Cấm “Alô” tại trạm xăng: Người chưa rõ, người không tin...

(Dân trí) - Đã 2 ngày trôi qua kể từ khi Nghị định 52/2012 của Chính phủ quy định nâng mức phạt lên cao gấp 10 lần với hành vi sử dụng điện thoại tại cây xăng có hiệu lực. Nhưng dân tình người “vẫn chưa biết rõ thế nào”, người nói “quy định chắc chỉ… cho vui”…

 
Từ quy định tới thực thi
 
Từ quy định tới thực thi

 

Khoản tiền phạt dù theo quy định cũ chỉ bằng 1/10 so với mức mới từ 2-5 triệu đồng thì cũng đã tỏ ra không khả thi, vì không biết tại các cây xăng lực lượng chức năng đã phạt được bao nhiêu người từ trước tới nay rồi. Mà thói quen nghe điện thoại di động của người dân châu Á nói chung, người dân VN ta nói riêng, lâu nay đã có tiếng là gần như đã “phổ cập” ở mọi lúc,  mọi nơi.  

 

Trong bài báo đăng trên Lao Động trước đây, một đồng nghiệp của chúng tôi ở Tây Nguyên còn kể câu chuyện nghe như tiếu lâm rằng: Nhiều người dân ở vùng sâu mua xe gắn máy chỉ để thi thoảng chạy lên phố thị - nơi có sóng mà móc “cục alô cưng” ra “a lố, a lồ” cho bõ nỗi niềm tình cảm.

 

Tại các chốt cảnh sát giao thông, ai để ý một chút cũng dễ dàng thấy cảnh hầu như bất kỳ người đi xe nào bị tuýt còi dừng lại, một trong những động thái đầu tiên là ngay lập tức móc điện thoại ra gọi đi đâu đó…

 

Chiếc điện thoại di động giờ đây đã trở thành vật bất ly thân của rất nhiều người, để nói ở bất kỳ đâu và vào bất cứ lúc nào. Mà điện thoại đâu có “biết ý” để rõ lúc nào chủ nhân đang dừng lại đổ xăng mà…im hơi lặng tiếng. Cũng có thể nhiều người chỉ sử dụng điện thoại để nói cho vui là chính, nhưng không loại trừ có những cuộc điện thoại rất quan trọng thì sao?...

 

Tóm lại, đúng là đã có quy định thì là người dân tuân thủ luật pháp chắc chắn phải theo. Nhưng khổ nỗi dân ta lâu nay cũng đã quen với kiểu thực thi “đầu voi, đuôi chuột” trong quá nhiều việc rồi, gần với quy định xử phạt này nhất có lẽ là việc cấm hút thuốc nơi công cộng. Bởi thế mới có nhiều so sánh được viện dẫn ra để… nghi ngờ rằng vẫn rất khó để xử phạt người vi phạm quy định, bởi cái gì đã trở thành thói quen thì hẳn là khó thay đổi lắm.

 

“Không biết có giống như quy định "Cấm hút thuốc lá nơi công cộng không nhỉ"? Tức là có luật nhưng thực tế vẫn như không, vì cái khó là không tìm ra đủ người thực hiện việc phạt các cá nhân vi phạm? Ai phạt vì vi phạm vẫn xảy ra ở khắp mọi nơi như vậy bây giờ?” – Thuy Duong:  dưongthuy@gmail.com

 

“Tôi thấy quy định này cũng như quy định cấm hút thuốc nơi công cộng. Có quy định xử phạt đó, nhưng ai phạt? Vào bệnh viện vẫn thấy nhiều người ngang nhiên hút thuốc, bảo vệ thì lờ đi, có phản ảnh thì cũng chỉ nhắc nhở qua quýt. Lên xe, tàu cũng thấy tương tự... Hút thuốc còn như vậy huống chi nghe điện thoại ở trạm xăng? Tôi nghĩ rồi lại chỉ là "quy định cho vui" thôi, cho có cái gọi là trách nhiệm chứ có hiệu lực gì trên thực tế đâu?” - Mãi Huế:  tmaihue@gmail.com

 

“Tôi cho là rồi cũng "chết yểu" như pháp lệnh cấm hút thuốc lá nơi công cộng mà thôi. Theo tôi, đây có lẽ lại là một nghị định VIẾT trên giấy của các vị nào đó đưa ra chỉ để cho có mà thôi. Ở Việt Nam ta nhiều khi... cũng vui vui kiểu như vậy đó” - Thiendn:  minhbachbaby@gmail.com
 
Từ quy định tới thực thi
Không ít người dân Hà Nội vẫn sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng trong ngày 5/8 (ảnh: Giang Huy, báo Lao Động)
 

Thời gian để thay đổi thói quen

Nghị định 52/2012/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy do Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) chủ trì soạn thảo nhằm tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức phòng hỏa của cá nhân và tổ chức. Theo quy định, đối với hành vi nghe điện thoại di động tại cây xăng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy hoặc các lực lượng khác được phân công theo thẩm quyền sẽ thực hiện việc bắt “quả tang”, lập biên bản và ra quyết định xử phạt.

