Lạng Sơn đạt thành tích ấn tượng trong chuyển đổi số

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Chiều 28/6, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm.

6 tháng đầu năm, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu. Lạng sơn chuyển đối số

Lạng Sơn vào top đầu các tỉnh thành về nhiều lĩnh vực trong chuyển đổi số, là tỉnh đầu tiên triển khai thành công các nền tảng: CKS, "Lạng Sơn Cloud" Make in Việt Nam, App "Công dân số Xứ Lạng", chuyển 100% hoạt động của các trường học lên nền tảng số, 100% giáo viên sử dụng chữ ký số thay thế học bạ giấy, bảng điểm giấy, Trợ lý ảo ISEE Lạng Sơn.

Lạng Sơn đạt thành tích ấn tượng trong chuyển đổi số - 1

Chiều 28/6, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có cuộc họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số 6 tháng đầu năm (Ảnh: Langson.gov.vn).

Tỉnh cũng đứng thứ 2 toàn quốc về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, đứng thứ 6 toàn quốc về giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử Việt Nam. Góp phần tích cực nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI...

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo về chuyển đổi số và đại diện các sở, ngành đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển đổi số như: Vấn đề chia sẻ, liên thông dữ liệu chuyên ngành với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chưa tích hợp giữa các phần mềm khác nhau, CKS chưa quản lý được hết các hoạt động mới chỉ thống kê, quản lý việc phương tiện ra, vào cửa khẩu...

Lạng Sơn đạt thành tích ấn tượng trong chuyển đổi số - 2

Mô hình thí điểm chuyển đổi số tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh đến thời điểm này đã thành công (Ảnh minh họa: Nguyễn Bắc)

Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chỉ số như PCI, SIPAS, PAPI tăng bậc rõ nét, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin minh bạch, rõ ràng, công khai...

Theo ông Thiệu, thời gian tới, Sở TT&TT phối hợp với các sở, ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cần có các giải pháp cụ thể hơn nâng hạng các chỉ tiêu đạt thấp; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm chuyển đổi số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho chuyển đổi số; khảo sát, đánh giá hiệu quả của chuyển đổi số để có những điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, phù hợp.

Về CKS, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, mô hình thí điểm tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh đến thời điểm này đã thành công, góp phần phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu hàng hóa, cải cách hành chính, minh bạch hóa, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, hạn chế lây lan dịch bệnh...

 Trước đó, Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đồng thời, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Bên cạnh việc chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, tỉnh Lạng Sơn chú trọng chuyển đổi số xuất phát từ người dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm, động lực và là mục tiêu phát triển.