Mẹ giết con do bệnh trầm cảm có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Khả Vân

(Dân trí) - Nếu trong quá trình điều tra xác định được người mẹ mắc bệnh trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, tại nhiều địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng liên quan đến hành động tự sát hoặc sát hại con của cha mẹ bị trầm cảm, đặc biệt là của phụ nữ trầm cảm sau sinh.

Đau lòng cha, mẹ giết con vì trầm cảm

Ngày 5/2/2022, anh L.Q.B (31 tuổi, quê Sóc Trăng) về nhà trọ trong hẻm đường Lê Đình Cẩn, thấy cửa chốt trong. Anh B. gọi nhưng không ai trả lời nên phá cửa phòng và phát hiện ra vợ tử vong trong tư thế treo cổ. Ngay cạnh đó, con gái 7 tháng tuổi của anh, bé L.H.T.A cũng đã tử vong.

Theo lời người chồng, vợ anh có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Đây có thể là nguyên nhân chính gây ra vụ việc.

Hay như vụ việc của gia đình anh Đ.M.T (33 tuổi, quê Hà Nội). Anh T. cùng vợ và con trai thuê căn hộ ở tầng 9, Block A1, chung cư ở đường số 30, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM. Sáng 12/6/2022, người vợ đi làm, trong nhà còn lại mẹ vợ và cha con anh T.

Tới khoảng 10 giờ trưa, khi người mẹ vợ đang nấu thuốc cho anh T. uống thì anh này bồng con trai vào phòng ngủ, chốt cửa. Khi người mẹ vợ hỏi thì anh nói là cho con ăn.

Một lúc sau, người mẹ vợ thấy nước trong phòng ngủ chảy tràn ra phòng khách, gọi cửa không thấy cha con anh T. lên tiếng nên chạy qua nhà hàng xóm nhờ gọi bảo vệ. Sau khi đập cửa phòng ngủ xông vào thì phát hiện 2 cha con bất tỉnh trong nhà vệ sinh trong tư thế treo cổ.

Người mẹ vợ hô hoán cho hàng xóm và bảo vệ hỗ trợ cắt dây đưa cháu trai đi cấp cứu nhưng không kịp. Riêng người cha thì đã chết tại chỗ.

Mẹ giết con do bệnh trầm cảm có phải chịu trách nhiệm hình sự? - 1

Thanh sắt và sợi dây người cha dùng để treo cổ hai cha con (Ảnh: Công an TPHCM).

Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ một lá thư tuyệt mệnh anh T. để lại có nội dung đừng cứu anh, đừng gọi xe cứu thương... Trong nhà vệ sinh, hai cha con trong tư thế treo cổ bằng dây thừng cột vào thanh sắt dùng để hít xà đơn.

Người nhà cho biết, anh T. có bệnh lý sẵn trong người, sau khi mắc Covid-19 anh có dấu hiệu trầm cảm, người mẹ vợ phải từ quê vào ở để chăm hai cha con anh T. còn người vợ thì vẫn đi làm bình thường. Trước đó 1 tuần, anh T. cũng từng viết thư để lại nhưng được gia đình phát hiện động viên.

Mới đây nhất, dư luận cả nước bàng hoàng khi tại tỉnh Nam Định, một người mẹ được cho là bị bệnh trầm cảm đã dìm chết 2 con ruột của mình, một bé 5 tuổi và một bé 2 tuổi vì lý do "sợ sau này chúng lớn lên sẽ dính vào tệ nạn xã hội".

Điều tra ban đầu xác định, V.T.L. (32 tuổi, ngụ xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là giáo viên một trường tiểu học. Tháng 9/2022, L. có biểu hiện trầm cảm, không muốn tiếp xúc mọi người xung quanh.

Đến tháng 12/2022, L. có đơn và được trường giải quyết cho nghỉ việc. Sau đó, L. được chồng đưa đến Bệnh viện Bạch Mai khám, bệnh viện xác định L. mắc bệnh "Rối loạn thần cấp và nhất thời", yêu cầu nhập viện để theo dõi, điều trị nhưng L. không đồng ý.

Phía bệnh viện kê đơn thuốc điều trị tại nhà, hẹn 10 ngày sau tái khám. Sau đó, L. thấy biểu hiện bệnh giảm dần nên không đến bệnh viện khám lại.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra quyết định tạm giữ hình sự V.T.L., khẩn trương thu thập tài liệu, củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Th.s Trần Xuân Khánh, chuyên gia tâm lí, nhiều người vẫn chủ quan và có những quan niệm không đúng về bệnh trầm cảm, họ nghĩ rằng đó chỉ là những cảm xúc tâm lý bất thường trong một thời gian ngắn rồi chúng sẽ qua đi. Vì thế, nhiều gia đình có người thân bị trầm cảm nhưng không được quan tâm điều trị. Thực tế, bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm ở phụ nữ sau sinh nguy hiểm hơn những gì chúng ta nghĩ. 

Mẹ giết con do trầm cảm có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Trao đổi với phóng viên về vụ việc người mẹ ở Nam Định hại chết 2 con ruột, Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng đội cho biết, bất cứ hành vi nào sát hại trẻ em cũng là đáng trách, đáng lên án, có thể còn gọi đó là tội ác.

Với hành vi dìm chết 2 con nhỏ (một bé 5 tuổi, một bé 02 tuổi) người mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với tình tiết định khung tăng nặng là Giết 02 người trở lên và Giết người dưới 16 tuổi. Theo đó, người mẹ này có thể đổi diện với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với thông tin về việc người mẹ bị trầm cảm, hiện nay chưa có xác nhận hay kết luận chính thức từ phía bệnh viện về tình trạng bệnh của người này. Mặt khác, việc một người bị trầm cảm không đồng nghĩa với việc họ ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu trong quá trình điều tra xác định được người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 thì người mẹ này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngược lại, nếu người mẹ không mắc bệnh trầm cảm, hoặc mắc bệnh trầm cảm nhưng khi thực hiện hành vi nguy hiểm vẫn đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Tuy nhiên, người mẹ có thể được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự: người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc người mẹ này có bị trầm cảm hay không, nhưng luật sư Tiền cho rằng, trầm cảm sau sinh là một căn bệnh mà nhiều phụ nữ gặp phải, nhưng nếu người phụ nữ không được người thân quan tâm, chia sẻ thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, mỗi người mẹ cần phải biết tự yêu thương bản thân, tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống; ngược lại, người thân trong gia đình cần sẻ chia, động viên và sau nữa xã hội cũng cần phải nhìn nhận căn bệnh này giống như những bệnh lý thông thường, cần được chăm sóc điều trị, tránh sự định kiến, phân biệt, dẫn tới tâm lý mặc cảm, dấu bệnh, tự chữa bệnh để rồi trong một thời điểm mất kiểm soát dẫn đến hành vi đau lòng. 

Trầm cảm sau sinh có chữa được hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh. Do đó hãy dành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ sau sinh để hạn chế nguy cơ trầm cảm và những hậu quả không đáng có.

Hiểu rõ được nguyên nhân và hậu quả của bệnh trầm cảm bản thân mỗi người phụ nữ chúng ta nên có biện pháp phòng tránh và khắc phục căn bệnh này để xây dựng gia đình hạnh phúc.