6 lời khuyên hữu ích khi xin thực tập

(Dân trí) - Thực tập được xem là cơ hội “vàng” để các ứng viên cọ xát với thực tế, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn. Nếu đang đi xin thực tập, bạn cần biết rằng đây sẽ là quãng thời gian vừa thú vị vừa mang tính thách thức cao.

Dưới đây là một số lời khuyên bổ ích mà bạn nên tham khảo để giúp quá trình xin thực tập trở nên thành công hơn.

Chủ động tìm kiếm và nắm bắt cơ hội thực tập

“Chủ động” ở đây bao gồm 3 khía cạnh. Thứ nhất, bạn nên chủ động nghiên cứu các công ty tuyển dụng thực tập, lập ra danh sách các công ty phù hợp với mong muốn và định hướng nghề trong tương lai để ứng tuyển.

6 lời khuyên hữu ích khi xin thực tập - 1

Thứ hai, bạn nên chủ động liên hệ với công ty tuyển dụng hoặc người giới thiệu có uy tín. Đa số các bạn đi xin thực tập đều khá “dè dặt’ trong vấn đề này. Hoặc họ chờ đợi được phân công đến đâu thì sẽ đến đó. Hoặc họ cậy dựa vào bố mẹ chạy vạy tìm người giới thiệu giúp. Một sinh viên chỉ việc ngồi và đợi “gió đẩy thuyền trôi” như vậy về cơ bản đã thất bại ngay từ vạch xuất phát.

Chuẩn bị CV độc đáo và tỉ mỉ

Đừng nghĩ rằng chỉ những người xin việc mới cần đầu tư vào CV. Trên thực tế, một sinh viên đi xin thực tập cũng cần chuẩn bị một bộ CV độc đáo và tỉ mỉ để chinh phục nhà tuyển dụng ở Bình Dương, TPHCM hay bất cứ nơi nào khác.

Hiện nay nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh của các công ty khá lớn, trong khi đó số lượng ứng viên đăng ký thực tập cũng nhiều vô kể. Do đó mức độ cạnh trạnh thực tập ngày càng khốc liệt. Vậy làm thế nào để CV của bạn lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng?

Trước hết, CV của bạn phải nổi bật nội dung mà bạn muốn thu hút nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, bạn muốn nhà tuyển dụng nhìn thấy năng lực chuyên môn của mình, vậy mục này bạn cần cụ thể hóa bằng số liệu với những dòng thông tin ngắn gọn, súc tích, tránh lối viết chung chung, khuôn mẫu, công thức.

Ngoài ra, bố cục CV xin thực tập cũng cần phải mạch lạc, logic, các đề mục to rõ và dễ dàng thấy ngay. Mặt khác, tối giản hóa cũng là điều nên thể hiện trên CV, bạn đừng quá chú trọng chi tiết, màu sắc, “hoa hòe hoa sói”, điều đó hoàn toàn không phù hợp.

Chỉnh sửa trang cá nhân

Bạn có biết trang cá nhân của mình trên các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, Instragram… cũng giống như một hình thức CV? Nghĩa là chỉ cần nhà tuyển dụng click vào xem sẽ biết được trình độ học vấn, thậm chí đoán định phần nào về tính cách của ứng viên. Bạn không muốn họ thất vọng chứ?

Ngay lúc này, bạn nên “tân trang” lại trang cá nhân của mình bằng một vài gợi ý như sau:

- Cập nhật đầy đủ thông tin về học vấn, kinh nghiệm làm việc trong hồ sơ cá nhân;

- Xóa những bài đăng/bình luận tiêu cực hoặc bài đăng/bình luận có lời lẽ thiếu tế nhị (nếu có);

- Chia sẻ các thông tin liên quan đến nghề nghiệp ứng tuyển thực tập.

- Chia sẻ những thông tin thời sự tích cực;

- Chia sẻ góc nhìn tích cực của cá nhân về một vấn đề xã hội, công việc;

- Chia sẻ những hình ảnh lịch sự, tươi trẻ, tạo cảm hứng;

- Ảnh đại diện nên là ảnh rõ mặt, xinh xắn với nụ cười tươi;

“Nhà sạch thì mát”, hãy làm cho trang cá nhân của bạn trở nên tươi mới và ngập tràn những điều lạc quan, những kiến thức bổ ích về nghề. Điều đó sẽ tạo được thiện cảm về bạn trong mắt nhà tuyển dụng.

Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phỏng vấn

6 lời khuyên hữu ích khi xin thực tập - 2

Đây là thời điểm bạn và nhà tuyển dụng chính thức gặp nhau. Những ấn tượng tốt ban đầu sẽ nhanh chóng bị xua tan nếu bạn “hiện nguyên hình” là một người ấp úng, rụt rè hay không giỏi ứng phó. Vậy thì bạn sẽ rất khó thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn mình làm thực tập sinh.

Để tránh rơi vào tình huống dở khóc dở cười trên, bạn cần chuẩn bị thật kỹ trước khi tham gia phỏng vấn. Chẳng hạn tìm hiểu về công ty, về các câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn và luyện tập nhiều lần ở nhà. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cũng giống như mang áo giáp ra trận, giúp bạn tự tin, tỏa sáng và chống đỡ được các tình huống khó khăn.

Thực hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp

Khi đã nắm được cơ hội thực tập, bạn hãy nhớ rằng đây cũng có thể là cơ hội làm việc lâu dài trong tương lai. Vì thế từ lúc này bạn hãy tập tác phong làm việc chuyên nghiệp. Có thể kể đến vài biểu hiện quan trọng như nói ít làm nhiều, đúng giờ đúng hẹn, nhiệt tình chủ động, suy nghĩ lạc quan, thói quen tích cực…

Học, học nữa, học mãi

Hãy đến với môi trường làm việc bằng đôi mắt biết quan sát, đôi tai biết lắng nghe và trí óc biết học hỏi. Một thực tập sinh ưu tú là người luôn tận dụng mọi cơ hội để trau dồi chuyên môn và nâng cao kỹ năng. Vì thế đừng nhác việc, ngại việc, hãy lăn xả hết mình với tinh thần cầu thị để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm quý giá trong thời gian thực tập ngắn ngủi.

Trên đây là 6 lời khuyên cụ thể dành cho các bạn sinh viên khi xin thực tập. Mong rằng với những lời khuyên này, bạn sẽ sớm tìm được nơi thực tập lý tưởng và trở thành một thực tập sinh xuất sắc. Chúc bạn thành công!

Pha Lê - Trường Thịnh