Vụ 2 công dân bị đánh trên tàu cá: Không có đơn trình báo vẫn xử lý hình sự

Thế Hưng

(Dân trí) - Vụ việc 2 công dân bị đánh gãy răng trên tàu cá dù nạn nhân chỉ yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị, nhưng độc giả Dân trí rất bức xúc cho rằng, pháp luật cần xử lý nghiêm những kẻ hành hung người dã man.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ, sự việc xảy ra hồi tháng 5, trên vùng biển Cà Mau.

Cụ thể, ngày 28/5, L.V.B. (SN 1992, ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đến Công an thị trấn Sông Đốc trình báo bị đánh gây thương tích trên ghe đánh bắt thủy sản. Hai ngày sau, anh T.V.Tr. (SN 1975, ngụ huyện Trần Văn Thời) cũng đến công trình báo bị đánh gây thương tích trên ghe biển nêu trên.

Ngày 4/1, B. và Tr. xuất bến ra biển hoạt động tại cửa sông Ông Đốc theo ghe đánh bắt thủy sản do bà P.T.H. làm chủ. Ghe có 7 thuyền viên.

Vụ 2 công dân bị đánh trên tàu cá: Không có đơn trình báo vẫn xử lý hình sự - 1

Người đàn ông bị hành hạ trên tàu cá (Ảnh cắt từ clip).

Đến ngày 23/5, Tr. bị 3 thuyền viên đánh gây thương tích (lỗ tai phải, gãy 4 cây răng, dập môi, gối phải). Ngày 24/5, B. cũng bị 2 thuyền viên đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một răng.

Qua làm việc, B. và Tr. không yêu cầu xử lý hình sự mà yêu cầu bồi thường tiền thuốc điều trị.

Công an thị trấn Sông Đốc 3 lần yêu cầu bà H. điều ghe vào bờ để làm rõ vụ việc nhưng người phụ nữ chưa chấp hành.

Vẫn có thể khởi tố hình sự

Trao đổi với Phóng viên Dân trí về vụ việc gây bức xúc trong dư luận, Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp cho biết, trong trường hợp người bị hại có đơn đề nghị xử lý hình sự nhóm đối tượng thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc tiến hành trưng cầu giám định thương tích đối với các nạn nhân, xác định danh tính của đối tượng gây án để tiến hành khởi tố. Các đối tượng sẽ bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự hoặc tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 bộ luật hình sự.

Trường hợp nạn nhân không có yêu cầu xử lý hình sự nhưng vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng thì theo luật sư Cường, khi sự việc đã được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc và có thể cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự trong một số trường hợp mặc dù nạn nhân không có yêu cầu.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật Đồng đội cho biết, nếu hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 134 Bộ luật hình sự thì kể cả bị hại không yêu cầu, vụ án vẫn bị khởi tố. 

Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thấp nhất là 5 năm với tội phạm ít nghiêm trọng. Vụ việc tại Cà Mau được cho là diễn ra từ tháng 5/2022 nên đến nay vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường cho rằng, hành vi có thể được xác định là có tính chất côn đồ, gây ra thương tật cho nạn nhân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên dù thương tích dưới 11% thì cơ quan điều tra cũng sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và xử lý với nhóm đối tượng này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự. Mức hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ thương tích của nạn nhân trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường nhấn mạnh một điểm đáng chú ý, trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mối liên hệ giữa người bị đánh đập, hành hạ đối với các đối tượng. Trong trường hợp nạn nhân có mối quan hệ lệ thuộc về công việc và hành vi được xác định là đối xử tàn ác với người lệ thuộc gây tổn hại đến tâm lý và sức khỏe thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội hành hạ người khác theo Điều 140 bộ luật hình sự.

"Tuy nhiên nếu hành vi hành hạ người khác không chỉ là hành vi gây ra tổn thương cơ thể mà còn là hành vi cố ý gây thương tích, hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cố ý gây thương tích thì sẽ xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự chứ không xử lý về tội hành hạ người khác. Bởi nguyên tắc nếu hành vi vi phạm pháp luật thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của nhiều tội danh thì sẽ xử lý ở tội danh có mức hình phạt nghiêm khắc nhất", ông Cường nói.

Một điều cũng đáng lưu ý khác, theo quy định tại Điều 155 bộ luật tố tụng hình sự thì với tội hành hạ người khác và tội cố ý gây thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng (theo khoản 1) thì bắt buộc phải có đơn yêu cầu của người bị hại thì cơ quan điều tra mới có thể khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm ở khoản 2 của các tội danh được liệt kê trong điều luật thì không cần phải có đơn yêu cầu của người bị hại, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự nếu trường hợp vụ việc thuộc khoản 1, điều 140 hoặc khoản 1, điều 134 bộ luật hình sự thì mới cần phải có đơn yêu cầu của người bị hại. Trường hợp hành vi cố ý gây thương tích hoặc hành vi hành hạ người khác mà ở mức độ nghiêm trọng (theo khoản 02) thì không cần người bị hại phải có đơn, cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc và nếu có đủ căn cứ thì sẽ khởi tố vụ án hình sự mà không cần phải đơn của người bị hại.

Nạn nhân sợ hãi có thể được "dẫn giải"

Bên cạnh đó, trong trường hợp có căn cứ xác định có 2 nạn nhân bị hành hạ, đánh đập nhưng vì sợ hãi hoặc do sợ mất việc, sợ bị trả thù mà không dám tố cáo thì sau khi xác định được danh tính 2 nạn nhân, cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác theo khoản 2, Điều 140 bộ luật hình sự hoặc tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, Điều 134 bộ luật hình sự.

Vụ 2 công dân bị đánh trên tàu cá: Không có đơn trình báo vẫn xử lý hình sự - 2

Người đàn ông áo xanh bị người khác dùng kìm kẹp vào ngón tay (Ảnh cắt từ clip).

"Trường hợp nạn nhân không hợp tác, không phối hợp với cơ quan điều tra để giám định thương tích, xác định hậu quả thì cơ quan điều tra có thể "dẫn giải" người bị hại theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự 2015. Đây là điểm mới của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 nhằm xử lý triệt để đối với hành vi cố ý gây thương tích nghiêm trọng mà người bị hại không hợp tác", luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.

Ngoài ra nếu mối quan hệ giữa người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại đến sức khỏe của người khác với nạn nhân không phải là quan hệ lệ thuộc, hành vi rõ ràng là có mục đích nhằm gây thương tích cho nạn nhân thì một số trường hợp vẫn có thể xử lý hình sự mà không cần phải có đơn yêu cầu của người bị hại.