Tôi bỏ cuộc lần thứ 3 với tiếng Việt!

(Dân trí) - Câu trả lời phổ biến nhất khi bạn hỏi người nước ngoài tại Việt Nam về trình độ tiếng Việt của họ là "dậm chân tại chỗ". Điều đó có nghĩa là họ học cách nói "Đắt quá!" và "Tôi đang học tiếng Việt!", rồi họ bỏ cuộc.

Tôi hoàn toàn thuộc vào nhóm này, khi đã bỏ cuộc tới 3 lần. Mỗi lần bắt đầu trở lại, tôi lại thụt lùi thêm, nghĩa là bây giờ tôi nói tiếng Việt còn tệ hơn hồi mới đặt chân tới đất nước này.

Có hàng loạt cái cớ được bày sẵn mà những người nước ngoài như tôi sử dụng để biện hộ cho việc liên tục bỏ cuộc. Cớ thứ nhất là tiếng Việt rất khó cho những người nói tiếng Anh có thể làm chủ. Điều này là thật.

Tôi bỏ cuộc lần thứ 3 với tiếng Việt! - 1
  
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
Tôi đã học tiếng Pháp 10 năm, tiếng Latin trình độ Đại học, và một bằng đại học ngành ngôn ngữ học. Thế nhưng tôi đã hoàn toàn bị đánh bại bởi 6 thanh đơn giản của tiếng Việt. Tôi biết cách phát âm chúng, tôi nhận ra chúng khi nghe, nhưng tôi không thể nào nhớ thanh nào đi với từ nào.

Kết quả là những cuộc hội thoại như sau, khi tôi chui vào một chiếc taxi và yêu cầu ra ga, và tất cả những gì tôi có thể nhớ là từ này là một biến thể nào đó của âm "ga".

Tôi: Gà!

Tài xế: [Phản ứng tốt nhất có thể trông đợi khi ai đó chui vào xe anh
ta và nói "gà"]

Tôi: Không phải cái đó. Gá?

Tài xế: [Hừm, cô ta bắt đầu gá bạc chăng?]

Tôi: Được rồi, tôi sẽ thử "gã"?

Tài xế: [Chà... một con gà đang gá bạc cho một gã nào chăng...?]

Tôi: Hay là gả?

Tài xế: [Cô ta muốn gả con gái? Cho mình? Hay cho con gà?]

Tôi: Ừm, còn gì nữa nhỉ? Gạ chăng?

Tài xế: [Và bây giờ thì cô ta đang gạ gẫm mình. Thật không ổn]

Tôi: STATION!! TRAINS!! (GA!! TÀU!!)

Tài xế: Station! Yes, OK!

Cuộc hội thoại này cũng minh họa luôn cái cớ thứ hai mà người nước ngoài dùng để khỏi phải nói tiếng Việt: Thực tế là dùng tiếng Anh đơn giản thì sẽ bớt khổ sở hơn cho mọi người liên quan, hoặc thậm chí dùng kịch câm, hay vũ kịch, hay bất cứ hình thức giao tiếp nào ngoài thứ tiếng Việt bập bẹ.

Từ khi sống ở Việt Nam, khả năng hội họa của tôi đã tăng vùn vụt nhờ việc liên tục phải phác thảo những vật dụng tôi muốn mua nhưng không thể phát âm. Các tác phẩm của tôi rất đa dạng, từ cái gọt khoai tây cho tới dây nhảy cho tới thuốc tẩy giun.

Cái cớ thứ ba là người Việt đơn giản là cười - rất to, đôi khi cúi gập người và vỗ đùi đen đét - khi người nước ngoài cố gắng nói chuyện với họ bằng tiếng Việt. Họ chỉ trỏ, cười ha hả, và đôi khi thậm chí gọi bạn bè ra để nghe, nhưng không phải vì họ ác ý hay thiếu lòng từ thiện, mà bởi vì những gì chúng tôi nói là vô cùng buồn cười.

Tôi cũng sẽ cười nếu trong tiếng Anh có ai đó dùng một từ rất bậy khi muốn mua một quả bưởi, một việc mà tôi từng làm quá nhiều trong tiếng Việt đến nỗi giờ đây tôi chỉ dám rón rén chỉ vào thứ quả đó, với đôi môi mím chặt.

Có vẻ như với mỗi từ trong tiếng Việt, chỉ một thay đổi rất nhỏ cũng sẽ thay đổi nghĩa của nó thành một từ rất bậy. Bất cứ người nước ngoài nào sống ở miền Bắc Việt Nam mà đã từng cố gọi món thịt lợn sẽ hiểu tôi đang nói gì.

Cái cớ cuối cùng là, càng không biết thì càng tốt. Đôi khi bạn đơn giản là không muốn biết việc gì đang diễn ra quanh mình, hay cụ thể hơn, người ta đang nói gì về bạn. Sự hăng hái học các tính từ mới của tôi bị chặn lại khá bất thình lình sau khi tôi học từ "béo" (nhưng lạ là sự hăng hái của tôi đối với món bánh Choco-Pie vẫn không ngừng).

Thật đáng ghét là lại có một số kha khá người nước ngoài biết nói tiếng Việt, rất tốt là khác. Sự tồn tại của họ đã vạch trần sự thật là những cái cớ trên chỉ là những cái cớ mà thôi, và những người bạn Việt của tôi sẽ sẵn sàng dùng đó làm bằng chứng cho thấy việc này không phải là bất khả thi như những người như tôi cố chứng tỏ.

Và đó là sự thật. Cái cớ rằng tiếng Việt quá khó không có mấy trọng lượng khi bạn tranh luận với một người đã học để nói tiếng Anh một cách xuất sắc - thứ tiếng không phải dễ làm chủ. Và đúng là bị cười khi bạn chỉ muốn một quả bưởi thì xấu hổ thật, nhưng bạn biết điều gì đáng xấu hổ hơn không? Đó là sống ở một nước hơn 1 năm mà vẫn chưa phát âm được đúng tên đường nơi mình sống.

Thế nên, trở lại với sách vở thôi. Có thể lần này tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học, và ít hơn cho những cái cớ.

Tabitha Carvan
A.H dịch
* Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả. Xin mời độc giả đọc bản gốc bằng tiếng Anh của Tabitha tại đây.