“Tống cựu nghinh tân”, hãy xứng đáng với niềm “tự hào, tin tưởng”!

(Dân trí) - Ngay trong những ngày đầu của năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

m_lam-luat.jpg

 

 

Trong đó, chỉ rõ những yếu kém hiện tại chủ yếu do chủ quan, yêu cầu khắc phục tồn tại của cơ quan được phân công phụ trách lĩnh vực này.

Những yêu cầu nêu tại Chỉ thị 30 càng có ý nghĩa khi cả nước đang rộn ràng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, cũng là dịp hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng có điều kiện lộng hành. Trong khi đó, những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận đơn vị quản lý thị trường lại được đặt ra.

Mới cách đây không lâu (tháng 12/2018), đã xảy ra vụ hai cán bộ quản lý thị trường tỉnh Nghệ An bị khởi tố, bắt tạm giam vi hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

Nhóm cán bộ này bị cáo buộc vào tận phòng ngủ của dân để ra giá với một thầy lang 3 lỗi bị phạt 50-60 triệu đồng kèm “gợi ý” nếu không đủ tiền nộp phạt thì đưa 6 triệu đồng để bỏ qua lỗi.

Nếu vị thầy lang kia không có vi phạm mà bị “vòi tiền” trắng trợn như trên thì đây chẳng khác gì một hành vi “trấn lột”. Còn ngược lại, nếu thầy lang kia thực sự có vi phạm khi không có giấy phép kinh doanh và không có chứng chỉ hành nghề thì hành vi vòi vĩnh của nhóm cán bộ này càng không thể chấp nhận được.

Khi mà những vi phạm đều có thể định giá được và đổi chác nhằm lấp liếm đi thì chẳng những quy định luật pháp bị rẻ rúng, coi thường mà quyền lợi, sự an toàn, thậm chí là sức khoẻ, tính mạng của người dân cũng bị chà đạp bởi chính những người đang được giao cho chức năng “quản lý”, thiết lập lại trật tự, công bằng trên thị trường.

Một thống kê mới nhất của Tổ chức ghi nhận ung thư quốc tế cho thấy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có thêm khoảng 164.000 người mắc ung thư. Theo số liệu của WHO, năm 2018, Việt Nam có thêm khoảng 115.000 người tử vong do ung thư (VTV-ngày 13/12/2018). Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ung thư ngày càng cao, một phần không nhỏ do thực phẩm bẩn, do hàng hoá kém chất lượng, độc hại gây ra.

Không những vậy, những hành vi “gợi ý”, “ra giá” đó còn phần nào bóp méo thị trường, tạo điều kiện cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại, gây tổn hại, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp, tổ chức làm ăn chân chính.

Không ít đơn vị khởi nghiệp với những hoài bão, khát vọng mang lại sản phẩm tốt cho người tiêu dùng song đã sớm bị “chết yểu” trước sự lấn lướt của hàng giả và hàng nhái.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Quản lý thị trường diễn ra ngày 21/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã nhắc lại vụ việc ở Nghệ An nói trên và coi “đây là sự việc đau xót”.

Tất nhiên, chúng ta không thể vì một bộ phận có vấn đề mà phủ nhận đi tất cả nỗ lực của ngành quản lý thị trường, đặc biệt là thời gian gần đây đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Dẫu vậy, trong thời điểm cuối năm, người viết vẫn hy vọng, với tinh thần “tống cựu nghinh tân”, ngành quản lý thị trường sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn trong năm mới như chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nhắn nhủ với lãnh đạo ngành này:

“Với tinh thần cầu thị, chúng ta cần nghiêm túc, nghiêm khắc nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế để tìm ra nguyên nhân, khắc phục một cách hiệu quả”. Đồng thời, Bộ trưởng cũng khích lệ: "Chúng ta có quyền tự hào, tin tưởng vào năng lực của lực lượng QLTT".

Năm mới, lãnh đạo mới, cơ cấu tổ chức mới, mong rằng Tổng cục xứng đáng với niềm “tự hào, tin tưởng” của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và của người tiêu dùng cả nước.

 

Bích Diệp