Làm part - time của du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Không chỉ để có thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ, du học sinh Việt Nam tại Mỹ còn muốn đi làm thêm (part time) để rèn luyện, thử thách bản thân, hình thành phản xạ khi giao tiếp bằng ngoại ngữ với người bản xứ và tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc.

Công việc part time sinh viên Việt Nam tại Mỹ khá phong phú, nhưng nói chung được chia làm 2 dạng: làm trong trường và làm ngoài trường. Làm trong trường (on campus) gồm có làm ở Starbuck coffee, Book Store, Mail Room, Trợ giảng, Trợ lý nghiên cứu, lập kế hoạch...Có điều, công việc trong trường rất ít nên phải thật kiên nhẫn và thêm chút may mắn mới kiếm được. Và, tuỳ vào vị trí mà lương khác nhau. Nhưng tất cả đều phải đóng thuế (nhưng cuối năm khoản thuế này sẽ được hoàn lại, thậm chí còn được trả nhiều hơn). 20 giờ/week là thời gian tối đa sinh viên được làm trong trường. Làm trong trường có hai kiểu để trả lương. Đối với vị trí trợ giảng, trợ lý nghiên cứu thì lương theo hợp đồng, nhận lương đầu tháng 1 lần. Còn các vị trí khác thì trả lương theo giờ. Mỗi giờ tầm $8,75.

Làm part - time của du học sinh Việt Nam tại Mỹ

Đinh Hồng Kiên, cựu sinh viên chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH La Trobe, Úc hiện đang theo học khóa Master Computer Science ở Texas A&M University chia sẻ kinh nghiệm đi làm thêm: “Em làm trợ giảng cho một giáo sư trong trường, công việc chính là giảng bài, chấm bài, làm nghiên cứu. Đây là công việc part time mơ ước của nhiều sinh viên vì nó “hợp pháp” và có nhiều lợi thế: đầu tiên là em có một Social security number (mã số cá nhân), hơn nữa còn được ghi trong resume và có quan hệ tốt với các thầy. Nhưng cái được lớn nhất có lẽ là mình học được cách làm việc với người bản xứ, nâng cao vốn tiếng Anh, mở mang thêm được nhiều điều mới mẻ về cách học, cách chơi của sinh viên Mỹ”.

Cũng giống Đinh Hồng Kiên, Nguyễn Minh Tùng – sinh viên chuyển tiếp của ĐH Bách Khoa Hà Nội sang ĐH Troy, Mỹ may mắn được làm quản lý ở phòng lab của khoa Toán và trợ giúp các bạn sinh viên khác về lập trình máy tính. Tùng tâm sự: “Công việc của em tương đối nhàn, nếu không có bạn nào cần trợ giúp thì em ngồi học bài, nghiên cứu tài liệu. Lương em được trả là 7$/giờ. Vì là sinh viên quốc tế nên số lượng giờ làm cũng bị giới hạn xuống tối đa là 20 tiếng/tuần. Em làm 1 tuần khoảng 16 tiếng. Thời gian còn lại em dành cho việc học tiếng Anh và tham gia các hoạt động khác của trường”.

Những du học sinh Việt Nam thích “mạo hiểm”, “tự do” và kém may mắn hơn một chút thì tìm những công việc làm thêm ngoài trường, như: làm nhà hàng (chạy bàn cho các quán người Việt, đặc biệt là quán phở), đi cắt cỏ, làm vệ sinh nhà bếp, rao báo, làm bánh mì, trông cửa hàng băng đĩa, làm nail... Những công việc này đòi hỏi sinh viên phải có sức khỏe và sự dẻo dai, khéo léo”.

Đỗ Thu Hằng, sinh viên chuyển tiếp chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội với ĐH Troy, Mỹ tại bang Alabama cho biết, ngoài việc học, em làm thêm cho một tiệm nail, công việc chính là vẽ móng cho khách Việt và khách Tây. Tiền lương khoảng 7$/giờ, cộng thêm tiền “bo” của khách cũng giúp em đủ trang trải chi phí sinh hoạt tại Mỹ. “Công việc này tuy không hỗ trợ mình nhiều trong quá trình học, nhưng dù sao cũng giúp mình về mặt tài chính, tích lũy thêm được một chút kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử với người Mỹ và một chút tiếng Anh”.

Trường hợp của Nguyễn Thu Anh, sinh viên chuyển tiếp chương trình Troy tại New York, Mỹ thì may mắn hơn khi được làm trong một môi trường không độc hại mà lại có điều kiện nâng cao vốn tiếng Anh một cách triệt để, đó là bán hàng tại một tiệm video. “Đối tượng khách hàng có nhiều loại, nên mình phải “phát huy” hết vốn ngoại ngữ. Còn những lúc vắng khách, mình tranh thủ nghe nhạc, xem phim, đọc thêm sách, báo, bằng tiếng Anh. Việc học ngoại ngữ trở nên thú vị và tự giác chứ không gượng ép, tiếp xúc đều đặn như thế khiến mình cải thiện kỹ năng nghe nói, giao tiếp hàng ngày”.

Khi được hỏi việc làm thêm có ảnh hưởng gì đến việc học trên lớp hay không, hầu hết du học sinh đều có một câu trả lời: Có, nhưng là những ảnh hưởng tích cực. “ Làm thêm không những giúp sinh viên có thêm thu nhập. Cái được lớn hơn đó là có những trải nghiệm thú vị, những cơ hội để được thử thách và hoàn thiện bản thân. Quan trọng nhất là tích lũy được “kinh nghiệm kinh doanh” – điều cực kỳ cần thiết đối với những sinh viên theo học ngành Kinh tế như bọn em” – Đỗ Thu Hằng chia sẻ.