nước không có bằng tiến sĩ như Tạ Quang Bửu chẳng hạn, chẳng lẽ không được vinh danh?

Hình như đã nhận ra hạn chế này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói rằng trung tâm sẽ bảo tồn các di sản và vinh danh các nhà khoa học (nghĩa là có thể không có học vị tiến sĩ) như GS Từ Chi, GS Đặng Văn Ngữ, GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đức Thảo…     

Đây là điều mâu thuẫn, bởi vì trái với tên gọi của trung tâm, vậy sẽ có nhiều nhà khoa học (hay gia đình của họ) có đóng góp lớn cho đất nước nhưng không có bằng tiến sĩ sẽ vì lòng tự trọng mà không hợp tác với Trung tâm. Vì vậy, nên đổi tên Trung tâm thành “Bảo tàng danh nhân khoa học Việt Nam” chẳng hạn, sẽ hợp lý hơn. Đây là nỗi băn khoăn của nhiều người, và đã có nhiều ý kiến đề xuất như vậy.

Vị trí của Trung tâm ở tỉnh Hòa Bình, xa thủ đô 90 km theo nhiều ý kiến cũng không hợp lý. Một trung tâm được xây dựng với phương châm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” hệ trọng đáng lẽ ra phải được xây dựng ở Hà Nội hay một trung tâm văn hóa nào đó, chứ sao lại ở vùng xa như vậy? Liệu rồi vị trí địa lý ấy có trở thành nguyên nhân ít thu hút được sự quan tâm của người dân hay gây khó khăn cho người muốn tham quan? Có lẽ vì Hà Nội không đủ quỹ đất, hay còn có lí do nào khác. Vấn đề này cũng nên cân nhắc.

GS. Phạm Minh Hạc phát biểu: “Chúng ta chỉ tạm ước tính có khoảng 16.000 tiến sĩ nhưng họ là những ai, trở thành tiến sĩ bằng con đường nào, cống hiến của họ đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ra sao thì không có tài liệu nào lưu giữ.” (Báo Dân trí ngày 7/10/2008)  

16.000 nghìn tiến sĩ là một con số rất lớn, (chưa kể những người đã, đang và sẽ bảo vệ luận án) việc sưu tầm các tư liệu liên quan đến họ sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí có thể không bao giờ hoàn thành, ngay cả việc dựng bia cũng là một vấn đề nan giải. Nếu dựng mỗi người một bia thì sẽ rất tốn kém cả về kinh phí lẫn diện tích đất. Nếu làm bia chung thì sẽ làm ra sao, ai viết dòng trên, ai viết dòng dưới, theo tuổi tác ư, hay theo năm bảo vệ, hay theo mức độ cống hiến…? Rồi sắp xếp vị trí các bia ra sao? Bia nào trước, bia nào sau, bia nào “mặt tiền”, bia nào “dãy 2, dãy 3”…? Đấy là câu chuyện không đơn giản chút nào.

Vì thấy số lượng tiến sĩ quá lớn, trong đó có nhiều “tiến sĩ giấy”, Trung tâm có ý định xây dựng tiêu chí để tuyển chọn, nhưng tiêu chí như thế nào thì chưa hình thành được (và có lẽ không bao giờ xây dựng được), thế mà dự án đã đi vào triển khai, đã được cấp giấy phép. 

Lạ nhất là ý tưởng sưu tầm tư liệu về vấn đề các nhà khoa học đã  “trở thành tiến sĩ bằng con đường nào”. Theo chúng tôi biết, con đường trở thành tiến sĩ của một số người đúng là rất ly kì, đã trở thành những giai thoại có tính giáo dục cao, rất đáng sưu tầm, lưu danh, song chỉ là cá biệt, đại đa số con đường trở thành tiến sĩ của các nhà khoa học Việt Nam cũng bình thường, không có gì đáng để nói (ý chúng tôi muốn nói là không có biến cố, giai thoại gì đặc biệt cả), vậy thì sưu tầm để làm gì? Đó là chưa nói “con đường trở thành tiến sĩ” của không ít vị có nhiều chuyện “tế nhị” lắm, mà có lẽ có thuê vàng hay tra khảo, các vị cũng không nói ra đâu. 

