Học ngoại ngữ theo kiểu du học sinh

(Dân trí) - Học ngoại ngữ luôn là điều quan trọng nhất đối với du học sinh bởi ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập, sinh sống của các bạn. Và các du học sinh Việt Nam cũng có những cách học rất riêng để tăng khả năng sử dụng tiếng nước ngoài của mình.

Chắc hẳn chúng ta đã được nghe quá nhiều những lời khuyên trong việc học và sử dụng ngoại ngữ. Nhưng không phải ai cũng có thể học tiếng nhanh và thành thạo, kể cả trong khi đang sinh sống tại đất nước đó, nếu như thiếu sự kiên trì.

Bên cạnh việc học ở lớp, khả năng ngôn ngữ của du học sinh còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống trên đất khách. Ví dụ đơn giản như với khả năng nói trôi chảy, các bạn có thể trả giá khi đi chợ, hỏi bài bạn cùng lớp, tự đi du lịch, được bạn bè bản xứ mời đến nhà chơi,...

Không phải ai cũng may mắn được học tiếng trước khi đi du học. Và không phải ai học tiếng trước ở nhà cũng nói tốt hơn. Học ngữ pháp, học từ vựng, làm bài tập trong sách vở,… là những việc bắt buộc để học tiếng. Nhưng bên cạnh đó, các du học sinh còn có những cách học riêng.

Học ngoại ngữ theo kiểu du học sinh
Các du học sinh Việt rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội để tăng khả năng giao tiếp


Thu Trang (du học sinh Pháp) chỉ được học tiếng Pháp 3 tháng trước khi đi du học. Với chừng ấy thời gian, cô bạn chỉ đủ kịp làm quen, nói những câu đơn giản, và học chút ít ngữ pháp. Biết được điểm yếu của mình, Thu Trang đã tìm ra cách riêng để tăng khả năng giao tiếp: “Mình dành rất ít thời gian để học ngữ pháp, chủ yếu tập trung vào việc học giao tiếp. Từ khi sang Pháp, mình chấp nhận bỏ rơi em Ipod thân yêu, bỏ qua thói quen cắm headphone mọi lúc mọi nơi, mình dành thời gian lắng nghe nhiều hơn, “hóng chuyện” nhiều hơn. Mình nhận thấy, việc kè kè máy nghe nhạc khi đi trên đường làm giảm khả năng nghe nói của mình rất nhiều”.

May mắn hơn Thu Trang, Minh (du học sinh Mỹ) đã có 7 năm học tiếng Anh tại Việt Nam, nhưng chủ yếu là học ngữ pháp. Trong thời gian du học, cậu đã học giao tiếp bằng cách… đi làm thêm. Không như những sinh viên Việt Nam khác, chủ yếu xin việc tại các nhà hàng Việt, hay làm cho chủ người Việt, cậu chỉ xin việc tại những cửa hàng Mỹ.

Giải thích cho việc này, Minh nói: “Bên cạnh việc thu nhập cao hơn, thì khi làm tại những cửa hàng của Mỹ mình sẽ phải giao tiếp nhiều hơn. Chủ yêu cầu gì, khách hàng gọi gì, đồng nghiệp nói gì, mình sẽ phải cố hết sức “căng tai” ra nghe. Mình cũng không thuê nhà ở chung với bạn bè Việt, mà ở với sinh viên bản xứ, có những lúc mình cũng ở với những người bạn đến từ các đất nước khác. Nói chung là mình cố hết sức tạo ra một môi trường “Mỹ” nhất”.

Chúng ta vẫn thường nghe nói, học ngoại ngữ là phải có năng khiếu. Điều đó không sai, nhưng chưa đủ, nếu thiếu đi sự cố gắng và phương pháp học phù hợp.

