Không nên “trọng nam khinh nữ”

Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về dân số. Tỷ lệ sinh giảm cùng với các yếu tố về kinh tế, văn hóa, xã hội đã tạo ra những tiền đề cho việc lựa chọn giới tính thai nhi phát triển.

Những yếu tố này bao gồm tâm lý ưa chuộng con trai, áp lực của qui mô gia đình nhỏ, khả năng tiếp cận với các dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi và việc sử dụng các dịch vụ phá thai.

 

Nếu hoạch định chính sách dân số không phù hợp hoặc không điều chỉnh kịp thời trước tình hình mới thì sẽ dẫn đến những hệ lụy lâu dài, đặc biệt cần quan tâm xu hướng giảm sinh hiện nay và mối quan hệ của nó với tỷ số giới tính khi sinh.

 

Tỷ số giới tính khi sinh được đo bằng số bé trai trên một trăm bé gái được sinh ra. Tỷ số này được xem là bình thường khi có 103 đến 107 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, bởi vì tỷ lệ chết ở trẻ trai thường hơi cao hơn trẻ gái một chút do vậy khi đến tuổi trưởng thành, số nam và nữ sẽ cân bằng nhau.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Trong những thập kỷ vừa qua, người ta nhận thấy tỷ số giới tính khi sinh đã tăng lên tại một số quốc gia đông dân nhất trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ. Ngược lại với bức tranh ở Châu Á, tỷ số giới tính khi sinh lại có xu hướng giảm ở một số nước Tây Âu như Canada, Đan Mạch, và trong số phụ nữ da trắng ở Mỹ.

 

Những nghiên cứu trong lĩnh vực này đã cung cấp những bằng chứng và các giải pháp cho các vấn đề về dân số, y tế công, phúc lợi xã hội và những hệ lụy lâu dài của nó trong an ninh dân số quốc tế.

 

Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ số giới tính khi sinh, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng chính hiện tượng ưa chuộng con trai kết hợp với áp lực qui mô gia đình nhỏ, cùng với việc sử dụng siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi trước sinh và việc phá thai gái là các yếu tố chủ yếu dẫn đến tăng tỷ số giới tính khi sinh ở các quốc gia Châu Á.

 

Tỷ số giới tính khi sinh cao trong 30 năm qua đã để lại những hậu quả xã hội ở Ấn Độ và Trung Quốc, điển hình là sự thiếu trầm trọng số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Ví dụ, những dự báo năm 2001 cho thấy Ấn Độ thiếu khoảng 36 triệu phụ nữ. Điều này đã tạo ra những căng thẳng trong xã hội tại các quốc gia này, với một số lượng lớn nam giới trẻ tuổi không có khả năng lấy vợ hoặc không có bạn tình.

 

Điều tương tự cũng xẩy ra ở Đài Loan, Hàn Quốc đã khiến nhiều nam giới ở đây buộc phải tìm cô dâu ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hiện tượng "xuất khẩu" cô dâu ở Việt Nam gần đây đến một số quốc gia Châu Á là một trong những hệ lụy trực tiếp của hiện tượng thiếu phụ nữ, mà nguyên nhân của nó là do tăng tỷ số giới tính khi sinh ở các quốc gia này trong các thập kỷ trước. Vấn đề đáng quan ngại là đằng sau các cuộc hôn nhân xuất ngoại này là nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em, bạo hành trong gia đình và xâm hại tình dục...

 

Việt Nam trong hai thập kỷ qua đã trải qua những thay đổi nhanh chóng, tạo ra một bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội tương tự như Trung Quốc, tạo điều kiện cho tình trạng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh nếu không có các biện pháp can thiệp hữu hiệu. Tỷ số này của Việt Nam là 110 bé trai trên 100 bé gái cho năm 2006 trên phạm vi toàn quốc.

 

Mặc dù vẫn còn cần có thêm thời gian để có đầy đủ số liệu thống kê dân số, khẳng định một cách chắc chắn xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, đã có những bằng chứng ban đầu cho thấy tỷ số này cao ở một số tỉnh, đặc biệt các tỉnh miền Bắc và nhất là ở khu vực đô thị. Tỷ số giới tính khi sinh cần được giám sát chặt chẽ trong cuộc tổng điều tra dân số sắp tới sẽ được tổ chức vào năm 2009. Ngoài ra, vấn đề này cần được xem xét và đưa vào một trong những nội dung quan trọng của Luật Bình đẳng giới và các Chính sách về Dân số trong giai đoạn 2010-2020.

 

Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có bàn đến khả năng cấp học bổng cho học sinh nghèo. Việc ưu tiên cho học sinh nữ có thể được xem như là một biện pháp quan trọng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ về vấn đề này. Nếu như chúng ta đã có chính sách khuyến khích các gia đình sinh ít con, hỗ trợ cho trẻ em nghèo tới trường thì không có lý do gì những chính sách này lại không hướng lợi ích đến các trẻ em gái. Bởi vì gốc rễ của hiện tượng tăng tỷ số giới khi sinh là tâm lý thích con trai của đa số các cặp vợ chồng.

 

“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tư tưởng trọng nam khinh nữ này được xác định là yếu tố khởi phát làm gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, nó bắt nguồn từ các lý do về kinh tế, xã hội, tâm lý truyền thống. 

