Sự lãng phí “chất xám” nhìn thấy từ một đơn vị khoa học

Là một đơn vị khoa học hình thành và phát triển tại TPHCM, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã để lại sau nó những dấu ấn không thể nào quên, đặc biệt trong công tác triển khai các kết quả nghiên cứu phục vụ xã hội.

Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi đang đứng trước một nghịch lý dường như “khoa học không có đất dụng võ”, từ đó xảy ra tình trạng lãng phí “chất xám” rất đáng tiếc.

 

Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng mà tiền thân là Phân viện Vật liệu tại TPHCM đã nghiên cứu thành công và triển khai ra thực tế nhiều công nghệ có giá trị về mặt khoa học cũng như ứng dụng.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Chúng tôi là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu thành công và đưa vào áp dụng công nghệ lọc thẩm thấu ngược (RO), dùng cho lọc nước nhiễm mặn nặng thành nước ngọt được áp dụng ở nhiều địa phương. Cũng là đơn vị đầu tiên nghiên cứu thành công vật liệu xúc tác xử lý nước nhiễm phèn và các kim loại nặng và triển khai thành công nghệ, đáp ứng yêu cầu nước sinh hoạt tại nhiều địa phương.

 

Viện còn là đơn vị đầu tiên được UNICEF Việt Nam tin tưởng và hợp tác trong chương trình nước sạch và môi trường. Những kết quả nghiên cứu xử lý khí thải; các sản phẩm nghiên cứu dùng cho hóa dược, mỹ phẩm…đều giành được sự tín nhiệm của khách hàng. Trong những năm gần đây, những kết quả nghiên cứu về phụ gia dầu khí không những  được các xí nghiệp dầu khí trong nước đưa vào áp dụng mà công ty nước ngoài cũng quan tâm.

 

Điểm qua các kết quả nói trên để thấy rằng viện chúng tôi đã bước đầu phát huy tốt năng lực của đội ngũ cán bộ hơn 60 người, trong đó có 17 tiến sĩ, phó GS và GS và 22 thạc sĩ. Tuy nhiên nghiêm túc mà nói, đội ngũ này chưa phải đã được phát huy hết năng lực chuyên môn vì phương tiện hoạt động còn nhiều thiếu thốn.

 

Khi trao đổi với những đồng nghiệp làm công tác nghiên cứu khoa học ở các nước phát triển cũng như ở các nước mới phát triển, chúng tôi nhận thấy rằng, những vấn đề mà chúng tôi đang nghiên cứu không khác mấy so với họ. Khác chăng là ở điều kiện để biến những ý tưởng trong phòng thí nghiệm thành sản phẩm hàng hóa.

 

Ở các nước đó, ngoài điều kiện vật chất về đời sống, điều nổi trội ở họ chính là phương tiện làm việc, trang thiết bị nghiên cứu; diện tích nhà, xưởng thực nghiệm…Đấy là điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm.

 

Nhiều đơn vị nghiên cứu - triển khai của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại TPHCM chỉ có vỏn vẹn một tòa nhà 6 tầng với diện tích sàn 1000m2 ở trung tâm thành phố, liệu có điều kiện để xây dựng những cơ sở sản xuất thử nghiệm, là một bước hết sức quan trọng để biến những sản phẩm nghiên cứu thành hàng hóa. Điều rất đáng tiếc là số lớn diện tích đất ở Thủ Đức trước đây lãnh đạo thành phố cấp cho các đơn vị khoa học thì nay lại có quyết định thu hồi.

 

Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng có một xưởng sản xuất thực nghiệm với diện tích 2.000m2 là nơi mà hơn 30 năm qua đã tạo ra nhiều kết quả nghiên cứu được triển khai vào thực tế và những năm gần đây vẫn tạo ra giá trị bình quân hằng năm hơn 6 tỷ đồng, vậy mà đã bị giải tỏa trắng với số tiền bồi hoàn là 200 nghìn đồng!

 

Vậy là đội ngũ cán bộ của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng không còn “đất dụng võ”, làm sao mà “chất xám” của họ không bị lãng phí!

 

PGS.TS Hồ Sơn Lâm

Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng

(sonlamho05@yahoo.com)  

 

LTS Dân trí - Trong khi đất nước đang đổi mới mạnh mẽ và toàn diện, thế mà khoa học và công nghệ lại không có đất (theo nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng) để “dụng võ” thì liệu đất nước ta có thể “cất cánh” mà thiếu động lực khoa học được không?

 

Thì ra đường lối của Đảng ta coi khoa học và công nghệ (cùng với giáo dục và đào tạo) là quốc sách hàng đầu trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn chưa được quán triệt thấu đáo, nhất là chưa được thể chế hóa đúng đắn và đầy đủ, cho nên mới xảy ra tình trạng còn không ít các đơn vị khoa học chưa được tạo điều kiện hoạt động có hiệu quả; tình trạng lãng phí “chất xám” và “chảy máu chất xám” vẫn còn diễn ra phổ biến. Đấy là điều làm cho những ai quan tâm đến tiền đồ đất nước không khỏi băn khoăn, trăn trở.