Thông tin giật mình cho các “quan tham… nghèo khó”?

(Dân trí) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2019 là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong toả tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.

m_thu-hoi-1.jpg

 

 

Đây là nội dung phát biểu đáng chú ý của Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển tại cuộc họp báo thường kỳ do cơ quan này tổ chức sáng 28/1, đặc biệt là trong bối cảnh, số vụ việc tham nhũng thời gian qua dù được phát hiện không phải là ít thế nhưng tài sản tham nhũng bị tịch thu lại không nhiều.

Trong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất, nhưng mới thu hồi cho Nhà nước 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Số tài sản thu hồi được vô cùng ít so với số tài sản bị mất do tham nhũng. (Báo Đầu tư 29/6/2018). Tính ra, tỷ lệ thu hồi chưa tới 8%.

Nhiều cử tri, trong đó có người viết, cảm thấy thất vọng về con số này. Bởi rằng, với tỷ lệ thu hồi thấp như trên thì phần lớn tài sản của xã hội bị thiệt hại do các vụ tham nhũng gây ra đã “không cánh mà bay”, đúng hơn là bằng những cách thức tinh vi “chui” vào túi một vài cá nhân,  song không thu về được.

Tại một buổi toạ đàm về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam diễn ra cách đây không lâu, ông Nguyễn Văn Kim – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) từng đưa ra đánh giá, “số quan chức giàu rất nhiều”, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng quan chức giàu bất minh từ việc vi phạm, lợi dụng cơ hội từ vị trí công tác đem lại.

Đã không ít lần người ta phải sửng sốt trước những chiếc đồng hồ tiền tỉ, thậm chí giá đến hàng chục tỷ đồng của cán bộ Nhà nước, trong khi lương theo chức danh chỉ hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Tiền ấy ở đâu ra? Chưa kể, tiền chi người thân đi du lịch nước ngoài, cho con cái du học, sắm sửa hàng hiệu xa xỉ, xây lâu dài biệt thự khang trang v.v. Nếu không lý giải bằng việc lao động đến “thối móng tay” thì quả thực khó mà khiến người ta tin nổi!

Chính bởi vậy, nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì dễ hiểu vì sao ngọn lửa chống tham nhũng, dù đã được thổi bùng lên song rất nhiều quan tham vẫn “trơ lỳ”, ung dung vơ vét. Trường hợp “chẳng may” bị phát lộ, bản thân người tham nhũng có bị xử lý thì người thân của họ vẫn có thể ngang nhiên sử dụng số tài sản đó, như câu nói châm biếm của dân gian: “Hi sinh đời bố, củng cố đời con”. Công thức “dĩ công vi tư” lúc đó há chẳng phải là đã đạt được mục đích!?

Theo ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), khác với ở nhiều nước, bị can không chứng minh được số tài sản mình sở hữu là hợp pháp đều bị thu hồi. Ở ta thì ngược lại, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải đi chứng minh số tài sản bị can sở hữu là bất hợp pháp mới có thể thu hồi được. Trong khi đó, việc chứng minh tài sản bất hợp pháp vô cùng khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian, công sức.

Thật hài hước và nực cười khi một số vị chức sắc là then chốt của những vụ án tham nhũng tới hàng nhiều tỷ đồng thế mà khi kiểm kê tài sản lại lộ ra rằng mình… rất nghèo! Nói một cách dân dã thì nhiều vị quan thật sướng vì họ có vợ/chồng giỏi giang, thức thời, kinh doanh lại “mát tay” nên mới gây dựng được cơ nghiệp khổng lồ làm điểm tựa.

Điều đó chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào niềm tin của người dân, vào sự phấn khởi của biết bao người trước khí thế “tổng động viên” chống mọi hình thức tham nhũng đang lan rộng  trong đời sống xã hội.

Bởi vậy, khi việc “nâng cao hiệu quả việc thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng” được triển khai một cách cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở quyết tâm và tuyên bố, thì ai cũng mừng!

 

Bích Diệp