Nên hạn chế tối đa phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị

(Dân trí) - Từ lâu, dân ta vẫn dùng phương tiện cá nhân để đi lại vì phương tiện vận tải công cộng quá yếu kém. Trước đây là xe đạp, bây giờ là xe máy và đang phát trển ô tô cá nhân, đấy là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông.

Khi xe máy xuất hiện thì ai cũng thích: thuận tiện, nhanh chóng; đi đâu cũng được, khi nào cũng được, đường nào cũng được; ai đi cũng được; còn tốc độ thì khỏi nói, nó đua được với ô tô mà. Thật không gì bằng!

 

Xe máy phát triển kéo theo những hệ lụy ghê gớm. Trước hết là tai nạn giao thông. Hầu như phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy. Và dĩ nhiên là số người chết rất nhiều. Cùng với tai nạn giao thông là nạn kẹt xe ở các thành phố lớn. Người ta tranh luận nảy lửa ai là thủ phạm của nạn kẹt xe: xe máy hay xe ô tô cas nhân. Người thì cho ô tô là thủ phạm, người thì bảo xe máy là thủ phạm. Nhưng cứ nhìn cách đi lại của mấy anh xe máy mà rùng mình: họ “cúp cua” trước đầu ô tô, luồn lách từ bên này sang bên kia đường mà không cần xi nhan, hoặc đột ngột tăng ga lồng lên như ngựa chứng; họ lách tránh nhau, tránh vũng nước, tránh ổ voi ổ gà, đánh võng trên đường như làm xiếc; họ phóng từ hẻm ra, nẹt pô, đua xe gây náo loạn; khi đường tắc thì chỗ nào còn hở, dù chỉ một bánh xe, là họ chen vào, biến dòng xe thành cái nêm, nêm chặt con đường, càng gây ùn tắc; còn hè phố dành cho người đi bộ thì trở thành nơi giữ xe máy.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tiếp nữa, xe máy là phương tiện chính để bọn tội phạm hành nghề: cướp giật trên đường phố, cướp của tại nhà, nhất là các tiệm vàng; băng nhóm đánh chém nhau như trong phim Mỹ …vv. Rồi ô nhiểm từ khí thải và tiếng ồn. Thật kinh khủng!. Nhiều khi tôi ước, đến một ngày, thức dậy, bỗng nhiên không còn xe máy, thành phố trở nên yên tĩnh, ngăn nắp, nền nếp biết bao!

Những hệ lụy thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai vừa nói trên thì ai cũng rõ, nhưng còn một hệ lụy “ngọt ngào” do xe máy ít người nhận thấy, đó là nó làm cho con người lười đi bộ, một loại thể dục đơn giản mà có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Với sự tiện dụng của loại xe hai bánh này thì đi đâu người ta cũng dùng nó,  nổ máy ngay trong nhà rồi vọt ra đường, chỉ vài trăm mét cũng leo lên mà đi, thậm chí ngồi trên xe máy mà mua bán hàng hóa (vì thế mới sinh ra kiểu chợ cóc bên vệ đường, lấn vĩa hè, lấn mặt đường để phục vụ loại khách hàng này, vừa nguy hiểm nhếch nhác, vừa gây ùn tắc giao thông). Có lẽ chỉ còn mấy việc người ta không dùng được xe máy, là khi …lên giường ngủ, vào bàn ăn và đi vệ sinh mà thôi. Đôi chân con người hầu như ít được sử dụng cho việc đi lại, do vậy mà cơ thể con người ít được vận động.

Việc cấm xe máy cũng không nên làm cái “rụp” đến mức người dân không kịp trở tay mà nên có lộ trình.

Thực tế cho thấy, ngày càng ít vận động chính là đại họa của con người. Vì ít vận động thì sinh ra bệnh tật (toàn bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch…); vừa làm khổ mình, khổ gia đình, khổ cả xã hội, đã không thể làm việc, lại tốn nhiều tiền bạc để điều trị. Mà chữa trị được thì cũng sức tàn lực kiệt, còn không thì sớm quy tiên, làm cho gia đình, bạn bè, xã hội đau thương và tiếc nuối.

Những tổn hại này chưa được tính toán cụ thể để xem xét như đối với những tác hại do thuốc lá hoặc tai nạn giao thông gây ra.

Từ những phân tích có cơ sở thực tiễn này, có thể thấy cái được, cái mất của xe máy là rõ ràng: mất nhiều hơn được (có lẽ cái được nhất thuộc về nhà sản xuất và người bán xe máy mà thôi). Và xe máy trở thành đại họa của người Việt. Vì vậy, đừng nên tranh luận nhiều nữa, mà nên cấm xe máy, trước hết là trong thành phố.
Nên hạn chế tối đa phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

Việc cấm xe máy cũng không nên làm cái “rụp” đến mức người dân không kịp trở tay mà nên có lộ trình. Vậy tôi xin đề xuất:

1. Trước hết, nhanh chóng phát triển giao thông công cộng với giá rẻ và đội ngũ phục vụ mẫn cán, lịch sự, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân (tuyến đường, thời gian xuất bến, thời gian đến từng trạm, thời gian hành trình từng cung đường).

