Thi thể thiếu nữ trong vườn và những vấn đề pháp lý

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cần đánh giá cẩn trọng các diễn biến hành vi để làm rõ trách nhiệm pháp lý của nghi phạm đối với các tội giết người hoặc cố ý gây thương tích.

Như Dân trí thông tin, ngày 12/4, N.T.D. (15 tuổi, ở huyện An Dương, TP Hải Phòng) đi chơi với bạn trai là L.V.T. (15 tuổi, người cùng xã) rồi mất liên lạc với gia đình. Ngày 19/4, T. khai nhận với công an là người đã đánh ngất, siết cổ D. rồi chôn xác nạn nhân ở khu vườn nhà bà ngoại. Nguyên nhân sự việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai người. 

Sự việc gây ra làn sóng phẫn nộ lớn trong xã hội. Nhiều người quan tâm tới việc với những hành vi trên, T. có thể bị xử lý ra sao theo quy định pháp luật? 

Số phận pháp lý của nghi phạm 

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc vô cùng đáng tiếc. Chỉ vì phút nóng giận, thiếu kiểm soát xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, T. đã ra tay tước đoạt mạng sống của bạn gái. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người phẫn nộ hơn cả là hành vi siết cổ, chôn xác nạn nhân của nam thanh niên. Đây là hành vi thể hiện sự lạnh lùng, tàn nhẫn, thể hiện ý chí mong muốn thực hiện và che giấu hành vi tới cùng của nghi phạm. 

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trang nhìn nhận với những lời khai ban đầu hiện được cơ quan chức năng cung cấp, chưa đủ cơ sở để đánh giá trách nhiệm pháp lý của T. Tuy nhiên, dựa trên diễn biến hành vi của nghi phạm, có 2 hành vi cần đặc biệt lưu tâm để làm sáng tỏ bản chất vụ án như sau: 

Thứ nhất, T. khai đã "lỡ tay" đánh khiến nạn nhân bất tỉnh. Đối với tình tiết này, quá trình điều tra, công an sẽ làm rõ hàng loạt tình tiết như mâu thuẫn xuất phát như thế nào; tương quan vị trí giữa T. và nạn nhân ở thời điểm đó ra sao; hành vi tác động vật lý của nam thanh niên nhắm vào vị trí nào trên cơ thể nạn nhân, có phải vùng trọng yếu hay không; lực tác động, tần suất, phương thức tấn công như thế nào hay ý chí chủ quan của nghi phạm khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là gì...

Từ những tình tiết trên, cơ quan điều tra sẽ đánh giá một cách tổng quan, toàn diện hành vi của nam thanh niên, từ đó xác định tính chất, mức độ cũng như hậu quả mà hành vi đó để lại như thế nào. 

Thi thể thiếu nữ trong vườn và những vấn đề pháp lý - 1

Hiện trường vụ án. (Ảnh: Minh Ngọc/PNVN).

Thứ hai, T. khai nhận sau khi đánh ngất bạn gái đã siết cổ nạn nhân rồi mang ra vườn chôn. Đối với tình tiết này, cần nhìn nhận rằng cổ là một trong những vùng trọng yếu trên cơ thể. Các hành vi tấn công vào vùng cổ đều là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ tước đoạt tính mạng của nạn nhân ngay lập tức. Bởi vậy, hành vi siết cổ người khác là rất nguy hiểm, có yếu tố cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. 

Về vấn đề này, cần làm rõ ý chí và cách thức thực hiện hành vi của T. ra sao, có nhằm mục đích sát hại hoặc ý thức được việc sẽ gây tổn hại tới tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hay không. Ngoài ra, cần xác định tại thời điểm T. thực hiện hành vi, nạn nhân đã tử vong hay chưa. 

Từ những vấn đề nêu trên, cơ quan điều tra sẽ liên kết, xâu chuỗi các tình tiết trong vụ án để làm rõ tính chất, mức độ cũng như dấu hiệu tội phạm trong các hành vi của T. Tùy thuộc kết quả xác minh của công an, nghi phạm có thể đối diện các tội danh là Cố ý gây thương tích với tình tiết định khung làm chết người theo Điều 134 và Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. 

Về khung hình phạt, do nghi phạm chưa đủ 16 tuổi nên theo khoản 2 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015, nếu bị truy tố về tội danh có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình, mức án tối đa áp dụng là 12 năm tù còn nếu mức phạt là tù có thời hạn thì hình phạt cao nhất được áp dụng sẽ không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Có bị xử lý vì làm bạn gái có bầu không? 

Liên quan tới vụ việc, một tình tiết khác được nhiều người quan tâm là việc nạn nhân đã có con 4 tháng tuổi với T. Vậy trong trường hợp này, nghi phạm có thể bị xử lý thêm về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hay không? 

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết để xác định trách nhiệm pháp lý đối với vấn đề trên, yếu tố then chốt cần làm rõ là ý chí chủ quan và tự nguyện của hai người khi thực hiện hành vi quan hệ tình dục. 

Nếu hành vi xuất phát từ sự tự nguyện của cả 2, trách nhiệm hình sự sẽ không được đề cập bởi theo Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, việc xử lý về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ chỉ áp dụng với chủ thể là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Trường hợp này, do T. chưa đủ 18 tuổi nên sẽ không đề cập tới trách nhiệm hình sự. 

Ngược lại, nếu hành vi không xuất phát từ sự tự nguyện của nạn nhân, cần xem xét có hay không dấu hiệu của hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi hoặc cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Đối với các tội danh này, pháp luật không quy định giới hạn chủ thể thực hiện hành vi phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142) hoặc Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144) nếu hành vi thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng, tức có khung hình phạt tối đa trên 7 năm tù. 

Do đó, nếu hành vi quan hệ tình dục không xuất phát từ sự đồng thuận của các bên, có thể xem xét thêm trách nhiệm hình sự đối với nghi phạm về các tội danh này.