 

Nhu cầu có con trai được được lý giải trong văn hóa nho giáo từ xưa là để nối dõi tông đường. Con trai mang tên dòng họ, có trách nhiệm kế thừa và xây đắp truyền thống và danh dự của gia đình. Con trai sẽ trông nom chăm sóc mồ mả tổ tiên. Không có con trai được xem như là một điều bất kính với tổ tiên. Con trai là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình, nhất là các vùng nông thôn. Con trai kế thừa tài sản của gia đình và có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ lúc về già. Con cái chăm sóc cha mẹ tuổi già vẫn là hết sức quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện nay, khi mà hệ thống phúc lợi xã hội đối với người già còn chưa phát triển, nhất là đối với các vùng nông thôn, nơi 74 % dân số đang sinh sống. Người già vẫn đa phần phải dựa vào sự hỗ trợ của con trai.

 

Trước đây người phụ nữ có khi phải sinh tới năm sáu người con để có bằng được một cậu quí tử. Tuy nhiên, xu hướng gia đình qui mô nhỏ hiện nay đã tạo thêm áp lực đối với việc có con trai chỉ trong một hoặc hai lần sinh. Chính khả năng tiếp cận với dịch vụ siêu âm xác định giới tính thai nhi trước sinh và dịch vụ phá thai đã tạo cơ hội lựa chọn cho một số cặp vợ chồng mong muốn có con trai, trong khi vẫn đảm bảo qui mô gia đình nhỏ. Tuy nhiên điều này lại đặt toàn xã hội vào một rủi ro là đối mặt với hiện tượng thiếu con gái.

 

Về lịch sử, chính sách dân số thúc đẩy gia đình qui mô nhỏ được lý giải trên cơ sở là giảm qui mô dân số sẽ làm tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người, nhờ vậy mà quốc gia sẽ tăng trưởng về kinh tế. Tuy vậy, những quan điểm mới về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và dân số khẳng định chính cơ cấu trình độ dân số, chứ không phải là qui mô dân số, mới là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Tăng trưởng kinh tế rõ ràng là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam hiện nay, song chất lượng tăng trưởng thể hiện bằng sự ổn định trong cơ cấu giới tính của dân số phải được đảm bảo, vì sự phát triển bền vững, lâu dài của quốc gia.

 

Mức sinh ở Việt Nam đã giảm mạnh trong ba thập kỷ qua. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,8 con trong năm 1989 xuống 2,3 con năm 1999 và 2,1 con năm 2006. Xu hướng giảm mức sinh ở Việt Nam là rõ ràng và không thể đảo ngược, xu hướng này dự báo vẫn tiếp tục trong tương lai cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hơn nữa tỷ lệ phụ nữ đã lập gia đình hiện đang áp dụng các biện pháp tránh thai rất cao (78%). Mức sinh giảm là một yếu tố quan trọng càng làm gia tăng tỷ số giới tính khi sinh vì các cặp vợ chồng có xu hướng thôi không sinh thêm con nữa một khi có được con trai ở lần sinh thứ nhất.

 

Ở Việt Nam, siêu âm là một phần của dịch vụ chăm sóc trước sinh và ngày càng được sử dụng rộng rãi. Việc tiếp cận với dịch vụ này đã cho phép phần lớn các cặp vợ chồng biết trước giới tính thai nhi. Quả thực, các cuộc điều tra gần đây cho thấy khoảng hai phần ba phụ nữ mang thai biết giới tính của thai trước khi sinh và phần lớn họ cho biết có được thông tin này qua dịch vụ siêu âm.

 

Phá thai an toàn (bao gồm cả điều hòa kinh nguyệt) là một dịch vụ được cung cấp trong chương trình Sức khỏe sinh sản và phải được chỉ định bởi Bác sỹ trong những trường hợp cần thiết. Mặc dù phá thai không được chính thức khuyến nghị như một biện pháp kế hoạch hóa gia đình, nó vẫn được sử dụng trên thực tế cho mục đích này khi được yêu cầu.

 

Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 114, qui định mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng đối với các cá nhân khuyến khích hoặc thực hiện các hành vi phá thai trên cơ sở giới tính của thai, song trên thực tế người ta khó có thể phân biệt được đâu là phá thai vì mục đích có con trai hay vì kế hoạch hóa gia đình, nhất là trong bối cảnh dịch vụ phá thai và siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi phổ biến như hiện nay.

 

Trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại, điều quan trọng nhất là chính sách dân số cần được điều chỉnh kịp thời, đáp ứng với những thay đổi nhanh của xã hội, tập trung hơn nữa giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng giới, đề cao vai trò và giá trị của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội, thay vì chỉ nhấn mạnh mục tiêu giảm sinh như hiện nay. Đây là một nhu cầu cấp bách của xã hội, quyết không để xẩy ra tình trạng mất cân bằng cơ cấu giới tính của các thê hệ tương lai của đất nước. Có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài của quốc gia.

 

Bác sỹ Phạm Nguyên Bằng

 

LTS Dân trí - Mục tiêu phấn đấu của chúng ta là đưa đất nước phát triển nhanh một cách toàn diện và bền vững, trong đó có sự phát triển cân bằng về giới tính trong cơ cấu dân số. Rút kinh nghiệm của nhiều nước ở châu Á, chúng ta không để rơi vào tình trạng thừa nam thiếu nữ, một điều trái với tự nhiên và đạo lý mà muốn khắc phục phải qua hàng thế hệ.

 

Rõ ràng ngay từ bây giờ, chúng ta cần điều chỉnh chính sách dân số cho phù hợp đi đôi với việc giải quyết từ gốc các nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong xã hội ta, làm cho mọi người không còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.