Cách thức tuyên truyền chưa rõ ràng cũng được nhiều người nêu ra để lý giải cho việc nhiều người vẫn không hề biết đến quy định mới, trong khi các nhân viên cây xăng thì chẳng thể phạt được ai vì chẳng có quyền. Mà lực lượng chức năng thì làm nhiệm vụ chính còn luôn kêu là “quá mỏng”, lấy đâu ra nhân lực, vật lực để triển khai ví dụ như ít nhất mỗi cây xăng 1 người túc trực để phạt cho xuể? 

“Vấn đề là ai phạt? Nhân viên cây xăng thì làm gì có chức năng phạt người ta, mà cũng làm sao lo đủ cán bộ chức năng ở mỗi cây xăng mà phạt...” - Trường Sa:  tqa12000@gmail.com

 

Vậy nên xem ra phạt để răn đe, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ là cần thiết. Nhưng vấn đề là cần có thời gian để thực thi tốt công tác tuyên truyền cho người dân có ý thức hơn, và cái chính là để thay đổi được 1 thói quen để tránh vi phạm tràn lan rất khó phạt.

 

“Tôi thấy đa số người dân vẫn chưa biết Nghị định 52 là về cái gì. Có lẽ do công tác tuyên truyền của chúng ta vẫn chưa tốt chăng?” - Vũ Việt Bắc:  vietbacgt@gmail.com

 

“Nghị định xử phạt thì cần có thời gian tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân biết trước đã chứ, nhưng hầu như đã thấy tuyên truyền gì mấy đâu?” - Nguyễn Tuấn Hùng:  discapior2012@gmail.com

 

“Quy định cần được thông báo rộng rãi và chính xác để mọi người đều biết đã chứ, tôi thấy  còn rất nhiều người chưa biết cụ thể thế nào mà. Người chưa biết mà bị gọi là “vẫn vô tư” sử dụng điện thoại ở cây xăng ư?” - Lâm Thị Hồng Đẹp:  hongdep.gallery@gmail.com

 

“Để thay đổi thói quen, theo tôi nghĩ, cần phải có thời gian. Đề nghị báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền để người dân biết và nghiêm túc thực hiện” - Nguyễn Nghĩa Thắng: thang_11081976@yahoo.com.vn

 

Đúng là báo chí và nhất là truyền hình mấy ngày có đã đưa tin về nghị định mới này, tuy nhiên dẫn chứng cụ thể để có sức thuyết phục với người dân ta (đa số ý thức còn chưa cao) hiện nay thì hình như vẫn chưa có.

 

Bởi thế dư luận vẫn còn đặt ra nhiều câu hỏi cũng là lẽ đương nhiên, nhất là khi người dân còn rất nghi ngờ về hiệu lực thi hành. Có những người còn sốt sắng tự thực hành các thí nghiệm chứng minh điều được cho là có tính thực tế hơn, chứ không phải như chỉ nói trên giấy tờ, văn bản...

 

“Tôi xin hỏi: Tại sao lại cấm dùng điện thoại di động ở cây xăng? Chúng tôi đã thực hiện 1 thí nghiệm như sau: lấy 2 chiếc ĐTDĐ đặt vào một cái thùng bằng gỗ chứa những chất dễ cháy đã tẩm xăng rồi đặt ra ngoài trời nắng không đậy nắp. Sau đó 2 người dùng 2 chiếc điện thoại khác gọi vào 2 chiếc ĐTDĐ kia trong vòng 30 phút, nhưng không hề có hiện tượng gì xảy ra. Vậy chúng tôi kết luận là ĐTDĐ không ảnh hưởng gì đến nguy cơ cháy nổ ở cây xăng cả” - Viet Anh: vietanh@gmail.com

 

Từ đó, thậm chí một số người còn chuyển mục tiêu nghi vấn sang “đối tượng” khác có nguy cơ hơn:

 

“Thật bất ngờ! Trước đây theo tôi nhớ, cũng có giai đoạn Việt Nam định đưa ra dự luật cấm sử dụng điện thoại ở cây xăng, nhưng đã bị phản đối và có nhiều chứng minh sử dụng điện thoại không gây nguy hiểm cũng như làm sai lệch các thông số của máy bơm xăng. Mới buổi sáng mấy hôm trước, tự nhiên lại đọc được thông tin bắt đầu cấm sử dụng điện thoại tại các cây xăng và nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, tôi thấy lạ quá. Vì chính VTV đã phát một đoạn thử nghiệm của nước ngoài với đủ mọi cách: gọi một lúc 10 máy đặt trên máy bơm xăng đang hoạt động, đổ đầy xăng đậm đặc trong một thùng xe gọi liên tục nhiều máy điện thoại cùng một lúc, mà cũng không phát nổ và cháy gì cả.

