Chuyện hai cái tát!

(Dân trí) - Cần phải có một quy trình quản lý để dù có muốn, những người có máu tham cũng không lấy được đồng thời xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán...

m_cong-quy.jpg

 

 

Một thông tin rất nhạt nhẽo vừa được một số báo đăng tải bởi thứ nhất, lại là chuyện tham nhũng, một đề tài vốn quen thuộc, diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở bất cứ đâu.

Thứ hai, số tiền không lớn. Thậm chí, so với các vụ trăm tỉ, ngàn tỉ đồng nó nhỏ như “cái móng tay”. Thế nhưng, nếu suy ngẫm thì câu chuyện không hề đơn giản.

Đó là vụ tham nhũng xảy ra tại P.11, Q.6, TP.HCM, theo đó, bà Quách Vân Loan, một cán bộ xóa đói giảm nghèo không chuyên trách đã chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng của 267 hồ sơ vay vốn.

Nếu như cách đây khoảng 2 thập kỉ thì số tiền tham nhũng 7 tỉ đồng là lớn, rất lớn. Còn nhớ thời điểm đó, vụ án một giám đốc ở Miền Tây tham nhũng, thất thoát cũng với số tiền 7 tỉ đồng đã râm ran cả nước. Báo chí đưa tin nhiều ngày, dư luận sửng sốt thì giờ đây, có lẽ không mấy người quan tâm.

Điều này chứng tỏ, kinh tế đất nước đi lên, đồng tiền mất giá và tệ nạn tham nhũng đã có nhiều… tiến bộ!

Trở lại với vụ tham nhũng tại P.11, Q.6, điều đáng suy ngẫm ở đây là đối tượng phạm tội chỉ là một cán bộ không chuyên trách, tức là một chức vụ nghiệp dư và rất bé.

Thế mà lạ thay, vẫn có thể tham nhũng được tới 7 tỉ đồng thì quả là đáng ngạc nhiên bởi sao mà tham nhũng dễ đến như thế và nếu chuyên trách hoặc chức tước to hơn, nếu tham thì có thể số tiền sẽ lớn hơn rất nhiều?

Song, nếu ngẫm nghĩ thì cũng chẳng… ngạc nhiên bởi đã từng có những vụ tham nhũng, thất thoát mà đỉnh cao là 12 dự án điểm từng lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng thua lỗ, thất thoát.

Trong khi có không biết bao nhiêu cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… Nhưng chỉ khi UB Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì sự việc mới vỡ lở.

Thành thật, nhiều khi có cảm giác tiền bạc quốc gia như để trong cái hòm không khóa, bất cứ ai liên quan cũng có thể… thò tay vào lấy được.

Trong khi, một trong ba bí quyết phòng chống tham nhũng là không thể lấy, không dám lấy và không muốn lấy thì ở ta, cái khâu quan trọng nhất (không thể lấy) lại quá lỏng lẻo mà vụ một cán bộ không chuyên trách cũng có thể lấy được đến 7 tỉ đồng là một trong muôn vàn ví dụ.

Nhớ lại ngày còn bé, người viết bài này sau một năm chăn vịt được mẹ cho mấy hào (tiền khi đó) đã lơ đãng để cho cô bé hàng xóm sang lấy mất.

Bữa đó, mẹ tôi đã thẳng cánh tát tôi 2 cái (một điều chưa từng với bà) nảy lửa.

Lý do, mẹ tôi giải thích rằng cái tát thứ nhất, đó là do tôi không biết quý trọng đồng tiền mồ hôi, công sức của mình. Đồng tiền phải “đi liền với ruột”.

Cái tát thứ hai, bà nói rằng chính việc làm của tôi đã kích thích lòng tham của cô bé hàng xóm, khiến họ mắc lỗi…

Có lẽ đã đến lúc cần phải có một quy trình quản lý để dù có muốn, những người có máu tham cũng không lấy được đồng thời xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán bởi hình như lâu nay, họ không có nhiều trách nhiệm với những kết luận của mình?

Xin được nhắc lại, đừng để tiền của nước, của dân như đựng trong một cái rương không khóa mà bất cứ ai có lòng tham cũng có thể thò tay vào là lấy được.

 

Bùi Hoàng Tám