Làm sao để sinh viên không ngày càng dốt đi

Gần đây, Diễn đàn Dân trí đã gây được tiếng vang với một loạt bài viết liên quan đến lĩnh vực đào tạo ở Việt Nam. Các bài viết tập trung phân tích các khía cạnh khác nhau của hiện tượng "lãng phí chất xám" do cơ chế và sự bất công với giảng viên trẻ.

Bản thân tôi đã đóng góp ý kiến qua bài tham luận "Giảng viên chuyển nghề không chỉ vì lý do kinh tế". Với mong muốn tiếp tục đóng góp ý kiến về vấn đề chúng ta đang quan tâm, tôi xin chia sẻ suy nghĩ của mình về thực trạng  sinh viên đang dần dốt đi trong các trường đại học, cao đẳng.

Đây là cảm nghĩ, là nỗi trăn trở của tôi trong bao nhiêu năm nay. Tôi vốn không phải là một học sinh xuất sắc khi ngồi ghế nhà trường phổ thông. Tuy nhiên, với sức học của mình, tôi vẫn thi đỗ một trong những trường đại học có tiếng. Những năm đầu đại học, tôi học cùng những người bạn, đa số là dân "trường chuyên, lớp chọn". Lòng tự ái khi bị xếp sau bạn bè khiến tôi nỗ lực hơn trong học tập. Tôi chăm chỉ hơn, nghiêm túc hơn so với thời phổ thông và kết quả là, cuối khóa, tôi được nhà trường giữ lại làm giảng viên.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Có thể nói, việc được giữ lại trường là niềm tự hào lớn lao đối với tôi. Lần đầu tiên tôi đã làm được một việc lớn: tự lo được cho tương lai tốt đẹp của mình mà không phải nhờ đến sự trợ giúp của gia đình, không phải chạy chọt, xin xỏ. Đến nay, tôi vẫn rất biết ơn những người thầy đã tạo điều kiện cho tôi phấn đấu, đi lên trên con đường học thuật.

Tuy nhiên, nhìn ra xung quanh, tôi lại thấy những trường hợp sinh viên chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn so với thời cắp sách ở bậc học phổ thông không nhiều. Thực tế, dường như, càng ngày càng ít đi và đến bây giờ, quả thật là hiếm.

Không chỉ đứng trên bục giảng, giảng viên chúng tôi năm nào cũng làm nhiệm vụ coi thi đại học. Đã từng ôn thi, cắp giấy bút đi thi, nên chúng tôi có thể đánh giá được năng lực của các em thi đỗ đại học. Thực lòng, không ít lần tôi đã thầm thán phục năng lực của các thí sinh...

Thế nhưng, chính những thí sinh ấy, những người xuất sắc nhất trong số họ, sau 2-3 năm ngồi trên ghế trường đại học, đã làm tôi không thể không thất vọng về năng lực và thái độ học tập. Họ dường như là "những người khác" so với chính mình khi cắp sách bút đi thi. Họ lười hơn, thiếu động lực hơn và nghiêm trọng nhất là họ không tin, không yêu những kiến thức đang được trang bị.

Qua tâm sự với nhiều thế hệ sinh viên, tôi nhận thấy, hầu hết sinh viên ngày nay đều cho rằng nỗ lực học tập để tiến thân là ở bậc phổ thông, để thi đỗ đại học, đó là "tấm giấy thông hành" để vào đời. Còn đã vào được trường đại học thì nghiễm nhiên (trừ những trường hợp cá biệt) ra trường.

Tấm bằng không nói lên nhiều điều, bằng loại giỏi chưa chắc đã phải là "giỏi", đó là chưa kể, hầu hết sinh viên và cả những người tuyển dụng lao động tin rằng: học giỏi ở trong trường đại học không chắc đã làm việc tốt. Còn nếu để thi vào "nhà nước", tấm bằng chỉ là điều kiện ban đầu phải có, bằng nào cũng được, miễn là đại học, còn thi đỗ vào "nhà nước" thì ... còn cần nhiều thứ lắm (tất nhiên trừ một số vị trí đòi hỏi phải là bằng khá, giỏi).