 

Thế mà tự nhiên lại có một quy định đưa ra lại chẳng có dẫn chứng gì để chứng minh là nguy hiểm, vậy mà lại nói sẽ bắt phạt thì có phải là phi lý không? Theo tôi, có lẽ đúng hơn là nếu dùng và gọi điện thoại ở các cây xăng thì hình như chíp điều khiển ăn cắp xăng bị rối loạn và không điều khiển được đó. Thứ 2 là nếu chất lượng xăng mà kém dễ phát cháy, thì có nên ngăn chặn vì sợ gây cháy nổ tại cây xăng "làm điêu" đó không... Như vậy theo tôi thấy, nếu chưa đủ căn cứ thì đừng nên đưa ra quy định không hợp lý để phạt người dân... 5 triệu đồng quả là số tiền không nhỏ đâu” - Ngo Tung Lam:  mystery_winter2000@yahoo.com

 

“Người dân thì đa số còn thiếu ý thức, lực lượng kiểm tra thì thiếu. Vậy thì nghị định xem ra với nhiều người có lẽ rồi cũng chỉ như để làm cảnh thôi… Không làm gắt được thì chắc phải thế thôi” - Phương Nguyễn:  hphuong.nguyen81@gmail.com vẫn bày tỏ thiếu tin tưởng.

 

“Thay vì việc tăng cường giám sát chất lượng cây xăng, giám sát đong đo đếm xăng thì sao lại đẩy sang việc cấm sử dụng điện thoại ở cây xăng? Điện thoại di động là phát minh của cả một ngành công nghiệp tiên tiến và được kiểm tra rất kỹ lưỡng của Châu Âu và toàn thế giới. Việc điện thoại di động phát ra tia lửa gây cháy trạm xăng, theo tôi, có lẽ chỉ là chuyện hoang đường do đồn thổi nên mà thôi. Điện thoại di động có đánh lửa bằng bugi không? Không đánh lửa. Trong khi đó bugi xe ô tô gắn máy lại đánh lửa, sao không bắt đẩy xe ô tô hay dắt xe máy ra xa khỏi cây xăng mới được đề nổ máy? Cấm điện thoại di động nhưng lại cho phép nổ máy khi bơm xong xăng mà xe không cần phải dắt ra xa khỏi trạm xăng, tôi thấy quả là… hài hước.

 

Hơn nữa, tôi có xem 1 chương trình trên kênh Discovery thấy họ kiểm tra rất nhiều mẫu điện thoại di động từ rẻ tiền đến đắt tiền. Để tất cả trong xe bơm đầy hỗn hợp xăng + không khí và gọi điện thoại liên tục đến các điện thoại trong xe đó. Chỉ cần một tia lửa phát ra đủ nổ tung chiếc xe con, nhưng gọi mãi không có hiện tượng gì đấy thôi” - Thanh Minh:  thanhminh1243@yahoo.com dẫn giải dài dòng hơn.

 

Thực tế cũng đã cho thấy nhiều quy định có ý nghĩa, thực sự có tác dụng rất tốt cho xã hội và cộng đồng, nhưng khi đi vào thực hiện thì cảnh tượng thường thấy vẫn là “đầu voi, đuôi chuột”. Nguyên nhân cũng không hẳn chỉ do ý thức người dân ta còn kém, mà còn có phần do các quy định được đề ra chưa bám sát thực tiễn cuộc sống đó thôi. Vậy nên người thực thi nhiều  lúc thấy người vi phạm lại lâm vào thế khó xử vì "bỏ thì thương, mà vương thì tội".
 

GS.TS Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho biết: “Khi sử dụng điện thoại di động ở cây xăng, điện thoại có thể phát sinh tia lửa điện phóng ra gặp hơi xăng bốc lên, khả năng gây cháy nổ rất có thể xảy ra”. GS Bá giải thích tia lửa điện này phát sinh là do điện thoại bị đoản mạch, chạm mạch. Mà điện thoại, pin điện thoại kém chất lượng hoặc điểm tiếp xúc pin kém cũng có thể gây ra trường hợp đoản mạch, chạm mạch nêu trên. Theo ông Bá, sử dụng điện thoại cách cây xăng trên 5m mới an toàn – nguồn: báo Tuổi Trẻ ngày 1/8)

 
 

Khánh Tùng