Về phát biểu thẳng thừng của Bí thư Đà Nẵng

(Dân trí) - Người viết bài này còn mong muốn hơn, đó là không chỉ chờ đợi ở ai đó “có sẵn sàng nghỉ hưu không?” mà cần có cơ chế để thẳng tay loại bỏ những ai chần chừ, do dự, nhụt chí.

m_cong-tac-can-bo-c.jpg

 


Tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2019 của UBND TP, khi một chủ tịch xã kêu ca về việc địa phương mình gặp khó khăn trong quản lý vì số lượng biên chế đã ít, nay lại còn cắt giảm biên chế, ông Trương Quang Nghĩa đã phát biểu thẳng thừng:
"Biên chế chỉ có thế thôi, liệu các đồng chí làm được không hay để cho người khác làm. Các đồng chí có sẵn sàng nghỉ việc sáu tháng để Ban Thường vụ phân công một ông Phó chủ tịch hoặc một ông Chủ tịch nào đấy đến nhận công tác ở đấy. Nếu người ta làm tốt thì các đồng chí có sẵn sàng nghỉ hưu không?”.

Thật ra, nội hàm của câu nói này không mới bởi trước đây khoảng 9 tháng (4.2018), tại phiên họp báo cáo kết quả kiểm tra 5 đoàn kiểm tra của Ban Bí thư việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói:

“Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.

Sau đó ít lâu (tháng 11.2018), tại phiên họp bàn Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, năm 2019 chính là năm “tăng tốc” để thực hiện nhiệm vụ cả 5 năm. Vì vậy, ngoài phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động”, cần chú ý đến vấn đề “tăng tốc” và “đổi mới”, tránh tình trạng quá thận trọng, chần chừ, an toàn là chính, bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn sợ trách nhiệm thực thi công vụ. 

“Người đứng đầu phải thay những cá nhân không làm được việc”. Ông Huệ nói.

Gần đây nhất (21.1.2019), tại phiên họp Tổng kết năm 2018, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2019 của Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất quyết liệt:

"Cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với các chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng trong vấn đề thực thi nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Mất lòng trước thì đỡ mất lòng sau, ông bà ta vẫn nói như vậy. Cần mạnh dạn hơn nữa, không được né tránh".

Từ những phát biểu trên cho thấy, năm 2019 sẽ là một năm quyết liệt trên mọi phương diện, từ chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng đến phát triển kinh tế, thực thi nhiệm vụ và cải cách hành chính.

Điều này cũng là đương nhiên bởi chỉ còn khoảng 2 năm nữa, nhiệm kỳ Đại hội Đảng 12 sẽ kết thúc. Trong khi đó, hàng loạt các vấn đề đặt ra cần được giải quyết để tiếp bước những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực của năm 2018 cũng như xu thế phát triển mạnh mẽ từ đời sống xã hội.

Trở lại với phát biểu của Bí thư Trương Quang Nghĩa, đây là ý kiến thẳng thừng và sòng phẳng. Làm được thì làm, không làm được thì nghỉ cho người khác làm. Không có chỗ cho những ai chần chừ, do dự, sợ khó, ngại khổ, thiếu quyết tâm, quyết liệt. Không cho phép tình trạng “đó rách ngáng chỗ”, không làm được thì nghỉ đi, từ chức đi hoặc ít nhất là “tránh ra một bên”.

Tuy nhiên về cá nhân, người viết bài này dù rất tâm đắc với quan điểm của Bí thư Nghĩa và dù nhân tài thời nào cũng hiếm. Song hiện nay, chúng ta không đến mức hiếm những người đủ tâm, đủ tài để gánh vác công việc.

Vì thế, người viết bài này còn mong muốn hơn, đó là không chỉ chờ đợi ở ai đó “có sẵn sàng nghỉ hưu không?” mà cần có cơ chế để thẳng tay loại bỏ những ai chần chừ, do dự, nhụt chí.

Nên thẳng thắn như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần phải thay ngay “những cá nhân không làm được việc” hay quyết liệt với cả cán bộ cấp cao như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với các chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng trong vấn đề thực thi nhiệm vụ…”.

Tóm lại, một Chính phủ liêm chính, kiến tạo không có chỗ cho những ai chần chừ, do dự, nhụt chí dù đó là cán bộ cấp cao.
 
Bùi Hoàng Tám