Bạn đọc viết:

Người dân nên tự rào chắn ao, hồ để phòng đuối nước trẻ em

PV

(Dân trí) - Đuối nước không chỉ xảy ra khi trẻ em tắm ở sông, biển mà xảy ra ngay tại ao, hồ do các gia đình, tổ chức tự đào phục vụ cho mục đích riêng của mình.

Thời gian gần đây, tình trạng đuối nước trẻ em diễn ra rất nghiêm trọng, liên tiếp xảy ra các vụ việc rất thương tâm. Đáng nói là đuối nước không chỉ xảy ra khi trẻ em tắm ở sông, ở biển mà đuối nước xảy ra ngay tại các ao, hồ do các gia đình, tổ chức tự đào phục vụ cho mục đích riêng của mình.

Việc các cá nhân, tổ chức tự đào ao, hồ hoặc tạo hố công trình trong hoạt động xây dựng nhưng không có rào chắn cảnh báo, ngăn ngừa để trẻ em xuống tắm, vui đùa dẫn đến nguy cơ đuối nước khá phổ biến. Đặc biệt nguy hiểm là ao, hồ nhỏ lẻ do các hộ gia đình tự phát đào để tưới cây, nuôi cá hoặc khai thác đất đá nhưng chưa san lấp...

Người dân nên tự rào chắn ao, hồ để phòng đuối nước trẻ em - 1

Trường học ở Gia Lai tăng cường dạy bơi an toàn cho trẻ (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng đuối nước trẻ em trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng vì không có rào chắn mà nhiều trẻ em dù không chủ ý đi tắm nhưng vô tình bị rơi xuống ao, hồ hoặc hố các công trình xây dựng khi đang chăn thả trâu bò, đi chơi hoặc kiếm sống là không thể chấp nhận được, vì rất nguy hiểm.

Có thể nói, hành vi một số tổ chức, cá nhân tự phát đào các ao, hồ mà không có sự cảnh báo, rào chắn đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trẻ em dẫn đến tai nạn hoặc đuối nước chưa được quan tâm chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Điều này làm cho các vụ tai nạn đuối nước thương tâm đối với trẻ em liên tục xảy ra mà rất ít khi tổ chức, cá nhân liên quan bị truy cứu trách nhiệm một cách nghiêm khắc, triệt để nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo an toàn ao, hồ, nhất là các ao, hồ tự phát nhưng chưa được quản lý, bảo vệ an toàn. Đối với các trường hợp ao, hồ tự phát mà không đảm bảo an toàn thì phải đình chỉ sử dụng, khai thác; trường hợp xảy ra hậu quả thì phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan liên quan.

Như vậy, sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc rào chắn đảm bảo an toàn cho các ao, hồ nhằm để phòng ngừa tình trạng đuối nước trẻ em. Điều này không chỉ bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ em mà còn gắn trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong việc bảo quản, vận hành các ao, hồ do mình quản lý, tạo ra gần như đang bị buông lỏng trong thời gian qua.

                                    ThS, luật gia Phạm Văn Chung

                                                   Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum