Chống bệnh hình thức trong giáo dục

(Dân trí) - Hiện nay giáo dục mang nặng hình thức như: Hồ sơ sổ sách quá nhiều (8 loại ở tiểu học); có loại sổ rất chung chung như “sổ chủ nhiệm”, GV mất nhiều công sức mới làm được nếu không lại bị phê bình kiểm điểm.

Bạn đọc Trần Thanh Tùng ngỏ bày tâm sự: Không chỉ hình thức trong công tác quản lý, mà còn còn mắc bệnh ôm đồm hình thức trong nội dung chương trình.

 

Là GV dạy trên 20 năm bậc tiểu học, tôi nhìn lại thấy HS phải học rất nhiều môn mang nặng tính hình thức, thiếu tính thực tế như: môn kĩ thuật lớp 5 (nấu ăn, kĩ thuật chăn nuôi) chỉ nói bằng lời không thực hành được. Cũng do bệnh hình thức gây ra áp lực không đáng có cho GV đứng lớp vì cái “tục lệ” dự giờ hằng năm tới hàng chục tiết mà chẳng đem lại hiệu quả thiết thực gì. Có nhiều người dự giờ mang danh nghĩa là tổ chuyên môn của phòng đến dự nhưng chuyên môn kém hơn người dạy, khi nhận xét tiết dạy bị GV dạy hỏi lại không biết đường mà trả lời.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Còn một thứ bệnh hình thức mà hiện nay đi đến đâu cũng gặp, gây ra  hậu quả khôn lường - đó là bệnh thành tích. Nhằm chống lại căn bệnh này, Bộ GD-ĐT đưa ra Phong trào “2 không”, “3 không”. “4 không” suy cho cùng cũng là cách làm hình thức, cho nên chẳng giải quyết được gì!

 

Còn đối với tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan ngày nay, Bộ GD-ĐT cũng đề ra biện pháp khắc phục mà không đem lại hiệu quả. Vì sao vậy? Cũng do cách nhìn nhận và cách giải quyết rất hời hợt, không thấy căn nguyên sâu xa, cho nên biện pháp đề ra cũng là hình thức, chỉ nhằm giải quyết cái ngọn mà thôi. Ngay việc giảm tải chương trình sách giáo khoa vừa qua, cũng là làm hình thức, chiếu lệ để chấn an dư luận, còn thực tế có tác dụng gì đâu? Con em chúng ta vẫn è cổ ra học hành cái chương trình quá tải và có nhiều nội dung vô bổ, chỉ làm loãng đi những nội dung cơ bản và trọng tâm cần học.

 

Quay lại việc dạy thêm. Chính vì nội dung chương trình quá tải, với số tiết học cần đi sâu giảng kĩ về kiến thức cũng như làm bài tập ngay tại lớp nhưng không có đủ thời gian theo sự phân phối chương trình. Cho nên có những học sinh nhận thức không nhanh không nắm được bài. Mặt khác, phụ huynh không có thời gian kèm cặp thêm cho nên có nhu cầu cho con đi học thêm.

 

Đối với GV, dạy thêm tạo nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống đắt đỏ hiện nay. Tôi lấy ví dụ một GV như tôi có bằng Cao đẳng sư phạm dạy 20 năm, lĩnh lương hàng tháng trừ các khoản phải nộp, còn khoảng 3,4 triệu đồng; có  1 đứa con đi học đại học chi mỗi tháng 2,2 triệu tiền ăn ở sách vở tài liệu, chưa tính còn nhiều khoản  phí phải đóng cho trường. Tôi phải dạy thêm cho 10 em học sinh thật sự có nhu cầu cần thiết, mỗi tháng có thêm một khoản tiền đáng kể để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong gia đình. Tôi nghĩ điều đó là chính đáng, có bắt ép học sinh nào đâu và có phân biệt đối xử gì đâu.

 

“Tôi nghĩ phải có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có tâm huyết, biết lắng nghe và đủ dũng khí hành động như Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng thì mới xoay chuyển được tình hình, lập lại kỷ cương nền nếp, giải quyết được nhiều điều bức xức gây ra sự bất bình của xã hội đối với thực trạng giáo dục tồn đọng quá nhiều vấn đề như hiện nay” -  Bạn đọc Bạch Yến chia sẻ.

