Giữ quốc tịch Việt Nam: Không nên quy định thời hạn

Thủ tục đăng ký giữ quốc tịch rất đơn giản. Người đề nghị chỉ cần nộp Tờ khai, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là được cấp Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai Luật Quốc tịch Việt Nam hiện mới có hơn 5.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch, chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,09%) trong tổng số 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.

Nên để ngỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Nên để ngỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam

Theo Khoản 2 Điều 13 Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tính đến trước ngày 1-7-2009 không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị và chưa mất quốc tịch Việt Nam thì trong 5 năm kể từ thời điểm trên, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam; nếu không đăng ký sẽ mất quốc tịch sau ngày 1-7-2014. Đối tượng cần phải đăng ký là những người Việt Nam định cư ở nước ngoài từ trước khi Luật năm 2008 có hiệu lực (người Việt Nam ra nước ngoài định cư và nhập quốc tịch nước ngoài sau ngày 1-7-2009 không phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam).

Quy định đăng ký giữ quốc tịch là chế định mới, với mong muốn làm rõ tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về quốc tịch và bảo hộ công dân. Do vậy, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) và các cơ quan chức năng tích cực triển khai thủ tục này. Cục Lãnh sự đã phổ biến và hướng dẫn thủ tục này cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Thủ tục được đăng tải trên cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự tại địa chỉ www.lanhsuvietnam.gov.vn và trang tin điện tử của các cơ quan đại diện. Các cơ quan đại diện cũng niêm yết thủ tục này tại phòng tiếp dân, tuyên truyền, phổ biến tại các cuộc gặp mặt, tiếp xúc với bà con kiều bào và thông qua các hội đoàn người Việt.
Mặc dù vậy, theo thống kê hiện mới có hơn 5.000 người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch. Như vậy, theo quy định chỉ còn gần 4 tháng nữa hàng triệu kiều bào sẽ đứng trước nguy cơ mất quốc tịch Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước Việt Nam mất quyền bảo hộ công dân với hàng triệu Việt kiều.

Theo đánh giá của ngành chức năng, số lượng người đăng ký giữ quốc tịch còn thấp có thể do người Việt Nam ở nước ngoài chưa thấy việc đăng ký này mang lại lợi ích thiết thực. Giấy xác nhận đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chỉ có giá trị chứng minh người này đã thực hiện thủ tục đăng ký, chứ không khẳng định về quốc tịch Việt Nam của họ. Do vậy, Giấy xác nhận không có giá trị pháp lý làm cơ sở cho việc cấp phát hộ chiếu, giấy thông hành hoặc các giấy tờ khác. Bên cạnh đó, một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài không muốn thực hiện thủ tục này có thể vì lo ngại ảnh hưởng tới quy chế cư trú của họ ở nước ngoài, hoặc một số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa hiểu rõ các quy định của việc đăng ký giữ quốc tịch…

Tuy nhiên tại các buổi Tọa đàm, sơ kết về Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 do Bộ Tư pháp và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài mới đây, đa số ý kiến kiều bào đều cho rằng, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 đã thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo kiều bào, mặc dù sống xa quê hương nhưng bà con vẫn mong muốn được công nhận quốc tịch Việt Nam. Hơn thế nữa, Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 còn mang lại những quyền lợi hợp pháp cho kiều bào trong việc giải quyết các thủ tục quốc tịch, hộ chiếu, cư trú, đầu tư, kinh doanh và bảo hộ công dân... Đồng thời, Luật Quốc tịch đã góp phần huy động nguồn lực to lớn của kiều bào vào sự nghiệp chung của đất nước, và làm thay đổi nhìn nhận vai trò của kiều bào, rút ngắn khoảng cách, sự khác biệt giữa người Việt ở nước ngoài và người Việt trong nước, giúp người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước. Do đó, cần nới thêm thời gian đăng ký giữ Quốc tịch Việt Nam. Bởi từ lúc Luật Quốc tịch có hiệu lực đến khi các bộ ngành chức năng ban hành thông tư hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện mất khoảng 10 tháng. Vì vậy, khoảng thời gian 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của kiều bào bị rút ngắn so với thời gian tương ứng. Đáng chú ý nhiều ý kiến còn kiến nghị không nên quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào.

Liên quan tới vấn đề giữ quốc tịch Việt Nam, ngày 10-3, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp liên ngành về vấn đề này. Tại cuộc họp nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến kiều bào không mặn mà với việc đăng ký giữ quốc tịch do chính những quy định của Luật. Cần phải tiến hành sửa đổi Luật theo hướng rút gọn thủ tục tạo thuận lợi hơn cho kiều bào. Trước ý kiến đề xuất của các đại biểu, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, nhằm đảo bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho kiều bào tới đây, Bộ sẽ báo cáo trình Chính phủ để Chính phủ báo cáo trình Quốc hội vào kỳ họp tới về phương án sửa quy định trên cho phù hợp.

Theo Khanh Lê
Đại Đoàn Kết