Một vụ “đòi tiền” dai dẳng!

(Dân trí) - Một thông tin gây chú ý ngay đầu năm mới 2019, đó là câu chuyện “đòi tiền” của Tổng công ty Dầu (PVOil) với Tổng cục Hải quan.

m_xin-hoan-thue.jpg

 

 

Cụ thể, năm 2015, khi Việt Nam áp dụng ưu đãi thuế quan ASEAN, xăng dầu nhập khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi. Trước đây, doanh nghiệp nộp tiền thuế thông thường, sau khi hải quan rà soát hồ sơ nếu đủ điều kiện họ sẽ hoàn tiền cho doanh nghiệp. Lô hàng của PVOil tuy đạt chuẩn nhưng thiếu 1 chữ ký nên bị cho là không hợp lệ. PVOil phải tạm nộp thuế và không được hoàn lại tiền.

 

“20 công văn, mỗi tháng gửi 1 công văn. Sau 20 tháng thì chúng tôi nhận lại tiền. Hải quan thông qua Kho bạc nhà nước hoàn trả 67 tỷ đồng, bao gồm số tiền chúng tôi bị phạt do nộp chậm” – ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PVOil chia sẻ với báo chí như vậy.

 

Câu chuyện này được ông Dương cho rằng, đây là một kết quả “win-win” – tức đôi bên đều có lợi. Song, để có được cái kết “có hậu” này, người viết cảm thấy khâm phục doanh nghiệp bởi sự kiên trì của họ.

 

Rõ ràng, không phải đơn vị nào cũng có thể đeo bám vụ “đòi tiền” từ cơ quan chức năng một cách “dai dẳng” như PVOil. Vì họ có sự tự tin của một “ông lớn” trong lĩnh vực của mình? Họ có gốc là doanh nghiệp Nhà nước? Hay đơn giản vì khoản tiền 67 tỷ đồng là rất lớn? Dù với lý do nào, thì cách ứng xử nhằm đòi công bằng cho chính mình trong trường hợp này vẫn nên được coi là một điển hình để cộng đồng doanh nghiệp tham khảo.

 

Doanh nghiệp phần lớn vẫn chọn phương án im lặng, “chịu trận” bởi họ “ngại va chạm” với chính quyền, với đơn vị chức năng, bất đắc dĩ lắm mới phải lên tiếng về những bất lợi xảy đến.

 

Đành rằng, những vấn đề liên quan đến thuế, đặc biệt là hoàn thuế, rất nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, đòi hỏi sự thận trọng nhất định. Tuy nhiên, tiền hoàn thuế, rõ ràng là tiền của doanh nghiệp, có vai trò, ý nghĩa rất lớn để doanh nghiệp quay vòng vốn, thu xếp tiền hàng…

 

Việc chậm trễ trong hoàn thuế trong nhiều trường hợp có thể khiến doanh nghiệp lỡ cơ hội kinh doanh, lãng phí thời gian… Nói cho cùng, ảnh hưởng đến chính hoạt động đóng góp thuế của doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước.

 

Điều đáng nói là trong bối cảnh xếp hạng môi trường kinh doanh bị “tụt hạng”, Chính phủ cũng có nhiều giải pháp mạnh mẽ để cải cách thủ tục hành chính, thế nhưng, trong nhiều năm, việc hoàn thuế với doanh nghiệp vẫn phải trải qua một chặng đường đầy gian nan.

 

Trong khi đó, những vấn đề có liên quan khác như chống chuyển giá, chống gian lận, trốn thuế… vẫn nhức nhối năm này sang năm khác.

 

Thiết nghĩ, khi doanh nghiệp nợ thuế, chậm nộp thuế thì bị “bêu” tên, bị nhắc nhở và bị phạt, đó là điều không bàn cãi. Nhưng khi hoàn thuế chậm chạp, cơ quan chức năng có lỗi, thì nên ứng xử như thế nào cho phải lẽ?

 

Doanh nghiệp phát triển thì ngân sách được hưởng lợi. Việc không đảm bảo được quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho doanh nghiệp trong vấn đề thuế, rốt cuộc chỉ khiến doanh nghiệp trở nên “chùn bước”. Điều này cũng lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp “không muốn lớn”, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ muốn dừng lại ở quy mô “hộ gia đình”.

 

Đất nước đang càng ngày càng hội nhập sâu rộng, chúng ta luôn tự hỏi làm sao có thể tiến xa nhờ vào “đội quân thuyền thúng”, nhưng cũng cần phải xem lại rằng, trước khi có thể cạnh tranh với những “ông lớn” nước ngoài thì bản thân các doanh nghiệp nội đã được hỗ trợ đúng mức, đã được đối xử sòng phẳng hay chưa?

 

Câu hỏi xin dành các cơ quan chức năng, mà cụ thể là ngành thuế và ngành hải quan trả lời, qua chính thực tiễn của năm 2019!

 

Bích Diệp