Vậy thì muốn chấm dứt việc dạy thêm học thêm, phải giải quyết từ gốc. Đó là việc giảm tải chương trình và phân bố tiết học hợp lý vừa sức học với số đông học sinh. Mặt khác, muốn thầy ra thầy, dạy ra dạy thì phải có chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm và có mức lương hợp lý cho giáo viên để nuôi được bản thân và trang trải chi tiêu trong gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Càng cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với những giáo viên dạy ở những miền núi, ở các vùng sâu vùng xa… còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

 

Bạn đọc Phan Thu Lý:

 

Tôi ở Thái Bình. Đọc bài “Học sinh học ba ca”, tôi thấy quá đúng với hiện trạng giáo dục cũng như nỗi bức xúc của các phụ huynh học sinh.Tôi thương các cháu quá mà không biết phải làm sao.Tuổi thơ vui chơi có lẽ cứ đà này sẽ không có trong tiềm thức các cháu. Từ sáng đến tối không còn chút không gian - thời gian nào dành cho các cháu vui chơi nữa.

 

Áp lực học hành đè nặng lên tuổi thơ các cháu.Sáng cho các cháu ăn vội vàng rồi đưa đến lớp, chiều 16h30 đón trước cổng trường, chưa kịp gỡ chiếc cặp quá khổ với thân hình bé bỏng xuống đã phải cho các cháu đến nhà cô (tất nhiên là những cô giáo dạy chính ở lớp các cháu rồi) để học thêm tại nhà cô cho đến 19h.

 

Bất kể nắng mưa cứ theo thứ tự hôm nay cô toán thì hôm sau cô tiếng Việt, cô tiếng Anh...19h đón các cháu về lau qua cho cái mặt rồi ăn cơm,cơm chưa xuôi các cháu lại phải lên phòng để làm các bài cô cho về nhà,muốn cho nhanh thì bố mẹ phải lên cùng con phụ đạo,đánh vật với con nhiều khi đến 23h đêm mới xong đống bài các cô giao.Chưa xong việc đã phải lo cho ngày mai rồi,sáng con ăn gì,chiều học thêm môn nào,ở nhà cô giáo nào,đã nộp học phí cho cô chưa...

 

Một tuần có 5 ngày học chính như vậy,đến thứ 7 các cháu cũng không được nghỉ ngơi,sáng thứ 7 nhà trường tổ chức học thêm để BÙ THÊM KIẾN THỨC cho các cháu nữa.Vậy là phải động viên con thôi.     

 

Thực sự bản thân bố mẹ các cháu còn rất nhiều việc phải làm,phải lo,công việc,gia đình, hai bên nội ngoại. Rốt cục, chỉ lo cho con hết đứa lớn rồi đến đứa đứa bé; ngay bản thân chúng tôi cũng thở không ra hơi rồi.Thương con, thương cả bản thân mà biết làm sao?

 

Chỉ cầu mong cho Nhà nước ta, Bộ Giáo dục của chúng ta có chính sách đúng trong việc “trồng người”,  đừng quá nặng về chạy theo phong trào, chạy theo hình thức, làm cho căn bệnh thành tích lây lan khắp trong ngành, làm suy kiệt sức con trẻ và đem lại nhiều nỗi khổ ải cho bố mẹ các em. Và chắc các thầy cô cũng không sung sướng gì!

 

Bạn đọc Lâm Chí Bình:

 

Để động viên được những giáo viên trẻ tâm huyết với nghề theo tôi trong phụ cấp đứng lớp cần điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, để tạo sự công bằng hơn. Giáo viên trẻ hay già thì trong công việc giảng dạy là như nhau, thậm chí trẻ còn phải làm nhiều hơn già thế mà hệ số phụ cấp thì bất công quá nên dẫn đến cùng một công việc nhưng hưởng chênh nhau quá nhiều. Trong hệ số thì tôi thấy thâm niên công tác là hợp lí còn phụ cấp bục giảng thì nên quy đổi hợp lý hơn để có sự bình đẳng giữa những giáo viên cùng làm công việc.

