Pháo sáng trên sân bóng là cuồng nhiệt hay "nỗi đau"?

Ngọc Hảo

(Dân trí) - Một em nhỏ bị bỏng lửa 1%, độ 2-3 trong trận đấu giữa CLB Hải Phòng gặp CLB Hà Nội mới đây trên sân Hàng Đẫy khiến nhiều người bất an khi đi cổ vũ môn thể thao vua này.

CĐV Hải Phòng "có tiếng" cuồng nhiệt bậc nhất V-league là điều không phải bàn cãi. Mỗi lần CLB Hải Phòng làm khách tại thủ đô, pháo sáng sẽ xuất hiện tại Hàng Đẫy. Thậm chí, trước trận, đã có lần chủ tịch CLB Hải Phòng gửi hẳn công văn cho CLB Hà Nội rằng sẽ không đốt pháo sáng, thế nhưng, đến trận, pháo vẫn sáng trưng trên sân Hàng Đẫy.

Mỗi mùa giải trôi qua, CLB Hải Phòng hay sân Hàng Đẫy đều là những khách VIP cho VPF vì số tiền nộp phạt. Thế nhưng, số lần CĐV đốt pháo sáng lại không hề có sự thuyên giảm.

Pháo sáng trên sân bóng là cuồng nhiệt hay nỗi đau? - 1

Một cổ động viên nhí không may bị tia pháo bắn gây bỏng ở chân trên sân Hàng Đẫy (Ảnh: Mạnh Quân).

Đỉnh điểm, vào tối 2/8, sự việc xảy ra ở phút thứ 34, khi Hữu Sơn gỡ hòa cho CLB Hải Phòng, pháo sáng ngay lập tức được đốt bên phía khán đài dành cho cổ động viên (CĐV) đất cảng. Trong khung cảnh hỗn loạn, một em nhỏ bị thương do dính tia pháo. Sự việc trên một lần nữa khiến độc giả cảm thấy sợ hãi nếu trực tiếp đi xem những trận bóng có đội bóng của đất cảng tham gia.

Độc giả Tường Nguyễn Khánh: "Không thể chấp nhận được, tôi là người Hải Phòng nhưng cảm thấy cái vô duyên trong cách hành xử của các CĐV này từ trước tới nay, và điều này không hề được cải thiện".

Độc giả Bá Cường Lê: "Nên cấm vĩnh viễn CĐV HP đến sân khách, xem còn dám đốt pháo sáng không?".

Cùng chung quan điểm trên, độc giả Phạm Anh Tuấn: "Vì CĐV Hải Phòng luôn tái diễn màn pháo sáng, có thể phạt đội bóng Hải Phòng không được thi đấu trên sân nhà 1-2 trận, nếu cần kéo sang mùa giải sau. Cứ vài lần như thế hy vọng sẽ giảm trò pháo sáng!".

"Nên phân biệt "cuồng nhiệt" với hành vi gây mất trật tự và làm nguy hiểm đến người khác là 2 hành vi khác nhau. Tôi nghĩ đối với những hành vi có tổ chức, lặp đi lặp lại như cổ động viên Hải Phòng thì các đội bóng nên miễn tiếp cổ động viên đội bóng này. Hoặc ban tổ chức nên cấm luôn cổ động viên đội này. Đó là hành vi của những kẻ quá khích gây nguy hiểm cho những người xung quanh chứ không phải cổ động viên bóng đá", độc giả Hùng Lê Nguyễn Quang.

Độc giả Tiến Dũng Phan cho rằng: "Cổ động viên nhiệt tình nhưng ý thức vẫn rất kém. Đến lúc gây ra hậu quả nghiêm trọng rồi mới thấy, nên xử phạt thật nặng".

Vướng lao lí vì pháo sáng

Đã phải mất một thời gian dài để môn thể thao vua một lần nữa có thể kéo CĐV, thậm chí là những ông bố, bà mẹ đưa con đến sân vận động để xem. Thế nhưng, sau sự việc trên, có lẽ các phụ huynh không chỉ ám ảnh mà còn phải cân nhắc rất nhiều trước khi cho trẻ nhỏ đi xem bóng đá.

Trước đó, cũng trên sân vận động Hàng Đẫy, tối 11/9/2022, Hà Nội FC tiếp đón Nam Định trong trận đấu bù vòng 22 V-League 2019. Khi hiệp 2 trôi qua khoảng 10 phút, CĐV ở khán đài B tiếp tục đốt pháo sáng bắn sáng khán đài B sang khán đài A khiến một nữ cổ động viên bị thương, phải vào viện cấp cứu.

Nữ cổ động viên bị thương này sau đó được chẩn đoán bỏng lưu huỳnh nặng vào tận xương, nhiều khả năng phải phẫu thuật hai lần. Ngay sau đó, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ hành vi "Gây rối trật tự công cộng" và "Chống người thi hành công vụ".

Mặc dù trước các trận đấu, lực lượng an ninh đã cấm đường quanh sân và lập hàng rào quét đồ CĐV mang vào trong, tuy nhiên, không hiểu sao vẫn có những trường hợp hi hữu xảy ra.

Pháo sáng được đốt lên như một sự cổ vũ, tạo không khí sôi nổi, hứng khởi, giúp các chân sút thăng hoa, thế nhưng, pháo sáng vẫn là nỗi trăn trở của SVĐ Hàng Đẫy. Khi các CĐV vẫn chưa ý thức được những nguy hiểm về cả tính mạng và ảnh hưởng đến cả chuyên môn do pháo sáng, thì những sự việc đáng buồn như trên có lẽ vẫn sẽ còn tiếp diễn.