"Trò chấm điểm thầy"?

Trò góp ý cho thầy để có cách thức giảng tốt hơn thì đó là hoạt động bình thường. Hoạt động này không có gì xa lạ như trước đây vẫn thường làm, nhưng để tạo ra sự “mới mẻ” mà dùng mệnh đề “Trò chấm điểm thầy” thì e rằng "không lọt tai"!

Chúng ta đều biết, dân tộc ta vốn có truyền thống "Tôn sư, trọng đạo", "Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy"... Do đó, bên cạnh việc học kiến thức của người thầy, người học còn học một điều rất quan trọng nữa là: Học cái tâm, cái đức, nhân cách của người thầy; tức là học làm người.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ngày nay, trước nhu cầu phát triển của xã hội, chất lượng giáo dục đào tạo được xã hội quan tâm nhiều cũng là lẽ bình thường. Xã hội dân chủ luôn tôn trọng và cho phép người học có quyền lựa chọn cho mình những kiến thức cần thiết và bổ ích để tiếp thu, học hỏi. Trong quá trình học, nếu thấy cách thức giảng dạy hoặc nội dung bài giảng chưa phù hợp, chưa sát thực tế thì có thể đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến với thầy giáo, chứ không nên đặt vấn đề "Trò chấm điểm thầy" như một số trường đã làm.

Quả thật, khi đặt vấn đề "Trò chấm điểm thầy" thì đương nhiên chúng ta phải tính đến các vấn đề liên quan: Trò đứng ở góc độ nào, đánh giá ra sao? Vận dụng quy chế nào? Có mấy tiêu chí? Rõ ràng ở đây chúng ta chưa bàn đến chuyện này, mà mới chỉ tung hô thành khẩu hiệu, theo kiểu “phong trào”. Nếu chúng ta làm rõ được những vấn đề trên và coi đây là một hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường thì tất sẽ đi vào nền nếp, mà không cần đến mệnh đề nghe khó lọt tai nói trên.

Xét đến cùng thì hoạt động "trưng cầu ý kiến người học về công tác giáo dục đào tạo của nhà trường" là muốn tốt cho cả người dạy và người học mà thôi. Vì thông qua đó, người dạy và người học sẽ tìm ra được độ "vênh" của nhau để điều chỉnh cho phù hợp. Song để làm được điều này, chúng ta phải đặt hoạt động này trong các phong trào mà ngành giáo dục đã triển khai trong thời gian qua: "Dạy thật, học thật", "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" và trong năm học 2007- 2008 này là "Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh, sinh viên ngồi nhầm lớp", "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không theo nhu cầu xã hội". Tất cả các phong trào mà Bộ GD- ĐT đã phát động trong thời gian qua nếu được làm tốt thì tôi nghĩ rằng đã bao hàm đủ yếu tố để làm cho công tác giáo dục đào tạo đi đúng quỹ đạo cần thiết và nâng cao chất lượng dạy và học rồi.

Tôi còn nhớ lần tham dự Hội nghị công tác giáo dục đào tạo của nhàtrường hồi tôi còn học đại học. Lúc ấy có nhiều sinh viên đã đứng lên phát biểu về những bất cập, nỗi khổ mà mình phải học những bộ môn chẳng liên quan với ngành mà mình đang theo học. Thành ra, việc học gần như là đối phó và học cho đủ chương trình quy định. Có sinh viên khi phát biểu đã bật khóc. Nhưng điều bất ngờ hơn cả là giảng viên đại diện cho khoa, trường tiếp thu ý kiến sinh viên trong buổi hội nghị hôm ấy đã rất thông cảm và đầy tinh thần xây dựng. Sau khi sinh viên đã bật khóc vì chương trình học bất cập, phương pháp giảng dạy không phù hợp thì giảng viên cũng đã... rơi nước mắt theo. Hình ảnh này đã làm sinh viên được an ủi rất nhiều. Ý kiến của người học đã được khoa, trường tiếp thu một cách nghiêm túc. Và trong năm học tiếp đó các sinh viên khoá sau đã không phải học một số môn mà sinh viên đã góp ý. Hiệu quả của hội nghị đã thật sự có tác dụng.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng dạy và học của tất cả các bậc học, đặc biệt là bậc Đại học, Cao đẳng thì cần phải có sự hiệp đồng, nỗ lực của cả thầy và trò. Người học phải luôn tự răn mình xem đã thật sự học tập với ý thức tự giác và nỗ lực học tập hay chưa. Còn người thầy cũng phải quan tâm đến công tác giảng dạy với đầy đủ tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Nếu việc dạy của thầy cũng như việc học của trò chỉ là sự “bắt buộc”, thiếu tự giác, thiếu hứng thú và không có tình cảm thầy – trò thì e rằng những cuộc đóng góp ý kiến nếu không được tổ chức chỉ đạo tốt thì rất dễ bị sa vào tình trạng hình thức mà không đem lại hiệu quả thiết thực.

Hoàng Việt Thịnh
(Số 4 Lê Lai, phường Hoàng Văn Thụ, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn)

LTS Dân trí - Dù thời nay, chúng ta có sự nhìn nhận mới, coi học sinh giữ vị trí trung tâm trong quá trình dạy và học thì người thầy vẫn giữ vai trò quyết định hiệu quả của quá trình đó.

Câu nói của cổ nhân: “Không thầy đố mày làm nên “ xem ra đến nay vẫn đúng. Dù trong xã hội dân chủ, chúng ta cũng không thể đánh đồng vị trí của người thầy với người trò theo kiểu “cá mè một lứa”. Cũng vì lý do đó không nên dùng mệnh đề “Trò chấm điểm Thầy” để thể hiện nội dung trò đóng góp ý kiến về nội dung và cách thức giảng dạy của thầy giáo.

Đúng như tác giả bài viết trên đây nhận xét: cách nói đó nó xấc xược, nghe không lọt tai, bởi nó trái với truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.