Những năm tới, cần khẩn trương xây dựng hệ thống tầu điện ngầm và tầo chạy trên cao để giảm lưu lượng cho các tuyến đường bộ.

Hiện nay, đường xa đường gần, đường rộng đường hẹp đều dùng một loại xe buýt lớn, chở được hàng mấy chục, có khi cả trăm người là không phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân ở các khu phố nhỏ, hẻm nhỏ. Vì vậy cần quy hoạch, tổ chức lại  các tuyến vận tải nội thành theo kiểu xương cá, trong đó đường lớn, tuyến xa sử dụng xe lớn; đường nhỏ, tuyến gần cần có loại xe nhỏ phù hợp. Trước đây, ở ta có loại xe lam rất tiện lợi (nghe nói ở Thái có xe TukTuk kiểu như vậy vẫn đang dùng), nhưng xe lam đã kết thúc sứ mạng, nay không còn nữa, vậy nên cần có loại khác phù hợp thay thế. Loại xe này cần nhỏ gọn, tiêu ít nhiên liệu, chở trên dưới 10 người, tốc độ không cần cao mà phù hợp với việc đi lại trong phố nhỏ đường ngắn. Gần đây, ở Nha Trang có loại xe điện kích thước nhỏ hơn chiếc xe 4 chổ, chở được trên dưới 10 người, dùng chở khách du lịch tham quan thành phố. Có lẽ loại xe này phù hợp với việc đi lại trong thành phố của dân ta.

 

2. Cấm xe gắn máy lưu thông từng khu vực một, tiến đến cấm hoàn toàn khu vực nội thành. Để làm việc này, cần có bãi giữ xe cho người dân gửi nơi tiếp giáp khu vực cấm; đối với người dân vùng lân cận ra vào thành phố, cần có bãi giữ xe máy tại các cửa ngõ, nơi tiếp giáp các trạm xe buýt công cộng, đảm bảo thuận lợi cho người dân gửi xe để chuyển sang xe buýt công cộng vào thành phố.

 

Cần có chính sách giảm dần lượng xe máy đăng ký trong thành phố bằng hình thức tăng phí đăng ký và phí bảo trì đường bộ (phí bảo trì đường bộ thu theo đầu xe, theo hộ gia đình nơi đăng ký). Để chống việc người thành phố nhờ người dân vùng ven đứng tên đăng ký xe hộ (như ở Hà Nội trước đây), cần áp dụng thu phí bảo trì đường bộ hàng năm theo tên người đăng ký (như kiểu thu thuế nhà đất) và phạt thật nặng việc “cho thuê” này.

 

3. Đi đôi với việc cấm  xe máy, cần dùng biện pháp đánh thuế cao để  hạn chế tối đa việc dùng xe ô tô cá nhân. Khi nào đường xá được mở rộng mới nới lỏng hơn chính sách này.

 

4. Nên khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, xe đạp điện; cần phân làn phân tuyến trên đường cho loại xe này;

 

5. Để giảm lượng người và phương tiện đi ra đường cùng một lúc gây ùn tắc giao thông, gây quá tải cho phương tiện công cộng, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

 

- Không xây dựng thêm khách sạn, cao ốc cho thuê ở trung tâm thành phố, hoặc những khu vực đã có mật độ xây dựng cao, đường phố nhỏ hẹp, không có điều kiện mở rộng; trường học, bệnh viện cần được quy hoạch xây dựng phù hợp, không nên tập trung vào trung tâm hoặc vào từng khu vực dày đặc.

 

- Thay đổi giờ làm việc, giờ học của các cơ quan, đơn vị, trường học trong thành phố theo kiểu so le;

 

- Đối với một số công việc, nhất là công việc văn phòng, nên cho phép, khuyến khích người lao động làm việc tại nhà thông qua mạng internet.

Cấm xe máy sẽ buộc người dân thay đổi thói quen đi lại. Nhưng nếu đi làm, đi chợ, đi học … mà phải cuốc bộ khoảng vài cây số trở lại thì đó là điều tốt cho rèn luyện sức khỏe! Tôi nghĩ, việc cấm xe cá nhân này rồi cũng “bị” nhiều phản ứng, nhưng nếu chính quyền kiên quyết và có giải pháp phù hợp thì rồi cũng như việc cấm pháo hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm trước đây thôi.

 

                                                 Phạm Hữu Khánh

                                           98A Trần Phú, Nha Trang

 

LTS Dân trí - Muốn khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp hạn chế tối đa các phương tiện giao thông cá nhân, đồng thời đẩy mạnh phát triển nhanh các loại phương tiện giao thông công cộng để đáp ứng yêu cầu di lại thuận tiện cho người dân.

Tuy nhiên việc làm này cần có lộ trình thích hợp như tác giả bài viết trên đây kiến nghị để khỏi cản trở việc đi lại của người dân. Còn về chủ trương thì nên kiên quyết đặt ra mục tiêu tiến tới cấm xe máy lưu hành phổ biến như hiện nay ở các thành phố lớn, vì hầu như tất cả các nước đã CNH, HĐH không thấy tình trạng giao thông lộn xộn và manh mún như vậy. Phải chăng thời hạn cuối cùng cho việc thực hiện mục tiêu này là năm 2020 khi nước ta đã hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.