Góc nhìn pháp lý trong việc nhóm "Bông hồng đen" tự ý lấy máu học sinh

Khả Vân

(Dân trí) - "Mọi hoạt động liên quan đến trẻ em đều cần sự cho phép của cha mẹ bởi nhận thức của trẻ em chưa đủ để quyết định. Cho dù "tự nguyện" nhưng với trẻ em là "gia đình tự nguyện".

Những ngày qua, thông tin về nhóm "Bông hồng đen" tự ý lấy máu học sinh ở thành phố Hải Phòng đang gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. 

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả Vuhung cho biết: "Tôi là bác sỹ, chuyên làm cho các tổ chức phi chính phủ kiểu như các tổ chức này. Mọi hoạt động muốn được triển khai phải nằm trong khuôn khổ một dự án đã được UBND phê duyệt trước khi triển khai.

Trong đó, mọi hoạt động liên quan đến trẻ em đều cần sự cho phép của cha mẹ bởi vì nhận thức của trẻ em chưa đủ để quyết định. Cho dù "tự nguyện" nhưng với trẻ em là "gia đình tự nguyện". Rõ ràng trong sự việc này, bố mẹ các em đều phản đối. Cần phải điều tra rõ hơn nữa và siết chặt quản lý các đối tượng này".

Góc nhìn pháp lý trong việc nhóm Bông hồng đen tự ý lấy máu học sinh - 1

Bà Đ.T.U., đại diện nhóm "Bông hồng đen" (Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp).

Bạn đọc Nguyễn An đặt một loạt câu hỏi: "Đề nghị làm rõ mục đích của nhóm này, kêu học sinh tới lấy máu, lại lấy dấu vân tay? Giải thích bao biện thiếu thuyết phục. Nếu chỉ là hỗ trợ tiền đi lại cho những người bị lấy máu, thì sao lại bồi dưỡng 25.000 cho những người giới thiệu được người khác nữa?"

Nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc tự nguyện xét nghiệm HIV/AIDS là một hành động được nhà nước và pháp luật khuyến khích, góp phần vào công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định cụ thể về các điều kiện đảm bảo cho công tác xét nghiệm HIV/AIDS được đảm bảo cho từng đối tượng, độ tuổi và năng lực hành vi dân sự.

Theo đó, căn cứ tại khoản 1, 2 Điều 27 Luật phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, sửa đổi năm 2020, người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV. Còn đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.

Góc nhìn pháp lý trong việc nhóm Bông hồng đen tự ý lấy máu học sinh - 2

Cơ quan công an tiếp nhận thông tin từ phụ huynh (Ảnh: Vietnamnet).

Vậy nên, nếu tiến hành xét nghiệm HIV/AIDS cho các em học sinh dưới 15 tuổi thì bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của bố mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của các em. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu nhận được, nhóm "Bông hồng đen" đã tổ chức tuyên truyền và lấy mẫu máu xét nghiệm của học sinh trường THCS ở phường Hải Sơn mà không thông qua phụ huynh, nhà trường và chính quyền địa phương. 

Đây là hành vi Bắt buộc xét nghiệm HIV khi không thuộc trường hợp bắt buộc xét nghiệm theo quy định pháp luật (Điều 28 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, sửa đổi 2020) và là hành vi bị cấm theo khoản 7 Điều 8 Luật này.

"Đối với hành vi "bắt buộc xét nghiệm HIV đối với đối tượng không thuộc đối tượng giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và xét nghiệm HIV bắt buộc theo quy định của pháp luật" của nhóm "Bông hồng đen" có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Trong trường hợp, nhóm đối tượng này hoạt động nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV/AIDS thì có thể bị xử lý thêm về hành vi "xét nghiệm HIV khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV" theo điểm b khoản 4 Điều 20 Nghị định này", luật sư Tiền cho biết.

Mặt khác, theo quy định tại mục 2 Hướng dẫn Quốc gia xét nghiệm HIV/AIDS Ban hành kèm theo Quyết định số 2674/QĐ - BYT ngày 27/04/2018 có quy định rõ việc xét nghiệm do những nhân viên không làm trong phòng xét nghiệm HIV/AIDS thực hiện.

Đây là hình thức xét nghiệm được thực hiện bởi nhân viên cộng đồng/y tế thôn bản/nhân viên y tế không được đào tạo chuyên ngành về xét nghiệm và không làm trong cơ sở xét nghiệm HIV/AIDS nhưng đã được tập huấn về xét nghiệm HIV/AIDS.

Như vậy đối với những nhân viên cộng đồng không làm trong cơ sở y tế, phòng xét nghiệm khi lấy mẫu xét nghiệm HIV/AIDS phải được tập huấn về xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó, nhân viên cộng đồng cần xuất trình các giấy tờ liên quan khi được yêu cầu.

Nếu cơ quan chức năng xác định những người trong nhóm "Bông hồng đen" không được tập huấn về xét nghiệm HIV/AIDS và không xuất trình các giấy tờ liên quan khi được yêu cầu thì những người này có thể bị xử lý thêm về hành vi này. 

Ngoài ra, cũng cần làm rõ các hoạt động của nhóm được triển khai theo dự án nào; nguồn gốc, chất lượng của các bộ test nhanh; tình hình triển khai xét nghiệm cho các học sinh, hình thức lấy mẫu xét nghiệm bằng mẫu máu hay mẫu dịch họng; đánh giá việc tuân thủ quy định về xét nghiệm HIV/AIDS tại cộng đồng theo hướng dẫn…

Luật sư khuyến cáo rằng, các bậc phụ huynh và nhà trường cần phải phối hợp để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về HIV/AIDS cho các con, tuyên truyền về các thông tin liên quan đến việc tiến hành kiểm tra HIV. Đồng thời, cơ quan chức năng tại các địa phương cần phải siết chặt công tác quản lý đối với hoạt động của các tổ chức thực hiện xét nghiệm HIV trên địa bàn, đảm bảo việc xét nghiệm HIV tuân thủ quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức tiến hành xét nghiệm tự nguyện HIV hoặc xét nghiệm bắt buộc HIV trái pháp luật, không đảm bảo điều kiện như đã nêu trên thì cần có biện pháp xử lý kịp thời, để đảm bảo an toàn cho người dân và tránh các trường hợp lây nhiễm HIV trong cộng đồng.