Sang Anh theo học ngành truyền thông, Minh Phương (du học sinh Anh) đã cắn răng tự mua cho mình 1 chiếc tivi có TeleTex (TV hỗ trợ phụ đề). Cô bạn dành thời gian hàng ngày xem thời sự, các bản tin trong ngày, và các chương trình truyền hình.

“Thật sự là mình không hiểu hết những điều phát thanh viên nói đâu. Nhưng mình vẫn chăm chỉ nghe để quen với ngôn ngữ. Mình cũng mua báo và tạp chí của Anh đọc nữa. Việc này giúp mình quen với ngôn ngữ báo chí, ngành mà mình theo học. Ngoài ra, tham gia vào các diễn đàn trên mạng cũng giúp mình tăng khả năng viết. Viết văn bản, thư từ, trả lời forum, chat với bạn bè bản xứ khiến cho phản xạ viết của mình tăng lên rất nhiều”.

Cũng theo Thu Trang, thì việc học ngoại ngữ không phải ngày một ngày hai, và làm bài tập mỗi ngày cũng chỉ giúp được rất ít trong việc nâng cao khả năng giao tiếp hàng ngày. Đôi khi nó còn gây ra cảm giác ức chế, chán nản, lâu dần dẫn đến lười biếng. 
 
Học ngoại ngữ theo kiểu du học sinh
Kết bạn với bạn bè bản xứ giúp tăng khả năng ngoại ngữ


Cô bạn chia sẻ rằng, cách tốt nhất để tạo hứng thú học tiếng là học bằng sở thích. “Xem phim, nghe nhạc, đọc sách,… đều là những cách hay. Ví dụ như xem một bộ phim mình mê mệt bằng ngôn ngữ mình đang học, sẽ cực kì thấy mới mẻ và cuốn hút. Tuy nhiên mình cũng phải chọn lựa rất nhiều khi học bằng cách này. Đơn giản như thời gian mình mới bắt đầu học tiếng Pháp, đã hào hứng đọc ngay những quyển sách văn học dày cộp, tất nhiên khi đó trình độ mình chưa đủ, ngay lập tức mình cảm thấy nhàm chán và nản lòng”.

Giao tiếp hàng ngày để tăng khả năng nghe nói là rất quan trọng trong việc học ngoại ngữ, nhưng tìm được một người kiên nhẫn và có thời gian nói chuyện với sinh viên nước ngoài không phải là dễ.

Hương (du học sinh Nga) chia sẻ: “Các bạn cùng lớp không có nhiều thời gian để nói chuyện với mình. Lắm lúc mình nhờ họ nhiều quá cũng hơi ngại. Thế nên cách học nói của mình là nói chuyện với những người… bảo vệ. Bảo vệ của kí túc xá mình là những phụ nữ tầm 50-60 tuổi. Mình thường mang những bài tập ngữ pháp ra hỏi họ. Rồi nói chuyện và nghe họ nói. Nhờ việc này mà mình có mối quan hệ rất tốt với những người bảo vệ ở kí túc xá. Lắm lúc còn được họ cho những món ăn truyền thống của Nga rất ngon nữa”.

Tác giả bài viết này, cũng là một du học sinh, cũng vẫn đang loay hoay trong việc tìm ra một cách học tiếng phù hợp. Cái cảnh các bạn cùng lớp nói chuyện, cười đùa, và mình thì ngồi im một góc, chắc chắn mỗi du học sinh đều đã từng phải trải qua.

Thậm chí đôi khi, mình là nhân vật chính trong câu chuyện cười của các bạn mà mình vẫn không biết, vẫn nhe răng ra cười hùa theo, du học sinh cũng thường xuyên gặp. Có những bạn suốt mấy năm học cố cắn răng chịu đựng, cảm thấy quen dần với việc đó. Số còn lại, thì cố gắng hết sức để nâng cao khả năng giao tiếp, để mình không còn là “người mù, người câm, người điếc” trong trong một tập thể, một đất nước mà mình sẽ gắn bó lâu dài nữa.

Ngân Giang
(Từ LB Nga)