 

Bạn đọc Bắc Giang:

 

Những năm qua,  không biết bao nhiêu hội thảo, bao nhiêu giấy mực nói về dạy thêm học thêm ... cuối cùng vẫn thế, tại sao như vậy ? Vì đó chính là hệ quả của cách quản lí giáo dục , của chương trình học không phù hợp với trình đô nhận thức của học sinh và không sát tình hình thực tế. Chúng ta hãy nhìn lại xem : bài vở,nội dung học và cách dạy rất nhồi nhét, môi trường giáo dục không lành mạnh ...
 
Chống bệnh hình thức trong giáo dục - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Những khiếm khuyết đó lại đẩy HS phải học thêm, liệu có tiếp thu tốt hơn không hay chỉ bị động nghe hết giờ này đến giờ khác ? Phụ huynh học sinh có nhiều người nghèo họ phải gắng sức theo đuổi kế hoạch bất hợp lý của ngành giáo dục hiện nay. Theo tôi , đã đến lúc phải xem xét lại toàn bộ những vấn đề của giáo dục, không thể chậm chễ nữa, tập hợp nhân tài trong nước nếu không đủ thì thuê thêm chuyên gia nước ngoài để định ra chiến lược và triết li giáo dục cho đúng rồi từ đó triển khai kế hoạch cụ thể . Mặt khác, việc tuyển giáo viên phải thật sự công khai, minh bạch và công bằng, không để tồn tại cách tuyển qua “phong bì” như hiện nay.

 

Tôi rất mong  nền giáo dục nước nhà hãy mạnh dạn thay đổi cho phù hợp với quy luật phát triển ...

 

Bạn đọc Trần Yến Khanh:

 

Tôi rất bức xúc về chuyện dạy thêm của giáo viên bây giờ.


Tôi biết dạy thêm là một cách để cải thiện đời sống cho giáo viên. Nhưng việc làm này đã góp phần quan trọng vào việc đẩy nền giáo dục rơi vào tình trạng xuống cấp như hiện nay, biến nhà trường thành cái chợ mua bán kiến thức.


Thầy cô giáo dạy thêm luôn dành những ưu tiên cho học sinh đến học với mình, nếu không thế mấy ai chịu cho con mình hành xác khổ sở thế.


Khi vào lớp, một bộ phận tương đối lớn giáo viên không dạy hết mình . Những học sinh không đi học thêm sẽ khó khăn theo kịp bạn.


Về phía học sinh đi học thêm không có đủ thời gian tự học và làm bài tập ở nhà nên không nắm vững kiến thức và nhanh quên, chữ thầy lại trả cho thầy. Số học sinh không học thêm rất vất vả phải tự học nhiều dạng bài hơn để đề phòng thầy cô cho bài kiểu nào cũng làm được và như vậy là không đủ thời gian và đủ sức để học . Các học sinh sẽ bị rơi vào trạng thái stress hoặc buông xuôi.


Về tâm lý, những học sinh học thêm dễ ỉ lại vào thầy cô mình học đã cho sẵn dạng bài nên không đào sâu sáng tạo.Ngược lại, những học sinh không học thêm dễ sinh tự ti hoặc không tự tin vào năng lực nhận thức và bài làm của mình. Do việc dạy thêm dẫn tới cách xử sự thiếu vô tư công bằng đối với học sinh, làm cho uy tín của giáo viên cũng bị thương tổn.

 

Tôi đề nghị nếu giáo viên nào muốn dạy thêm thì không được phép dạy học sinh trường mình, lớp mình .Hoặc giáo viên phải vào trung tâm để dạy thêm chứ không được tổ chức tại nhà.

 

Bạn đọc Trần Văn Thương:

 

Tôi cũng là một GV, cũng có dạy thêm cho những học sinh có nhu cầu nâng cao kiến thức hoăc những học sinh bị mất căn bản. Khi đọc các ý kiến trên tôi cho rằng các bạn đã nhìn nhận vấn đề dạy thêm học thêm chưa thật công bằng và thấu đáo. Tôi thấy việc học thêm để nâng cao kiến thức, và với mục tiêu thi đại học là hoàn toàn hợp lí miễn là HS đó có nhu cầu chính đáng và giáo viên cũng dạy tốt là được.