Câu nói phổ biến hiện nay của sinh viên khi ra trường là: "học tài, thi ... bằng quan hệ". Thực trạng mà hầu hết chúng ta đều thấy, ở Việt Nam, giữa "nhà trường" và "xã hội" là một khoảng cách "mênh mông" mà các sinh viên mới tốt nghiệp khó có thể vượt qua. Giữa bài giảng của các Thầy và thực tế cuộc sống là cả một sự khác biệt mà sinh viên khó có thể tự mình gắn kết, ứng dụng trong cuộc sống, trong công việc...

Thực trạng đó khiến sinh viên khó có thể "tin" và "yêu" những gì họ đang được trang bị trên ghế nhà trường. Tâm lý học để đối phó, để có một tấm bằng là hiện tượng phổ biến ở các trường. Rất ít và càng ngày càng ít sinh viên tự hào với ngôi trường mình đang học, tự hào với thành tích học tập của mình, càng ít người tin rằng kiến thức được trang bị trong các trường đại học là đủ để mình bước vào đời với một tương lai hứa hẹn.

Hiện nay, từ bục giảng, tôi đã chuyển sang chức danh quản lý. Tuy nhiên, tôi vẫn đang "phải" tiếp tục đào tạo, đào tạo những con người đã được đào tạo trên ghế nhà trường, trong số họ có cả những sinh viên cũ của tôi, bởi vì, những gì nhà trường đã đào tạo là quá phiến diện, thiếu thực tế và khó có thể áp dụng để hoàn thành công việc.

Quả thật, tôi đã trăn trở rất nhiều và nhiều lần tâm sự với các đồng nghiệp về thực trạng này. Ai cũng thừa nhận, ai cũng nỗ lực để bài giảng của mình hấp dẫn hơn, thiết thực hơn. Nhưng, chừng đó là chưa đủ. Từng giảng viên, nhất là giảng viên trẻ chúng tôi, dù rất nỗ lực, nhưng không thể thay đổi được cả một cơ chế, cả một hệ thống đã thành nếp, thành lối mòn trong tư duy của những người "phía trên", những "lão làng", những "cây đa, cây đề" trong "làng học thuật". Họ đã có "bằng cấp đầy mình" lại còn "lên sư, lên sãi" từ lâu (phó giáo sư, giáo sư)... Bên cạnh đó, đa số lại nắm những trọng trách quản lý. Nhưng thử hỏi, trong số các "sư, sãi" đó, bao nhiêu phần trăm còn tâm huyết lên bục giảng cho sinh viên, bao nhiêu phần trăm còn hàng ngày nhiệt tình truyền dạy cho các lớp giảng viên kế tiếp...

Đa số họ bận với các "Hội đồng", các "cuộc họp" quan trọng, chiếm phần lớn thời gian của họ và từ đó họ nhận được phần lớn thu nhập. Đến mức, có nhiều Giáo sư, tiến sỹ, hàng năm trời không nhớ được tài khoản lương mình có bao nhiêu, lương trả vào tài khoản ngày nào... vì họ đâu sống bằng lương, đâu phải vật lộn với cuộc sống bằng những "đồng lương còm" như giảng viên trẻ chúng tôi.

Và, kết quả là, những "cải tiến", "đổi mới" chương trình dạy học do các quý vị “trên cao” chủ trì nghiên cứu chỉ là các "công trình" như bao "công trình" khác, hiệu quả là thứ "hậu nghiệm thu", trách nhiệm của họ, "tâm huyết" của họ chỉ đến khi đó mà thôi, còn trên thực tế chúng không đem lại những điều cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Như vậy, muốn thật sự đổi mới giáo dục đại học, muốn thu hút nhân tài về đây, giải pháp không chỉ là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giảng viên, mà còn cần phải làm trong sạch đội ngũ giảng viên, phải làm quyết liệt, triệt để, và phải làm "từ trên xuống", tránh tình trạng "dột từ nóc dột xuống" thì không thể cứu vãn nổi.