Chúng tôi chắc chắn rằng sẽ có hiện tượng sau đây xẩy ra: sẽ có nhiều vị tiến sĩ chỉ gửi bảo sao cái bằng (bằng thật-có công chứng) để được khắc tên vào bia đá có con rùa đội chứ không gửi hồ sơ khoa học hay luận án gì đến cả, vì “ngượng lắm” hoặc có vị sẽ tự biết mình không xứng đáng nên không tham gia. Và ngược lại, sẽ có những tiến sĩ, nhà khoa học chân chính sẽ bất hợp tác, đơn giản chỉ vì họ khiêm nhường, không thích danh vọng, tôn vinh ồn ào; hoặc gay gắt hơn, họ không chấp nhận đứng tên chung với các “tiến sĩ giấy”.

Chúng tôi xin kể một câu chuyện để so sánh: cách đây mấy năm, có một cựu chiến binh là chỗ quen biết với chúng tôi kiên quyết không viết hồ sơ để làm chế độ thương binh, bởi vì ông không muốn mang tiếng là “thương binh chạy”, mặc dù bản thân có đi chiến đấu, có bị thương thực sự. 

Một ý tưởng của dự án cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên là xây dựng Trung tâm Tiến sĩ thành “nơi nghiên cứu làm việc, viết luận án kết hợp với nghỉ ngơi”. Nơi nghỉ ngơi thì tạm được, nhưng nghiên cứu, viết luận án thì rất khôi hài. Có lẽ chỉ những người muốn làm luận án về “Trung tâm tiến sĩ” mới về đấy để nghiên cứu, còn “viết luận án” thì sao nhỉ, chắc là nói ra cho vui, cho “đủ lệ bộ” mà thôi, bởi vì nơi viết luận án là ở nhà, ở trong phòng làm việc, thí nghiệm, chứ không phải là ở một trung tâm xa xôi nào đó. Hay là dự án có kinh phí hỗ trợ các nghiên cứu sinh viết luận án thì hay quá?

Cái khiếm khuyết lớn nhất của dự án theo nhà văn Nguyên Ngọc là đã cổ vũ cho căn bệnh hiếu danh, chuộng hư danh đang rất nặng nề trong xã hội ta, vì vậy nhà văn nêu ý kiến không nên triển khai dự án hoặc các hoạt động tương tự, dù vô tình hay hữu ý cổ vũ cho “văn hóa bằng cấp” phát triển.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, ngay cả những tiến sĩ được khắc trên bia ở Văn Miếu-Quốc tử giám cũng chỉ có một số ít người là có những đóng góp cho đất nước, được người đời nhắc đến, còn phần lớn chỉ tồn tại nơi mấy dòng trên bia mà thôi. Viết về nhà thơ Trần Tế Xương (Tú Xương), Xuân Diệu có câu “Ông Nghè ông Cống vô mây khói. Đứng lại văn chương một tú tài” nghĩa là nhiều tiến sĩ, cử nhân đều không để lại tiếng tăm gì, chỉ có một người chỉ có học vị tú tài lưu danh trong lịch sử văn chương (vì có thực tài).

Ngay cả vấn đề kinh phí cũng vậy. Những người làm dự án luôn nhấn mạnh ý là kinh phí không do nhà nước bỏ ra nhưng có nhiều ý kiến trao đổi lại rằng không nên đặt vấn đề nguồn kinh phí theo hướng ấy. Nếu quả là một án có tầm quan trọng đặc biệt đối với văn hóa, khoa học của đất nước thì nhà nước nên xuất kinh phí, đứng ra làm chủ dự án. Đành rằng nhà nước còn khó khăn nên cần đặt vấn đề tiết kiệm, song cái cần chi vẫn chi, vấn đề là có thực sự đem lại hiệu quả “đáng đồng tiền bát gạo” hay không.

Tất cả còn nhiều điều mơ hồ, còn ngổn ngang và rất nhiều những lời “bàn ra”, rất mong các vị có trách nhiệm của dự án lưu tâm, cân nhắc thận trọng trước khi quyết định. Chúng tôi tin vào cái Tâm của những người làm dự án, song hiệu quả của dự án ra sao thì cần phải bàn. Chúng tôi cho rằng, cơ hội thành công của dự án là không cao, dễ lâm vào tình cảnh “đầu voi đuôi chuột”. 

Vậy các nhà khoa học cần gì?