 

Tôi thấy những học sinh tôi dạy thêm đâu phải là HS trên lớp mình dạy đâu? thậm chí còn là HS của một trường khác; vậy thì đó là nhu cầu chính đáng đấy chứ? đâu có ép buộc hay học sinh đi học vì điểm đâu? Và lại các bạn cũng thấy đấy, ở Nhật hay ở Trung Quốc hay Hàn Quốc học sinh vẫn đi học thêm đấy thôi. Theo tôi Bộ GD&ĐT chẳng có lí do gì để cấm dạy thêm học thêm cả mà hãy quản lí dạy thêm học thêm chặt chẽ để không xảy ra tình trạng ép buộc học sinh là được.

 

Bạn đọc Vũ Thị My:

 

Tại sao cứ phải đổ vào đầu giáo viên là dạy ở lớp qua loa không ra gì để đưa về nhà dạy thêm. Có bao giờ mọi người nhìn vào cái thời khóa biểu của con em mình chưa. Tôi thấy học sinh tiểu học bây giờ học nhiều hơn đại học. Con tôi đi học đại học, học một buổi còn một buổi ở nhà tự học. Còn HS tiểu học cả ngày.

 

Chủ trương này của ai chắc không phải của chúng tôi nghĩ ra mà là của Bộ GD-ĐT chứ. Học buổi hai có thời khóa biểu rõ ràng nhưng không có chương trình nào cho buổi học này cả nên cả giáo viên lẫn học sinh đều mệt mỏi. Giáo viên mệt vì tự mò ra chương trình và nội dung để dạy buổi 2. HS thì không thích học môn đó mà vẫn phải ngồi học, đúng là ngồi mòn đũng quần ở trường mà chả nhớ nổi thứ gì.

 

GV tiểu học chúng tôi cũng chỉ muốn dạy học một buổi. Còn buổi chiều có thể bồi dưỡng thọc sinh giỏi tuần 1 -2 buổi. Có thể phụ đạo cho HS yếu thêm 1 -2 buổi. Đằng này học 2 buổi thì nhốt chung cả giỏi lẫn yếu kém một chuồng như thế thử hỏi có khá hơn lên bao nhiêu. Tình trạng đó dẫn tới hậu quả Không đi học thêm mới là lạ!

 

LTS Dân trí - Nhìn nhận vấn đề gì cũng cần có sự đánh giá toàn diện từ nhiều phía khác nhau. Đối với hiện trạng dạy thêm học thêm có chiều hướng phát triển hiện nay cũng cần có sự xem xét thấu đáo các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

 

Về phía các cơ quan quản lý giáo dục, đi đôi với việc giảm tải chương trình, chăm lo tốt hơn đời sống của đội ngũ giáo viên, còn cần khắc phục triệt để căn bệnh thành tích, trọng hình thức được phô diễn bằng “những con số đẹp” mà chưa đánh giá đúng thực chất của phong trào thi đua Hai tốt - dạy tốt và học tốt.

 

Mặt khác, về phía phụ huynh cũng như xã hội nói chung cũng cần phân biệt giữa loại học thêm bị ép buộc với học thêm tự nguyện vì có nhu cầu thật sự. Nếu giáo viên cố tình bắt ép học sinh học thêm bằng cách gây áp lực trực tiếp hay gián tiếp buộc cha mẹ các em phải viết giấy tự nguyện xin cho con đi học thêm thì đấy là hành động đáng lên án và nhà trường cần kiên quyết ngăn chặn. Ngược lại, đối với một số học sinh và gia đình các em có mong muốn được các thầy cô dạy giỏi kèm cặp thêm, thì đấy là nhu cầu cầu chính đáng với điều kiện các thầy cô giáo đó vẫn dạy hết sức mình trong những giờ dạy chính khóa tại nhà trường.