Từ bóng đá, nghĩ về giấc mơ “hoá hổ, hoá rồng” nền kinh tế

(Dân trí) - Kỳ tích tiếp nối kỳ tích. Sau khi lọt vào vòng 1/8 Asian Cup 2019 đầy kịch tích, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam tiếp tục chiến thắng nghẹt thở trước đội tuyển Jordan, một đối thủ mạnh chưa để thủng lưới bàn nào tại giải đấu này, để tiến thẳng vào vòng tứ kết.

 

m_bong-da-vn.jpg

 

 

Hàng nghìn người hâm mộ không thể kìm nén được cảm xúc đang vỡ oà, đổ ra đường ăn mừng với tinh thần tự hào dân tộc bùng nổ.

Ngay sau chiến thắng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp biểu dương các tuyển thủ “thi đấu với tinh thần tự tin, quả cảm, hết mình để giành chiến thắng”.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo Việt Nam của các cầu thủ, cống hiến cho khán giả và người hâm mộ một trận cầu ấn tượng. Những nỗ lực của các cầu thủ đã giúp đội tuyển của chúng ta chiến thắng một đối thủ mạnh, giành quyền đi tiếp vào vòng tứ kết, trở thành một trong tám đội bóng mạnh nhất châu lục.

Trước đó, tại một sự kiện kinh tế diễn ra cuối tháng 12/2018, Thủ tướng cũng đã đặt vấn đề, việc phát triển công nghệ hỗ trợ cần có tinh thần như bóng đá, với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực, “chứ bình bình thì làm sao thành công được”.

Theo ông, “tinh thần thể thao hay bóng đá cũng truyền vào được kinh tế thì mới thành công được”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí gần đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khiến nhiều người bất ngờ xen lẫn thú vị khi chia sẻ rằng, thần tượng của ông chính là U23 Việt Nam và đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Một năm trước, với việc đội tuyển U23 Việt Nam lọt vào chung kết U23 châu Á cũng đã nhận được tràng pháo tay chúc mừng của các đại biểu tham dự một phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra tại Davos - Thuỵ Sỹ hồi tháng 1/2018. Ngay như Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới cũng từng “đi bão” để ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam.

Đây quả là những câu chuyện “thần kỳ”, đến mức khó tin và khơi dậy lòng tự hào dân tộc của bất cứ người dân Việt Nam nào.

Không tự hào sao được khi chỉ trong vòng hơn 1 năm, bóng đá Việt Nam đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, hiện diện rõ nét trong bản đồ bóng đá châu lục, khẳng định trình độ và tầm vóc của mình.

Thành công đó được tạo nên bởi tinh thần, ý chí chiến đấu của cả đội bóng, cả ban huấn luyện. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, người có tầm quan trọng quyết định chính là HLV trưởng người Hàn quốc, ông Park Hang-seo. Dưới sự dẫn dắt của ông Park, các cầu thủ đã phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của mình. Ông cũng gắn kết tinh thần đồng đội, thổi bùng ngọn lửa quyết tâm và cải thiện thể lực cho các cầu thủ.

Cho nên, có thể nói, không chỉ riêng bóng đá mà ở bất cứ lĩnh vực nào, vai trò của người đứng đầu, của người lãnh đạo là vô cùng quan trọng. Vẫn là những con người ấy, vẫn là những tiềm năng ấy, một người lãnh đạo giỏi chính là người có thể khai thác được tối đa sức mạnh tập thể.

Muốn thế, bên cạnh tài năng, người lãnh đạo còn phải có tâm huyết, có chiến lược trong sử dụng nhân tài.

Nếu như tinh thần ấy của bóng đá cũng được áp dụng vào thực tiễn nền kinh tế, thực tiễn quản lý tại các tổ chức chính quyền, tin rằng, giấc mơ “hoá hổ”, “hoá rồng” của chúng ta sẽ sớm thành hiện thực với sự toả sáng của nội lực và khát vọng toàn dân.

 

Bích Diệp