Bạn đọc viết:

Nguy cơ lấp “Ao Ông Toán” tại làng cổ Đường Lâm!

(Dân trí) - Trong khi nhân dân làng cổ Đường Lâm đang cố gắng giữ gìn nguyên trạng khu di tích, vậy mà sổ đỏ 4 lô đất được cấp để “xẻ thịt” Ao Ông Toán của làng cổ lẽ nào lại bị bỏ qua?

Cổng vào làng cổ Đường Lâm (ảnh minh họa: Phạm Thị Thảo Giang/Lao động)
Cổng vào làng cổ Đường Lâm (ảnh minh họa: Phạm Thị Thảo Giang/Lao động)
 
Làng cổ Đường Lâm là một quần thể di tích gồm 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Cam Thịnh. Ngoài các di tích lịch sử như Lăng Ngô Quyền, Đình thờ Phùng Hưng, nơi đây còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn nét đặc trưng của một làng quê thuần Việt cổ kính với “cây đa, bến nước, sân đình”...

 

Trong số những bến nước ấy phải kể đến một cái ao chạy dài suốt từ cổng làng Đông Sàng đến gần khu Chợ Mía, dân trong vùng nhiều đời nay vẫn gọi là Ao Ông Toán. Cái ao vừa như lá phổi xanh điều hòa không khí cho làng quê, vừa in dấu biết bao kỷ niệm của những người con xa quê. Cùng với cổng làng Đông Sàng, cái ao góp phần giữ gìn được dáng vẻ đặc trưng của “cây đa, bến nước, sân đình” cho làng cổ.

 

Vậy mà suốt mấy ngày qua dân làng Đông Sàng rất bất bình, bức xúc trước một việc “động trời”. Ngày 19/6/2014, đột nhiên có một đoàn người trông rất lạ mang máy ủi về, ủi đổ lan can xung quanh ao và định đổ đất lấp ao mà không được sự cho phép của bất cứ ai trong làng, trong xã. Người dân địa phương đến hỏi thì được biết họ làm thuê cho gia đình ông bà Sơn - Sáu (vốn là người của làng Đông Sàng, đã lập nghiệp ở nội thành Hà Nội từ lâu. Ở quê, ông bà Sơn - Sáu có nhà đất bỏ không, nghĩa là không hề có bức xức gì về chỗ ở).

 

Khi bị dân làng ngăn cản, ông bà Sơn - Sáu còn trình ra sổ đỏ gồm 4 lô đất đã cấp từ năm 2012 để làm căn cứ cho việc làm sai trái xâm phạm di tích của họ. Theo người dân xã Đường Lâm cho biết: Làng Đông Sàng nằm trong quần thể khu di tích làng cổ Đường Lâm gồm 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Lâm, Cam Thịnh, được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký quyết định công nhận vào năm 2005. Trong bản đồ quy hoạch làng cổ năm 2008 có Ao Ông Toán. Vậy mà giờ đây lại có sổ đỏ 4 lô đất “từ trên trời rơi xuống”...

 

Để ngăn chặn kịp thời, đội bảo vệ trật tự an ninh thôn Đông Sàng cùng nhân dân đã ra sức bảo vệ hiện trạng của Ao Ông Toán, ngăn chặn ngay từ đầu làng, không cho gia đình ông bà Sơn - Sáu tiếp tục lấp ao phá hỏng di tích. Trước sự ngăn cản quyết liệt của người dân địa phương, ông bà Sơn - Sáu đã 2 lần cho những người kiểu như “anh chị” tới đe dọa (!?)

 

Trong khi nhân dân làng cổ Đường Lâm đang cố gắng giữ gìn nguyên trạng khu di tích, những gia đình có bức xúc về chỗ ở hoặc muốn sửa chữa nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu hàng ngày cũng phải được chính quyền xem xét và cho phép, vậy mà sổ đỏ 4 lô đất được cấp để “xẻ thịt” ao làng cổ lẽ nào lại bị bỏ qua?

 

Ai được lợi trong chuyện này?

 

Ai đã ký quyết định cấp sổ đỏ 4 lô đất trong Ao Ông Toán cho gia đình ông bà Sơn - Sáu?

 

Những câu hỏi này đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc. Cho dù người ký quyết định là ai chăng nữa thì theo chúng tôi, quyết định đã ký thì vẫn có thể bị thu hồi nếu thấy vi phạm. Như vậy mới có sức thuyết phục với việc tuyên truyền nhân dân bảo đảm giữ gìn cảnh quan, không lấn chiếm các khu di tích lịch sử, trong đó có làng cổ Đường Lâm nói riêng và mọi khu di tích lịch sử khác nói chung.

 

Đức Lâm