GS Phạm Minh Hạc cho rằng sự ra đời của Trung tâm sẽ là một việc làm “tiếp nối truyền thống hiếu học của dân tộc ta, phát huy truyền thống đó, động viên các nhà khoa học” và “Trung tâm và công viên này ra đời sẽ ủng hộ cho sự nghiệp khoa học đó, phù hợp với xu thế phát triển, tiến bộ của đất nước”. Tuy nhiên, như đã phân tích, mục tiêu đó rất khó đạt được, hoặc sẽ đạt được ở mức độ hết sức khiêm tốn. Các nhà khoa học chân chính không muốn được tôn vinh ồn ào, không cần khắc tên vào “bảng vàng bia đá” để “lưu danh thiên cổ”, họ sẽ không đến Trung tâm để viết luận án, hay để được “chăm sóc sức khỏe” (bởi lẽ đi bệnh viện ở Hà Nội sẽ thuận tiện, an toàn hơn) gì cả. Vậy họ cần gì, chúng ta hãy nghe ý kiến của các nhà khoa học.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Đối với nhà khoa học, cái quan trọng nhất là quyền tự do nghiên cứu, là môi trường làm việc, điều kiện làm việc, là sự tôn trọng, là uy tín của họ trong con mắt của các đồng nghiệp, là khả năng thăng tiến chuyên môn, là việc được chuyên ngành công nhận trong phạm vi địa phương hay quốc tế, là khả năng giao lưu với các đồng nghiệp, là cơ hội tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, là cơ hội có thể công bố kết quả nghiên cứu của mình… là có thu nhập tử tế để khỏi phải luôn lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền”, để có thể chuyên tâm vào nghiên cứu.” (Tuần Việt Nam ngày 29/9/2008).

Tác giả Hà Hải Thanh Mai trong một bài viết trên báo Lao động điện tử ngày 6/10/2008 cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để cho khoa học phát triển, bao gồm các yếu tố về cơ sở vật chất, về tinh thần cộng tác, về kinh phí và về đứng tên đề tài, so sánh với thông lệ quốc tế thì thấy chúng ta đang có nhiều khác biệt và lạc hậu rất cần được khắc phục. Tác giả nêu vấn đề mỗi năm nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học 400 triệu USD, song hiệu quả thu được rất nghèo nàn, đây là một nghịch lý cần được xem xét nghiêm túc để có giải pháp khắc phục. 

GS Hoàng Tụy trong một bài đăng trên trang web Vietsciences ngày 22/07/2008 viết: “Sau hai mươi năm đổi mới đất nước, chúng ta đã có nhiều thành tựu kinh tế nhưng đã tụt hậu xa về giáo dục và khoa học và giờ đây đang phải trả giá. Tuy cách nhìn của xã hội đối với doanh nhân đã có thay đổi nhưng quan niệm và từ đó chính sách đối với trí thức không theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, thậm chí có nhiều mặt còn thụt lùi so với thời bao cấp”. Đây là một ý kiến rất đáng lưu tâm, đề cập đến vai trò của những chính sách có tầm chiến lược vĩ mô của nhà nước đối với trí thức, với sự nghiệp khoa học giáo dục.

Vì vậy, việc tôn vinh đối với các tiến sĩ, các nhà khoa học là cần, song vấn đề cấp bách, “nước sôi lửa bỏng” hiện thời là cần có chủ trương, cơ chế, chính sách hợp lý, đồng bộ và mạnh mẽ để tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy tài năng của mình, cống hiến nhiều hơn cho đất nước, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trần Quang Đại
Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh


LTS Dân trí - Đúng như nhiều ý kiến đã đóng góp, dự án “Trung tâm Tiến sĩ Việt Nam” là một ý tưởng có thiện chí nhưng ý nghĩa nhân văn và tính hiện thực không cao. Nhiều người còn băn khoăn từ mục đích tôn vinh đến tên gọi, địa điểm và những tiêu chí tuyển chọn…

Thiết nghĩ chúng ta chưa nên làm công việc này trong khi bằng cấp ở nước ta chưa chuẩn xác, chưa theo đúng những thông lệ trên thế giới cũng như chưa được đánh giá tương đương với bằng cấp cùng loại của nước ngoài. Hơn nữa trên thực tế, không ít tiễn sĩ ở trong tình trạng “hữu danh vô thực”, không có thực chất về trình độ trí tuệ cũng như chẳng có đóng góp gì đáng kể ngay trong lĩnh vực chuyên môn của mình chứ chưa nói đến cống hiến cho xã hội.

Với thiện trí nói trên, chúng tôi nghĩ rằng nên tôn vinh trước hết những người trí thức Việt Nam (kể cả Kiều bào ở nước ngoài) có những cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, văn học… Đấy là những gương mặt sáng giá cho niềm tự hào của dân tộc, để lại cho nhân dân mình, đất nước mình những công trình để đời và được cộng đồng quốc tế thừa nhận.