" Thầy xin em…"

(Dân trí) - Trước thảm trạng “ươm trồng” tiến sỹ như ươm… nấm rơm gần đây, tôi mới lờ mờ hiểu ý tứ sâu xa của thầy tôi. Phải chăng cái danh hiệu ấy đã “hoen ố” đến mức các thầy, những nhà khoa học chân chính cảm thấy hổ thẹn, đành phải “Thầy xin em!”…?

" Thầy xin em…" - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Cách đây ít lâu, tôi được mời tham dự Hội thảo Ngữ học Trẻ toàn quốc lần II tổ chức tại Đại học Vinh. Giảng đường mênh mông, thiết bị âm thanh cực chuẩn, ngồi cuối hội trường, tôi chăm chú nghe tham luận của giới Ngữ học Trẻ đến từ các vùng miền trong nước. Giữa hàng ngàn sinh viên ĐH Vinh, tôi như đứng giữa các rạch luồng về với thời giảng đường ngút ngát hoài bão, mát rợp ước mơ.

Tham gia điều hành Hội thảo là bốn vị GS. TS ngành Ngữ học đều từng trực tiếp dạy tôi hơn 20 năm trước. Đó là thầy Nguyễn Lai - bảo vệ luận văn chuyên ngành tại CHDC Đức. Thầy Đoàn Thiện Thuật và thầy Đinh Văn Đức bảo vệ tại Pháp. Thầy Nguyễn Thiện Giáp bảo vệ khóa đầu tiên trong nước (do vướng thành phần nên không  được du học). Các thầy đều là những nhà khoa học có tên tuổi trong làng  Khoa học Xã hội Việt Nam. Thầy Nguyễn Lai từ năm 1987, làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội. Thầy Đoàn Thiện Thuật được giới chuyên môn vinh danh “Cụ tổ” của nền Ngữ âm non trẻ nước nhà. Tại thời điểm cuộc Hội thảo, thầy Nguyễn Lai, thầy Đoàn Thiện Thuật đã nghỉ hưu, song vẫn tham gia các hoạt động khoa học chuyên ngành.

Để được hàn huyên với các thầy sau gần 20 năm ra trường, trưa ấy nhóm cựu sinh viên Khoa Ngữ văn ĐH Tổng hợp ở “đất học” xứ Nghệ trân trọng mời bốn thầy dùng cơm thân mật tại Khách sạn Phượng Hoàng. Sau bữa cơm thân mật, để giúp tôi, các thầy dành hẳn một tiếng đồng hồ trả lời phỏng vấn xoay quanh Hội thảo. Với tác phong của nhà khoa học, trước khi trả lời phỏng vấn, các Thầy hỏi tôi bài viết tối đa bao nhiêu chữ để “liệu cơm gắp mắm”. Chừng 40 phút sau, cuộn băng ghi âm thu trọn  một “núi” nguyên liệu, trong khi chỉ cần một phần tư thôi cũng quá đủ 1400 chữ cho bài Tiếng Việt, chữ Việt nhiều việc phải làm. Như thông lệ, tôi cám ơn các thầy:

- Em xin thay mặt các bạn cám ơn các thầy đã dành cho chúng em cuộc gặp mặt hôm nay. Về cá nhân, em xin cám ơn các thầy đã cung cấp cho em tư liệu để làm bài phỏng vấn này…

Tôi vừa dứt lời, thầy Nguyễn Lai đã vội đứng lên trịnh trọng chắp hai tay trước ngực:

- Thầy thay mặt các thầy được nói lời xin em…

Tôi hoảng hốt không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bình tâm kiểm soát lại mọi lời nói, việc làm, tôi thấy mọi hành động của mình hoàn toàn hợp đạo lý của một trò cũ với người thầy khả kính. Điểm lại suốt một thời gian cắp sách, tôi chưa bao giờ sơ sảy để các thầy cô phải phiền lòng. Nay tóc đã muối tiêu, chẳng nhẽ lại sơ suất để các thầy phật ý? Không như vậy thì cớ gì thầy Nguyễn Lai đã vào ngưỡng bát tuần lại chắp tay trước ngực “xin xỏ” cậu học trò cũ chỉ bằng tuổi con mình? Trống ngực tôi đập to như trống làng khi tay thầy vỗ nhẹ:

- Thầy xin em! Nếu trong bài viết phải đưa danh tính của các thầy, em chỉ ghi học hàm thôi, đừng ghi học vị. Buồn lắm…!

- Ngày đó, dù chưa thấu tận nỗi buồn của thầy nhưng trong bài phỏng vấn tuân thủ lời căn dặn, tôi chỉ ghi học hàm giáo sư mà không ghi học vị tiến sỹ.

12 năm trôi qua kể từ cuộc phỏng vẩn ấy, chẳng hiểu sao ba chữ Thầy xin em.. cứ nặng như núi trong tâm tưởng tôi.

Mãi đến gần đây, trước thảm trạng “ươm trồng” tiến sỹ như ươm… nấm rơm, tôi mới lờ mờ hiểu ý tứ sâu xa của thầy tôi. Phải chăng cái danh hiệu ấy đã “hoen ố” đến mức các thầy, những nhà khoa học chân chính cảm thấy hổ thẹn, đành phải “Thầy xin em!”…?

Tôi nghĩ lan man và chợt ước giá như một số cán bộ, quan chức chỉ vì mục đích "thêm chân cho ghế" đã trót lấy bằng tiến sỹ "hệ ưu đãi", "hệ tiến sỹ đậu trước, lớp 10 đậu sau" biết theo gương của các thầy tôi thì quả tuyệt vời. Trong các nghi lễ tôn nghiêm có đông đủ ba quân thiên hạ, khi phải giới thiệu chỉ cần nêu chức vụ như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phó Ban…vv… là đủ oai phong lắm rồi. Sao họ cứ thích được trưng ra cái "học vì tiền" sỹ giời ơi ấy nhỉ?
                      
THUẬN NGÔN
(GIAO HƯỞNG)