Cho dù gần đây, hiện tượng "bỏ trường, bỏ lớp" của giảng viên được đánh giá là đáng "báo động" thì những người ra đi chỉ là số nhỏ, phần lớn những giảng viên trẻ vẫn đang phải chịu đựng, và "chung sống" trong một môi trường thiếu chuyên nghiệp về chuyên môn và thiếu lành mạnh về cách xử sự. Trong số họ, không ít người đã "uốn mình theo" lối sống, nếp nghĩ đó, và họ sẽ lại "truyền thụ" lại cho thế hệ kế tiếp - thật nguy hiểm.

Người Việt ta tự hào với đức tính hiếu học. Học sinh, sinh viên Việt Nam luôn đạt thành tích cao khi đi ra nước ngoài du học. Chúng ta cũng tự hào với nhiều viện sỹ, giáo sư thành danh ở nước ngoài, tầm cỡ quốc tế... Nhưng, tại sao các trường đại học của Việt Nam lại chưa có nổi cái "tầm khu vực", chứ chưa nói đến châu lục, thế giới... Như thế, chẳng phải là đáng buồn lắm thay. Thử hỏi, các trường đại học của Việt Nam đón tiếp được bao nhiêu lưu học sinh? Họ từ đâu tới? Và học những gì ở Việt Nam? Không có nhiều chỗ cho lòng tự hào ở điểm này...

Vậy, cần lắm một "cú huých", một "bước đột phá" để cải tiến chất lượng đào tạo ở Việt Nam, để sinh viên không dần dốt đi, để họ yêu và tin những kiến thức đang được trang bị trên ghế nhà trường, để đưa thực tiễn vào bài giảng và để đưa tri thức vào cuộc sống... Trước khi có được "cú huých", "bước đột phá" đó, kính mong các bậc lão thành, những Người Thầy thật sự có tài và có đức, hãy nêu gương cho lớp trẻ, làm đúng những gì mà hàng ngày các Thầy vẫn nói, đó là: tin vào lớp trẻ, chăm sóc, bồi dưỡng lớp trẻ, mạnh dạn sử dụng tài năng trẻ, những người vẫn hàng ngày cặm cụi trăn trở và miệt mài cùng những bài giảng trên lớp với những thế hệ sinh viên kế tiếp nhau... Nỗ lực của mỗi giảng viên thực sự là không đủ, nỗ lực ấy như những "đốm lửa", vậy, rất cần "ngọn gió" từ phía các bậc "trưởng lão" trong ngành để thổi bùng thành "ngọn lửa lớn".

 Trên đây là đôi dòng chia sẻ cảm xúc chân thành của một người đã, đang và sẽ gắn bó với bục giảng (với tư cách giáo viên thỉnh giảng), với ước mong góp một tiếng nói nhằm làm lạnh mạnh hóa môi trường đào tạo, qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo đại học của nước ta. Ý kiến của tôi chắc không tránh khỏi sự phiến diện và chưa đầy đủ, mới chỉ gợi ra một vài khía cạnh của cả một vấn đề sâu rộng, cần được quan tâm, nghiên cứu và tìm ra hướng giải quyết.

FOD

LTS Dân trí - Nâng cao chất lượng đào tạo đại học có ý nghĩa hết sức quan trong và bức xúc trong tình hình thực tế nước ta hiện nay. Có thể coi đấy là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng của cả hệ thống giáo dục bởi vì giáo dục đại học giữ vai trò “đầu tầu”’

Bài viết trên đây là ý kiến đóng góp tâm huyết của một giảng viên trẻ có trình độ và kinh nghiệm nhất định trong nghề. Đây là vấn đề lớn đáng được trao đổi và thảo luận để tìm ra những biện pháp đồng bộ và khả thi trong điều kiện hiện nay của nước ta. Diễn đàn Dân trí mong tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp về chủ đề này.